Loạn phân lô bán nền tại Lâm Đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra
Bộ TN & MT sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai tại TP. Bảo Lộc, TP. Đà Lạt, huyện Lâm Hà và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) sau khi tiếp nhận những phản ánh tiêu cực từ dư luận về hoạt động phân lô bán nền rầm rộ thời gian gần đây.
Thanh tra sau phản ánh tiêu cực từ dư luận
Căn cứ vào Quyết định số 561/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc kiểm tra chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai trên địa bàn khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai tại TP. Bảo Lộc, TP. Đà Lạt, huyện Lâm Hà và huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng). Đây là việc thanh tra không định kỳ sau khi tiếp nhận những phản ánh tiêu cực từ dư luận về hoạt động phân lô bán nền trong thời gian qua.
Theo đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu tỉnh Lâm Đồng báo cáo tình hình ban hành các văn bản, hướng dhực hiện về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giao đất; cho thuê đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tách, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại đất của người sử dụng đất cho Nhà nước. Đồng thời, báo cáo cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện (từng bước, thời gian, đơn vị hoặc cá nhân có thẩm quyền thực hiện của từng thủ tục hành chính) các vấn đề trên.
Lập thống kê các văn bản kèm theo của việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến những vấn đề tách, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại đất cho Nhà nước; phân lô, bán nền. Thống kê kết quả việc lập, thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020, yêu cầu đánh giá ưu điểm, tồn tại, vướng mắc, bất cập và kiến nghị trong quá trình thực hiện.
Đối với việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 1/7/2014 đến nay, yêu cầu huyện báo cáo: số lượng, số quyết định giao đất; số hộ gia đình, cá nhân được giao đất; tổng diện tích giao (diện tích đất được giao sử dụng vào từng mục đích). Số lượng, số quyết định cho thuê đất; số hộ gia đình, cá nhân được cho thuê đất; tổng diện tích cho thuê đất (diện tích đất cho thuê sử dụng vào từng mục đích).
Số quyết định, số lượng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; số hộ gia đình cá nhân được phép chuyển mục đích; tổng diện tích cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó diện tích sử dụng từng mục đích trước khi cho phép, diện tích cho phép chuyển sang sử dụng vào từng mục đích. Đánh giá kết quả công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện và lập biểu thống kê theo từng năm các cá nhân.
Đối với các địa phương tại xã, TT. Đông Thanh, Nam Ban, Gia Lâm, Mê Linh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) yêu cầu chuẩn bị hồ sơ, tài liệu về bản đồ địa chính, sổ mục kê, sổ địa chính, sổ theo dõi biến động đất đai; báo cáo kết quả thống kê đất đai hàng năm; báo cáo kết quả kiểm kê đất đai; bản đồ hiện trạng sử dụng đất (được lập sau thống kê, kiểm kê); hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (bản đồ, thuyết minh, quyết định phê duyệt bằng bảng giấy). Danh sách các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại cho nhà nước.
Báo cáo cụ thể trình tự thủ tục và các bước thực hiện công tác cập nhật, chỉnh lý biến động sử dụng đất do chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại cho nhà nước. Lập biểu thống kê cụ thể và đánh giá công tác tách thửa, hợp thửa đất; việc quản lý, sử dụng diện tích do người sử dụng hiến đất, trả lại đất theo quy định pháp luật.
Lợi dụng chính sách để “xẻ” đồi
Thời gian qua, tại nhiều khu vực ở TP. Bảo Lộc, TP. Đà Lạt, huyện Lâm Hà và huyện Bảo Lâm xảy ra tình trạng phân lô đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích. Các chủ sở hữu đất nông nghiệp đã tự ý san gạt đất, làm đường giao thông trong các thửa đất, trên những đồi chè rồi tự “vẽ” dự án bất động sản để tiến hành rao bán.
Trước tình trạng này, cuối tháng 1/2021, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo giao Công an tỉnh điều tra các sai phạm quản lý đất đai, mở đường phân lô, tách thửa đồi chè tại TP. Bảo Lộc.
Chỉ đạo trên được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp kiểm tra thực tế một số khu vực xảy ra tình trạng san gạt đất, mở đường, phân lô bán nền; lập dự án bất động sản không phép trên địa bàn TP. Bảo Lộc mà báo chí đã phản ánh.
Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương cung cấp một số thủ tục, hồ sơ liên quan đến vấn đề phân lô, tách thửa. Đồng thời, kiểm tra thực tế các công trình xây dựng phân lô, bán nền như hệ thống đường giao thông, hồ cảnh quan và một số hạng mục khác.
"Việc mở đường trên đất nông nghiệp dựa trên quy định về việc hiến đất là lách luật để tách thửa, phân lô. Những hoạt động mở đường, san gạt, tách thửa tại đồi chè này là sai phạm nghiêm trọng cần được làm rõ", ông Hiệp khẳng định.
Các dự án bao gồm: Khu dân cư Nguyễn Đình Chiểu, Pine Valley Bảo Lộc tại phường Lộc Phát; Đambri Hill Village Bảo Lộc, Bảo Lộc Park Hills, Happy Valley Bảo Lộc, Jade Garden Hill Bảo Lộc tại phường Lộc Tiến; Thanh Niên DaLat Hills, Fog Garden Bảo Lộc tại phường Lộc Sơn… cùng một số dự án tại xã Đam Bri.
Còn tại huyện Lâm Hà hay Bảo Lâm cũng báo động tình trạng phân lô, bán nền khi thời gian vừa qua, trên địa bàn các hộ dân có nhu cầu tự nguyện hiến đất làm đường đi chung tại các xã, thị trấn diễn ra phổ biến.
Các chủ trương đã được huyện chấp thuận cho hiến đất và mở đường đi với quy mô đường giao thông nông thôn loại B theo quyết định 4927/QĐ-BTGTVT chiều rộng mặt đường 3,5 - 5m, lề đất 0,5 - 1m mỗi bên, kèm mương thoát nước dọc. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát một số nội dung có liên quan, mục đích hiến đất làm đường đi chung nhưng lại chủ yếu là phục vụ việc tách thửa sau đó.
Để ngăn chặn, lợi dụng chính sách hiến đất làm, đầu tháng 4/2021, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản số 491/SXD-QHKT gửi UBND các huyện, TP. Đà Lạt và TP Bảo Lộc về việc hướng dẫn những trường hợp hình thành đường giao thông mới để đủ điều kiện xem xét tách thửa.
Theo đó, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải thống nhất hướng dẫn đối với việc hình thành đường giao thông mới để đủ điều kiện xem xét tách thửa là chiều rộng mặt đường tối thiểu 5,5m (đối với khu vực đô thị), tối thiểu là 7m (đối với khu vực nông thôn). Đồng thời, việc hình thành đường giao thông này phải được cấp thẩm quyền cho phép và nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng.
Trường hợp tối thiểu chỉ áp dụng đối với các tuyến đường không có trong quy hoạch. UBND cấp huyện phải căn cứ sự cần thiết mở đường và công trình phục vụ để xác định quy mô cho phù hợp thực tế địa phương để đảm bảo khi đưa vào sử dụng giải quyết được nhu cầu đi lại cho khu vực.
Đối với các tuyến đường đã được xác định trong quy hoạch xây dựng thì quy mô mở đường phải thực hiện đúng theo quy mô của quy hoạch và được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đối với đường giao thông trong khu vực đô thị thì đường giao thông bao gồm mặt đường, hè đường và rãnh dẫn nước.
Đồng thời, tất cả các tuyến đường cho mở mới phải được đấu nối với hệ thống giao thông theo quy hoạch và được đầu tư hoàn thiện mặt đường, hệ thống thoát nước ngang và dọc. Riêng tuyến đường đô thị thì phải đầu tư bó vỉa. Sau khi nghiệm thu bàn giao cho phép quản lý đưa vào sử dụng, UBND cấp huyện có kế hoạch đầu tư các hạng mục còn lại như vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng và hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận