24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
My Lăng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lời giải cho trái phiếu doanh nghiệp

Tiếp sau trái phiếu doanh nghiệp, rất cần các giải pháp cho những vướng mắc pháp lý dự án để giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản

Một số ý kiến cho rằng Nghị định 08 chỉ là những giải pháp tạm thời chứ không phải "cây đũa thần" cho các vấn đề khó khăn hiện nay

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế được ban hành và có hiệu lực ngày 5-3. Những thay đổi ở nghị định này được cho là sẽ góp phần hóa giải áp lực đáo hạn trái phiếu cho các DN phát hành, đặc biệt là DN bất động sản (BĐS), giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt để tìm hướng hồi phục.

Phản ứng tích cực

Phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán ngày 6-3 cho thấy nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng lớn vào những thay đổi của Nghị định 08 tới thị trường trái phiếu và BĐS. Hàng loạt cổ phiếu của các "đại gia" BĐS như Novaland, Phát Đạt, Đất Xanh… đồng loạt tăng giá mạnh, bất chấp thị trường chung thu hẹp đà tăng vào cuối ngày do áp lực chốt lời.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, cho rằng quy định mới có giá trị tích cực và là cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm "hạ cánh mềm" cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu BĐS. Cụ thể, một trong những điều được quan tâm nhất là tại điều 17 nghị định mới, DN có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Trên thực tế, hiện nay một số chủ đầu tư đã đàm phán với trái chủ để trả bằng tài sản BĐS. Điển hình là mới đây, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) công bố thông tin về việc đạt được thỏa thuận với Công ty Dallas Vietnam Gamma Ltd (trái chủ) về hoán đổi nợ thành góp vốn cổ phần. Theo đó, trái chủ này sẽ nhận một phần vốn góp, cổ phần trong 2 công ty thành viên của Novaland là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Nhơn và Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Mũi Né để đổi lấy việc hủy bỏ một số lượng trái phiếu và chứng quyền tương ứng mà Novaland đã phát hành.

Tuy nhiên, ông Thuân cho rằng sẽ tốt hơn khi có một quy định chuyên ngành rõ ràng làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu trái phiếu DN. "Vấn đề là tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao. Đó sẽ là mấu chốt mà DN và nhà đầu tư phải đàm phán" - ông Thuân nhận xét.

Nghị định mới cũng cho phép DN được đàm phán kéo dài kỳ hạn trái phiếu DN tối đa 2 năm. Trên thực tế, nhiều DN đã làm nhưng theo chuyên gia này, vẫn sẽ tốt hơn khi có một quy định chuyên ngành rõ ràng. "Chuyển nợ xấu về tương lai là cách làm hợp lý mà ngành ngân hàng đã làm. Nhưng với trái phiếu DN được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân, có lẽ cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát. Tránh đưa nhà đầu tư vào thế khó dài hơn mà vẫn không thu được gì" - ông Thuân nêu quan điểm.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính - DN, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, tin rằng những điều chỉnh của Nghị định 08 sẽ hỗ trợ tích cực cho DN và thị trường BĐS. Bởi các DN phát hành trái phiếu mặc nhiên không bị trái chủ ráo riết đòi nợ hoặc sẽ không có cơ sở để tranh chấp.

Ngoài ra, các DN đã phát hành sẽ có thêm thời gian để bổ sung tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, điều quan trọng là tài sản này được định giá như thế nào? Liệu có xảy ra tranh chấp trong định giá tài sản đối với những lô trái phiếu của nhiều trái chủ đã mua hay không? "Tuy nhiên, câu chuyện tiếp theo là gì nếu Chính phủ không tiếp tục có những chính sách liên quan việc cải thiện dòng tiền cho thị trường BĐS. Nếu thị trường BĐS tiếp tục rối vì pháp lý, thiếu thanh khoản thì DN BĐS rất khó tạo ra dòng tiền để giải quyết các khoản nợ ngân hàng chứ không riêng trái phiếu" - ông Lê Đạt Chí nói.

Đại diện một DN BĐS có phát hành trái phiếu cho biết Nghị định 08 thật sự là tin vui. Với những quy định sửa đổi, DN sẽ giảm được áp lực đáo hạn trái phiếu vì có thể chủ động đàm phán với trái chủ để hoán đổi nợ, kéo dài thời gian thanh toán… Tuy nhiên quan trọng vẫn là gỡ vướng pháp lý cũng như các vấn đề khác nhằm gia tăng thanh khoản cho thị trường BĐS, từ đó tạo dòng tiền để DN xử lý hết các vấn đề khó khăn. "Những gút mắc về trái phiếu DN cơ bản đã được hóa giải, tiếp theo vẫn cần thêm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho dự án, sửa đổi quy định pháp lý về triển khai dự án, giảm lãi suất và điều kiện vay vốn ngân hàng… để các DN và thị trường BĐS thật sự hồi sinh" - lãnh đạo DN này nêu ý kiến.

Bước đệm xây dựng lại thị trường

Nghị định 08 được ban hành với nhiều kỳ vọng, dù vậy, một số ý kiến cho rằng đây là những giải pháp tạm thời chứ không phải "cây đũa thần" cho các vấn đề khó khăn trên thị trường BĐS.

Lãnh đạo một DN chuyên về xếp hạng tín nhiệm cho rằng những thay đổi của Nghị định 08 thực tế chỉ giúp DN phát hành trái phiếu bớt khó, người mua trái phiếu bớt lo chứ không thể giải quyết hết những khó khăn hiện nay. Vì hiện nay, lòng tin của nhà đầu tư trái phiếu đã giảm sút nghiêm trọng, không ít người rơi vào trạng thái hoảng loạn khi một số DN mất khả năng chi trả. Vì thế sẽ khó vực dậy niềm tin cho nhà đầu tư trong một sớm một chiều.

Ngoài ra, khó khăn của thị trường BĐS hiện nay không chỉ là gia hạn trái phiếu hay cho hoán đổi tài sản mà câu chuyện là tiền đâu để DN xử lý trái phiếu sau 2 năm? Khó khăn lớn nhất nằm ở chuyện gỡ vướng pháp lý dự án nhằm tạo điều kiện cho DN bán dự án, bán sản phẩm dễ dàng hơn; cấp sổ hồng cho người dân đã mua nhà để họ xử lý nợ; tạo sản phẩm nhà ở cho xã hội để tăng thanh khoản cho thị trường BĐS… Việc này nằm trong tầm tay của Chính phủ, bộ ngành và lãnh đạo địa phương.

Theo các chuyên gia, một khi gỡ được khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho các dự án BĐS sẽ tạo thuận lợi cho ngân hàng thương mại tái tài trợ, tái cơ cấu trong 2 năm tới, từ đó thúc đẩy việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN mới trở lại cùng với việc mở bán và chuyển nhượng BĐS…

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng Nghị định 08 có thể giúp làm giảm áp lực trả nợ của các nhà phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều bước hỗ trợ thị trường hơn nữa. "Nghị định 08 chỉ là bước đệm để xây dựng lại thị trường trái phiếu DN. Cánh cửa hẹp được hé mở nhưng vẫn chưa đủ, cần có nhiều hành động hơn nữa, đặc biệt là hỗ trợ thanh khoản, sửa đổi quy định liên quan ngân hàng, BĐS… như cho phép ngân hàng thương mại tham gia làm nhà tạo lập cho thị trường này" - ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích chiến lược thuộc Maybank Investment Bank, nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả