Loạt vấn đề ‘đáng lo ngại’ vì tăng trưởng của đầu tàu kinh tế TPHCM rất thấp
Trao đổi với Tiền phong, PGS, TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết, TPHCM có mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, điều này quả thực đáng lo ngại với một khu vực kinh tế lớn nhất cả nước.
Đóng góp mức tăng chung, chủ yếu đến từ khu dịch vụ với 6,79%, chiếm 95,91%. Còn khu vực công nghiệp và xây dựng lại giảm 0,4%. Sản xuất chế biến chế tạo cũng đều khó khăn khi xuất khẩu suy giảm.
Với mức 3,32% của quý I, mục tiêu 6,5% cả năm nay được đánh giá là rất thách thức nếu không muốn nói là khó khả thi. Theo tính toán của cơ quan thống kê, các quý còn lại của năm cần đạt mức tăng trưởng 7,5% để hoàn thành mục tiêu GDP năm nay. Tuy nhiên sẽ không đơn giản trong bối cảnh các khó khăn từ nội tại, những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…
GRDP của TPHCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Quả thực đáng lo ngại với một khu vực kinh tế lớn nhất cả nước như TPHCM, mức tăng này cũng là rất thấp.
Về lý do, TPHCM cũng không nằm ngoài khó khăn chung của cả nước cũng như xu thế thế giới.
Sự trì trệ của TPHCM đến từ sự đóng băng của thị trường bất động sản. TPHCM với số lượng dân cư đông đúc, nhu cầu mua bất động sản lớn, thị trường bất động sản phát triển rất mạnh trước đó. Do vậy, cũng dễ lý giải khi thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản kém, khó khăn bủa vây về vốn, về trái phiếu doanh nghiệp cùng những ách tắc về pháp lý đã tác động đến tăng trưởng TP sầm uất bậc nhất cả nước.
Quan sát cũng cho thấy, nhiều tỉnh thành bị ảnh hưởng lớn trong quý I, tăng trưởng thấp, thậm chí âm chủ yếu là những khu vực tập trung vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như Bắc Ninh (tăng trưởng -11,85%), Vĩnh Phúc (-2,47%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-4,75%), Quảng Nam (-10,88%), TPHCM (0,7%)…
Kinh tế thế giới khó khăn, ngân hàng trung ương các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế chi tiêu của người dân. Khi cầu thế giới suy giảm, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm theo. Kết quả, quý I/2023 kim ngạch xuất khẩu âm 11,9%.
Các lĩnh vực như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử máy vi tính… đều sa sút. Trong khi đó, xuất khẩu bấy lâu nay chủ yếu đến từ khu vực FDI. TPHCM - nơi có nhiều doanh nghiệp FDI đương nhiên khó tránh chịu tác động nặng nề.
- Xuất khẩu - một động lực quan trọng trong tăng trưởng của Việt Nam bị âm, vậy theo ông GDP năm nay trông đợi vào đâu và thúc đẩy bằng cách nào?
Như tôi nói, mức tăng 6,5% sẽ là ngoài tầm với trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Song có hai động lực chính có thể thúc đẩy tăng trưởng, là đầu tư công và thị trường nội địa.
Cần tháo gỡ khó khăn về chính sách tiền tệ. Hiện tại, lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại bắt đầu giảm, nhưng chưa nhiều và hấp dẫn để doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Đầu tư công cũng cần có biện pháp để tăng tốc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang có chỉ đạo rất sát sao. Cũng có thể hy vọng quý III, quý IV các nền kinh tế thế giới dừng thắt chặt tiền tệ, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, xuất khẩu hồi phục.
Với kịch bản nền kinh tế thế giới tiếp tục xấu cùng với những khó khăn nội tại về tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp… thì tăng trưởng có thể còn thấp nữa.
- Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận