24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Việt Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Loạt 'ông lớn' FDI 'kêu' có thể giảm doanh số tới 50% do tác động của dịch Corona

Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch Corona (nCoV) đối với kinh tế - xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) lớn như Samsung, Fomosa, Apple... đều cho biết doanh số có thể giảm mạnh trước tình trạng thiếu nguyên liệu, nhân công do dịch Corona.

Doanh số có thể giảm 50%

Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi tới Chỉnh phủ đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch Corona đối với kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2020.

Theo đó, lĩnh vực đầu tư sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp từ dịch bệnh này. Trong đó, với đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ KH&ĐT cho biết, đối tượng bị ảnh hưởng là người Trung Quốc làm việc trong các dự án FDI tại Việt Nam và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm với Trung Quốc (Bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc và các nước khác).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác nói chung cũng có nhiều khả năng bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư …

Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

Khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều dự án FDI từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa làm ảnh hưởng tiếp tới tiến độ, công tác chuẩn bị cũng như triển khai các dự án ở Việt Nam. Nguồn nhân công cho nhiều dự án FDI của Trung Quốc tại Việt Nam giảm do rất nhiều cán bộ, kĩ sư, chuyên gia của Trung Quốc không vào được Việt Nam khi có các hạn chế đi lại từ các lệnh cấm bay.

Cụ thể, LG thông tin nếu dịch Corona không được ngăn trong vòng 2 tuần tới, sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại Cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020.

Fomosa cũng cho biết việc không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng nghìn người Trung Quốc làm việc cho Dự án Formosa, dự kiến sau 15/2/2020 mới được phép vào Việt Nam.

Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020, tuy nhiên sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Do đó, sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.

GDP năm 2020 khó đạt 6,8%

Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%. Trong đó quý 1 tăng 6,52%; quý 2 tăng 6,65%; quý 3 tăng 7,11%; quý 4 tăng 6,81%.

Theo đánh giá sơ bộ tác động của dịch Corona tới tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam, Bộ KH&ĐT đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến.

Cụ thể, kịch bản 1 là trong trường hợp dịch Corona được khống chế kịp thời trong quý 1/2020. Ước tính GDP năm 2020 sẽ tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu). Trong đó quý 1 tăng 3,8%; quý 2 tăng 6,55%; quý 3 tăng 7,07% và quý 4 tăng 6,81%.

Kịch bản 2 dựa trên trường hợp dịch Corona được khống chế trong quý 2/2020, ước tính GDP năm 2020 chỉ tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý 1 tăng 3,8%; quý 2 tăng 5,81%; quý 3 tăng 7,05% và quý 4 tăng 6,81%.

Như vậy, theo Bộ KH&ĐT để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Cùng với 2 kịch bản về tốc độ tăng trưởng GDP, Bộ KH&ĐT cũng đưa dự báo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cụ thể với kịch bản 1, CPI cả năm tăng 3,96%; với kịch bản 2, dịch Corona được khống chế trong quý 2 thì chỉ số CPI bình quân năm 2020 tăng tới 4,86%.

Xét về tác động của dịch tới các ngành lĩnh vực. Theo Bộ KH&ĐT, những ngành sẽ chịu tác động trực tiếp gồm: Xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải. Những ngành chịu tác động gián tiếp là nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất công nghiệp

Cụ thể, với xuất khẩu, nếu dịch chỉ kéo dài hết quý 1, ước tính kim ngạch xuất khẩu quý 1 đạt 46,5 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là các mặt hàng nông sản, nông sản chế biến, lâm sản, thuỷ sản với mức giảm lên tới 29-38%. Các sản phẩm điện tử, điện thoại cũng có nguy cơ giảm 27%.

Nếu dịch kéo dài tới hết quý 2, xuất khẩu quý 2 cũng sẽ bị ảnh hưởng, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 51 tỷ USD. Trong đó các mặt hàng nông sản, nông sản chế biến, lâm sản, thuỷ sản tiếp tục giảm mạnh khoảng 27-32%. Mặt hàng giày dép, dệt may cũng giảm khoảng 23-26%.

Về nhập khẩu, ước tính quý 1 kim ngạch nhập khẩu đạt 50 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giảm mạnh nhất là các mặt hàng tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng với mức giảm từ 12-17% so với cùng kỳ năm 2019.

Nếu dịch kéo dài tới hết quý 2, kim ngạch nhập khẩu có thể giảm 16%, chỉ đạt 53 tỷ USD với mức giảm chủ yếu ở các nhóm hàng tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng với mức giảm từ 15-23% so với cùng kỳ năm trước.

Hủy 80 chuyến bay/ngày bởi dịch Corona

Trong lĩnh vực du lịch, thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam và luôn có khoảng cách lớn so với các thị trường khách lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan...

Cục Hàng không đã có lệnh tạm thời hủy tất cả các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngược lại từ chiều ngày 01/2/2020, tỉnh Quảng Ninh đã đóng cửa tất cả các đường mở, lối mòn biên giới với Trung Quốc và Chính phủ đã tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc từ 30/1/2020 nên số lượng khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch là bằng 0.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đưa ra các kịch bản tăng trưởng với ngành du lịch như sau: Khách Trung Quốc đến nước ta bình quân mỗi quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Trong tháng 1/2020, lượng khách Trung Quốc đến nước ta là 644 nghìn lượt khách. Nếu dịch Corona kết thúc cuối quý 1/2020, lượng khách quốc tế trong quý 1 cũng vẫn là 644 nghìn lượt khách, giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800 nghìn lượt khách; Nếu dịch Corona kết thúc cuối quý 2/2020, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch.

Đối với khách quốc tế từ các quốc gia khác tới Việt Nam, số lượng cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virus Corona. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý 1, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Với lĩnh vực vận tải, vận tải hàng không "chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch Corona gây ra", Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần.

Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố trên, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.

Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 1/2, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.

Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, giá trị sản xuất ngành vận tải chỉ tăng khoảng 5% theo giá so sánh trong quý 1 (và chỉ tăng 3,5% trong quý 2 theo giá so sánh trong trường hợp dịch kéo dài hết quý 2).

Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2020, ngày 5/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp tốt hơn với tinh thần "bàn tiến, không bàn lùi", không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

“Chống dịch quyết liệt nhưng không được dao động”, Thủ tướng quán triệt.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý khắc phục cho được các bất cập, tồn tại như giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình xây dựng cơ bản lớn, vấn đề chuyển hướng thị trường, cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, thị trường du lịch, tái cơ cấu ngành hàng không…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả