Lọc hóa dầu Bình Sơn có lãi trở lại trong quý III
Phải dừng sản xuất 51 ngày để bảo dưỡng nhà máy lần 4 nhưng nhờ có giải pháp linh hoạt và chủ động, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã có lãi trở lại trong quý III.
Phải dừng sản xuất 51 ngày để thực hiện bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần 4 nhưng nhờ có các giải pháp linh hoạt và chủ động, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã có lãi trở lại trong quý III/2020.
Sản xuất trong điều kiện khó khăn
Trong 9 tháng vừa qua, BSR đã sản xuất trong điều kiện rất khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu khiến hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ, nhu cầu nhiên liệu theo đó sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, việc cung vượt xa cầu đã đẩy giá dầu thô trên thị trường thế giới lao dốc kỷ lục trong quý II/2020. Dầu mỏ là ngành năng lượng chịu tác động nặng nề trong đại dịch và BSR là một trong những doanh nghiệp vừa chịu tác động cả nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.
Với đặc thù của doanh nghiệp lọc hóa dầu, BSR phải lưu trữ lượng dầu thô và sản phẩm ở mức tồn kho trong giới hạn cho phép nhằm đảm bảo an toàn vận hành nhà máy và an ninh năng lượng quốc gia.
Khoảng từ tháng 3 đến tháng 5/2020, giá bán sản phẩm các loại như xăng, dầu, nhiên liệu bay luôn thấp hơn cả giá dầu thô nhập vào. Nếu tính bình quân 9 tháng năm 2020, sản phẩm nhiên liệu bay Jet A1 có chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô (crack spread ) là - 0,89 USD/thùng. Tương tự, chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô các sản phẩm Mogas 95, Mogas 92 và dầu DO trung bình 9 tháng năm 2020 lần lượt là 4,72 USD; 2,8 USD và 1,89 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch.
Giá dầu thô và sản phẩm cùng lao dốc khiến cho BSR chịu tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Khó khăn kép đã khiến lợi nhuận của BSR âm hơn bốn nghìn tỷ đồng trong 2 quý đầu năm 2020.
Bước sang quý III/2020, nhu cầu trên toàn cầu có sự phục hồi nhưng nhìn chung giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và thường xuyên biến động rất khó lường. Giá dầu thô chuẩn (Dated Brent) do Tạp chí Platts công bố trung bình quý III/2020 đạt 43 USD/thùng mặc dù cao hơn so với mức giá trung bình quý II/2020, nhưng vẫn thấp hơn 31% so với mức giá 62 USD/thùng trong quý III/2019.
Thị trường tiêu thụ của BSR cũng kém thuận lợi. Đầu quý III, các đầu mối phân phối xăng dầu đã tăng cường nhập khẩu và dự trữ nguồn hàng từ trước, cũng như nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ổn định trở lại đã làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước tăng lên nhanh chóng. Nhiều khách hàng đã giãn tiến độ nhận hàng từ tháng 8/2020 sang tháng 9/2020.
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý III/2020 của BSR là Công ty phải dừng sản xuất 51 ngày để bảo dưỡng tổng thể theo kế hoạch.
Giữa rất nhiều trở ngại, nếu không có giải pháp quyết liệt và kịp thời, khả năng Công ty "lội ngược dòng" để có lợi nhuận trong quý III là khó khăn.
Linh hoạt giải pháp kinh doanh
Khi đầu ra bị thắt chặt, BSR đã triển khai và áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường rà soát, cắt giảm và tối ưu chi phí sản xuất kinh doanh. Giá thành sản xuất bình quân của nhà máy lọc dầu trong 8 tháng qua đã được giảm xuống còn 10,026 triệu đồng/tấn sản phẩm, thấp hơn 26,2% so với kế hoạch năm và thấp hơn 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cũng cập nhật thông tin dự báo thị trường dầu thô của các hãng tin quốc tế để linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiểu tổn thất và nắm bắt cơ hội để gia tăng lợi nhuận khi thị trường hồi phục.
Chẳng hạn, tận dùng thời cơ giá dầu thô giảm xuống mức rất thấp, BSR đã mua 1,8 triệu thùng dầu với mức phụ phí trung bình là -1,2 USD/thùng, góp phần làm giảm chi phí dầu thô khoảng 296,1 tỷ đồng. Hay việc tối ưu trong công tác điều độ sản phẩm giao cho các khách hàng cũng giúp tăng doanh thu khoảng 228,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BSR thường xuyên duy trì và đảm bảo nhà máy vận hành an toàn, liên tục và ổn định ở mức công suất tối ưu. Đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 vừa qua, việc BSR hoàn thành xuất sắc các hạng mục đã cho thấy rõ điều đó. Các chuyên gia, kỹ sư của BSR hoàn toàn làm chủ được lập kế hoạch, sản xuất và bảo dưỡng nhà máy, linh hoạt điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
BSR đã tiêu thụ tối đa dầu thô trong nước để tăng lợi ích của chuỗi cung ứng trong toàn ngành và luôn tận dụng thời cơ để mua dầu thô theo hợp đồng chuyến với mức phụ phí thấp hơn hợp đồng dài hạn nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, BSR chủ động trong sản xuất đồng thời cũng linh hoạt trong tiêu thụ sản phẩm. Khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, BSR đã triển khai phương án gửi kho sản phẩm, áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa BSR và khách hàng. Còn khi thị trường phục hồi, BSR phối hợp chặt chẽ với các khách hàng để tiêu thụ sản phẩm tối đa.
Đặc biệt, giải pháp tiết giảm chi phí luôn được BSR quan tâm. Tính đến hết tháng 9/2020, chi phí phát sinh trong kỳ (không bao gồm chi phí dầu thô) ước thực hiện thấp hơn 21,5% so với kế hoạch 9 tháng.
Với nhiều giải pháp tổng thể như vậy, mặc dù dừng bảo dưỡng 51 ngày, BSR vẫn duy trì được lượng hàng cung cấp cho khách hàng theo hợp đồng đã ký kết, đảm bảo hiệu quả hoạt động và có lãi.
Theo tính toán sơ bộ của BSR, quý III/2020, sản lượng tiêu thụ hơn 925 nghìn tấn (vượt 24,8% kế hoạch quý), doanh thu hơn 9.083 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 972 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến trên 171 tỷ đồng.
Việc có lãi trở lại ở quý III là nỗ lực lớn trong bối cảnh khó khăn chưa hết bủa vây các nhà máy lọc dầu. Đây cũng là động lực để Công ty tiếp tục vượt qua thách thức của môi trường kinh doanh trong tình hình mới và những tín hiệu khả quan hơn trong đầu quý IV đang tạo ra kỳ vọng giúp BSR duy trì được đà khởi sắc trong các tháng cuối năm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận