menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Huy Hoàng

Logistics Việt đón vận hội mới

Để nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với các nhiệm vụ đào tạo nâng cao nhận thức và đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Tuy nhiên, để ngành này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam cần những đột phá mới.

Những vận hội đang đến

Chia sẻ tại diễn đàn logistics Việt Nam 2021 với chủ đề "Phát triển nhân lực logistics" do Bộ Công thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021 duy trì mức tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh.

Nhấn mạnh những vận hội mới của ngành logistics Việt, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, dù trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là dịch bệnh nhưng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được đánh giá là rất tích cực. Thời gian tới, có bốn yếu tố thuận lợi có thể tạo đà cho sự phát triển và ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Thứ nhất, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các chính sách kích thích tăng trưởng hiệu quả. Thứ hai, Việt Nam vẫn đang tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và tăng trưởng xuất nhập khẩu dự kiến còn tiếp tục ở mức cao. Bên cạnh 15 hiệp định thương mại tự do đã ký, thì Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và các nước tham gia Hiệp định sẽ tạo ra một khối thương mại tự do chiếm 30% dân số cũng như 30% GDP toàn cầu. Trong ngắn hạn, có thể RCEP chưa mang lại kết quả rõ rệt, tuy nhiên, trong trung hạn chắc chắn sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn, sẽ tạo ra các chuỗi cung ứng mới trong khu vực và đây cũng sẽ là một nguồn cầu mới và động lực mới cho ngành dịch vụ logictic của Việt Nam phát triển. Thứ ba, Việt Nam nằm trong Top các nước có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất khu vực Đông Nam Á. TMĐT Việt Nam trong 5 năm tới dự kiến sẽ đạt 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT trong nước sẽ đạt khoảng 52 tỷ USD. Hàng hóa của TMĐT đòi hỏi phải được chuyển phát nhanh đến người tiêu dùng. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các DN logistics Việt Nam.

Thứ tư là logistics ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… Trước bối cảnh như vậy, ông Khánh đề nghị ngành logistics cần cùng với Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về logistics và các lĩnh vực có tác động đến sự phát triển của ngành; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như các hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Thứ trưởng cũng đề nghị, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam với vai trò chủ chốt cần kết nối các DN trong ngành và tạo ra các DN đầu đàn hợp tác, chia sẻ các lợi thế để giảm chi phí logistic và tạo ra sân chơi lành mạnh, tăng tính cạnh tranh trong ngành, gắn kết DN xuất nhập khẩu, DN dịch vụ logistic với nhau.

Đào tạo nhân lực là chìa khóa thành công

Nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhân lực logistics - yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics, PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với các nhiệm vụ đào tạo nâng cao nhận thức và đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhân lực sẽ là yếu tố cơ bản quyết định năng lực cạnh tranh và bứt phá cho Việt Nam trong 10 năm tới, nhưng hiện nay cơ bản chúng ta đang thiếu và yếu về nhân lực. Do vậy, phải nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực trong hội nhập khu vực và quốc tế.

Về thực trạng nguồn nhân lực, theo Bộ Công thương, tính đến năm 2020, nước ta cần khoảng 2,2 triệu nhân lực về logistics nhưng công tác đào tạo hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, đây là cơ hội rất lớn để việc đào tạo nhân lực logistics Việt Nam phát triển.

Trên thực tế, để giải quyết khó khăn về nhân lực thời gian qua, đa phần các doanh nghiệp lựa chọn giải pháp đào tạo tại chỗ, đào tạo ngay hoặc đào tạo trực tiếp.

Hiện nay, ngoài Đại học Kinh tế quốc dân có đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ liên quan đến logistics, nhiều trường khác cũng đã mở trường đào tạo ở bậc trung cấp và dạy nghề về lĩnh vực này. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên việc đào tạo ở nước ta vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực logistics.

Cụ thể là nội dung chương trình chưa có sự thống nhất về khung, chương trình chưa có sự thống nhất về nguyên tắc, chưa có sự kết nối liên thông cho các bậc học hoặc chưa có điều kiện đảm bảo chất lượng của chương trình; các điều kiện về học liệu, đội ngũ giảng dạy còn hạn chế, điều kiện gắn giữa đào tạo với thực tiễn còn nhiều bất cập…

Trên cơ sở đó, Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam đã được thành lập và xác định được nhiệm vụ cơ bản để khắc phục hạn chế trên và sẽ hỗ trợ cho hội viên cũng như cá nhân, các tổ chức nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là để đảm bảo tính pháp lý tính liên thông cũng như trong các hoạt động khác.

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cũng cho biết, hiện nay, DN Việt Nam chủ yếu làm vệ tinh cho các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài, chỉ đảm nhận một số dịch vụ đơn lẻ trong hoạt động logistics như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải hoặc là cho thuê kho bãi… Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển, TMĐT trong nước ngày càng phát triển, nhu cầu dịch vụ logistic ngày càng gia tăng, các DN logistics Việt cần nhân cơ hội này và phát triển hơn nữa, làm sao để có thể cạnh tranh một cách bình đẳng với các tập đoàn lớn đang có mặt tại Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả