Loạt doanh nghiệp bất động sản bị SMC “bêu tên” trong danh sách nợ xấu nghìn tỷ
Danh sách nợ xấu công ty thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp Bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, CTCP Hưng Thịnh Incons…
Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 vừa công bố, CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) - một hãng thép 35 tuổi tại TP.HCM, ghi nhận doanh thu thuần 3.141 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán đạt 3.182 tỷ đồng, cao hơn doanh thu, SMC ghi nhận lỗ gộp hơn 41 tỷ đồng. Điểm "gỡ" lại trong kỳ là chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm.
Kết quả, SMC lỗ sau thuế 178 tỷ đồng. Dù đã giảm so với mức lỗ 220 tỷ đồng của cùng kỳ năm, nhưng gộp 9 tháng năm 2023, hãng thép lỗ 586 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ.
Ngoài chuyện kinh doanh dưới giá vốn, việc phải trích lập dự phòng đẩy bức tranh tài chính của doanh nghiệp này thêm khó khăn.
Tại thời điểm 30/9, báo cáo tài chính thể hiện SMC đã trích lập dự phòng 272 tỷ đồng cho hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu.
Danh sách nợ xấu công ty thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (441 tỷ đồng), Công ty TNHH bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ đồng), Công ty TNHH The Forest City (132 tỷ đồng). Đây đều là các công ty con của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán NVL).
Ngoài ra, danh sách nợ xấu của SMC còn có CTCP Hưng Thịnh Incons (63 tỷ đồng), CTCP Hữu Liên Á Châu (17 tỷ đồng) và các đối tượng khác phải thu 480 tỷ đồng.
Thời gian tới, nếu công nợ vẫn chưa thể thu hồi được, SMC phải tiếp tục trích lập dự phòng thêm theo quy định.
Giải trình về kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo SMC cho biết quý 3 là mùa thấp điểm tiêu thụ ngành thép, đặc biệt năm nay sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bất động sản đóng băng, thị trường dân dụng sức mua yếu, giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nên nhu cầu thép trong nước giảm sút đáng kể.
Bên cạnh đó, giá thép liên tục giảm và duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng tiêu cực bởi nền kinh tế Trung Quốc cũng như tiêu thụ thép toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, lạm phát, lãi suất, tỷ giá vẫn ở mức cao làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả.
Cũng theo lãnh đạo SMC, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do phải trích lập các khoản dự phòng… Công ty sẽ đề xuất những giải pháp tích cực để thu hồi các khoản nợ còn tồn đọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận