Loạt mã thép, ngân hàng, KCN, tiêu dùng, thủy sản... vào danh mục ưa thích nửa cuối năm của Rồng Việt
Những cổ phiếu được VDSC lựa chọn cho nửa cuối năm là cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi hoặc tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản...
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực sẽ là “bệ đỡ” cho TTCK nửa cuối năm
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong những phiên đầu tháng 8 phản ứng tiêu cực theo xu hướng điều chỉnh của các thị trường chứng khoán toàn cầu. Tốc độ điều chỉnh của chỉ số mạnh hơn so với bức tranh kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm 2024.
Đơn cử, hôm 5/8, VN-Index mở đầu phiên với mức điểm giảm khá lớn và liên tục nới rộng số điểm giảm trong phiên, đặc biệt biến động giảm sâu trong phiên chiều. Chỉ riêng trong phiên này, VN-Index đã ghi nhận giảm 48,53 điểm (-3,92%), đóng cửa tại 1.188,07 điểm. VN30-Index giảm 48,9 điểm (-3,82%), đóng cửa tại 1.232,11 điểm. Toàn bộ 30 mã trong nhóm này đều chìm trong sắc đỏ như GVR (-7%), VRE (-6,4%), HDB (-6,1%), SAB (-5,6%), TPB (-5,4%).
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng với việc điều chỉnh nhanh và mạnh, chủ yếu theo đà diễn biến của chứng khoán toàn cầu thay vì phản ánh bức tranh kém khả quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thì thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại. Thực tế, bước sang phiên 6/8, lực cầu bắt đáy tại ngưỡng 1.185 điểm đã giúp VN-Index hồi phục và trở lại kết phiên tại mốc 1.210.28 điểm, tăng hơn 22 điểm so với phiên 5/8. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 17/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành Hóa chất, Dịch vụ tài chính dẫn đầu đà tăng.
Diễn biến của VN-Index đến thời điểm chốt phiên 6/8. Ảnh: VDSC
Nhìn xa hơn, dự báo cho nửa cuối 2024, các chuyên gia cho rằng, môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ là động lực để thị trường sớm phục hồi.
Theo đó, bức tranh KQKD 6 tháng của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy xu hướng phục hồi và tăng trưởng vẫn đang diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt từ đầu quý II nhờ tăng trưởng quy mô, cải thiện vòng quay tài sản và biên liên lợi nhuận. Ước tính EPS (lũy kế 12 tháng) toàn thị trường đã tăng trưởng 10% svck tính đến cuối quý II.
Cho cả năm 2024, VDSC ước tính tăng trưởng EPS toàn thị trường có thể đạt mức 14-18% svck với động lực đến từ các nhóm ngành Ngân hàng và Bất động sản, và xu hướng tăng trưởng được duy trì ở các nhóm ngành còn lại.
Dựa vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận (14%-18%) và kịch bản P/E giao dịch trong vùng 13,5x – 15x, vùng điểm hợp lý của VN-Index sau khi phản ánh kết quả tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh cả năm 2024 là 1.236-1.420 điểm.
Về khuyến nghị cho nhà đầu tư, các chuyên gia lưu ý rằng những cổ phiếu được VDSC lựa chọn cho nửa cuối năm là cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi hoặc tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản.
Ngoài ra, nhóm ngành dệt may cũng là nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu có sự chiết khấu mạnh về giá cổ phiếu trong các đợt điều chỉnh của thị trường khi mà xu hướng lợi nhuận của ngành này là khả quan.
Ảnh: VDSC
Rủi ro vẫn hiện hữu
Mặc dù triển vọng thị trường chung về cuối năm là khả quan, VDSC vẫn lưu ý một số rủi ro hiện hữu trên thị trường bao gồm thông điệp và quan điểm điều hành CSTT của FED, vấn đề căng thẳng địa chính trị và diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước.
Về điều hành chính sách tiền tệ của FED, nhóm chuyên gia lường trước rủi ro FED chậm chân trong cắt giảm lãi suất - điều có thể dẫn đến khả năng suy thoái cho nền kinh tế lớn nhất hành tinh.
Cuối tháng 7 qua, một loạt số liệu vĩ mô của Mỹ, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp, PMI công nghiệp và dịch vụ, được công bố xấu hơn kỳ vọng. Với số liệu này, giới đầu tư bắt đầu tính đến kịch bản FED có thể chậm chân trong điều hành chính sách, nếu chỉ thực hiện hai lần cắt giảm lãi suất (mỗi lần 25bps) trong năm 2024, dẫn đến suy thoái kinh tế nhanh hơn.
Dù vậy, VDSC cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận kịch bản suy thoái khi mà tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong tháng 7 (4,3%) chủ yếu do nguồn cung lao động lớn hơn, phần lớn đến từ sự gia tăng nhập cư, thay vì sự giảm cầu lao động, cùng đó số lượng yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu - một chỉ báo về cầu lao động - vẫn ở mức thấp lịch sử, cho thấy cầu lao động vẫn mạnh.
Một rủi ro khác cũng được VDSC nhắc tới đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2024, ngoài nhóm ngân hàng vẫn tham gia tích cực trên thị trường thì không có nhiều doanh nghiệp BĐS có thể cơ cấu nợ thông qua việc phát hành mới hay mua lại trước hạn. Đồng thời, chi phí huy động TPDN của nhóm BĐS vẫn duy trì ở mức cao trong 7 tháng phản ánh rủi ro cao của nhóm doanh nghiệp này.
Các chuyên gia cho rằng, nếu việc cơ cấu nợ không thuận lợi trong nửa cuối năm trước áp lực đáo hạn trái phiếu và thị trường BĐS chưa phục hồi như mong đợi, rủi ro không thể thanh toán được nợ dẫn đến sự gia tăng đột biến của nợ kéo theo (do đánh giá CIC). Điều này hàm ý cho áp lực trích lập của nhóm ngân hàng và triển vọng tăng trưởng của nhóm này không đạt kỳ vọng.
“Mặc dù đến cuối cùng, những cơn gió ngược rồi sẽ qua đi, TTCK thường phản ứng mạnh và tiêu cực hơn so với thực tế. Điều này có thể khiến chỉ số VN-Index biến động tiêu cực hơn mức định giá hợp lý của chỉ số”, nhóm phân tích nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận