menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Lan Anh

Lo ngại về nợ công, Thụy Sỹ thận trọng khi vực dậy nền kinh tế

Theo Bộ trưởng Tài chính Thụy Sỹ, nước này phải đi vay để thúc đẩy nền kinh tế và khoản nợ 10 tỷ franc sẽ phải được trả trong vòng sáu năm theo quy định về kìm hãm nợ công trong hiến pháp.

Các chuyên gia đang kêu gọi Chính phủ Thụy Sỹ hành động mạnh mẽ hơn để vực dậy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong bối cảnh nước này đang triển khai các chương trình hỗ trợ một cách thận trọng do lo ngại về vấn đề nợ công.

Với việc các công ty Thụy Sỹ đang vật lộn với một đợt phong tỏa mới, chính phủ nước này đã quyết định tăng gấp đôi khoản viện trợ khẩn cấp dành cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, lên 10 tỷ franc Thụy Sỹ (11,2 tỷ USD).

Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Ueli Maurer một lần nữa nhấn mạnh rằng Thụy Sỹ phải đi vay để thúc đẩy nền kinh tế, và ông Maurer cảnh báo khoản nợ 10 tỷ franc sẽ phải được trả trong vòng sáu năm theo quy định về kìm hãm nợ công trong hiến pháp. Ông cũng cam kết sẽ đưa ra các phương án khác nhau để thanh toán ngay khi triển vọng kinh tế được cải thiện.

Năm 2020, Chính phủ Thụy Sỹ đã chi 15 tỷ franc (16,7 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế, và dữ liệu sơ bộ cho thâm hụt ngân sách của nước này tính đến cuối năm 2020 là 15,8 tỷ franc (17,6 tỷ USD).

Nhiều chuyên gia kinh tế đã kêu gọi Thụy Sỹ tạm gác lại các quy định về cán cân ngân sách trong bối cảnh cuộc khủng hoảng. Michael Graff, Giáo sư kinh tế tại trường đại học ETH Zurich, cho biết: “Thụy Sỹ có thể hào phóng hơn nhiều”, và ông tin rằng đất nước có thể vay những gì họ cần để thúc đẩy hoạt động kinh doanh mà không gặp vấn đề gì.

Theo nghiên cứu mà Giáo sư Graff công bố hồi tháng 1/2021, nền tài chính của quốc gia sau khủng hoảng sẽ vẫn được đánh giá ở mức “khỏe mạnh” ngay cả khi việc vay nợ tăng lên.

Nguyên nhân chủ yếu là nhờ nước này có một trong những tỷ lệ nợ công thấp nhất thế giới trước khi đại dịch xảy ra. Nợ công của Thụy Sỹ ở mức 25,8% GDP vào cuối năm 2019. Con số này chưa bằng một nửa mức trần 60% GDP theo quy định mà Liên minh châu Âu đặt ra.

Ông Graff cũng nhấn mạnh, nếu tỷ lệ nợ của Thụy Sỹ tăng 10 điểm phần trăm, hoặc thậm chí 20 điểm phần trăm, và "nếu mọi thứ diễn ra tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến" thì tỷ lệ nợ công/GDP của quốc gia này sẽ vẫn ở mức "cực kỳ thấp, so với các quốc gia khác, một khi vượt qua cuộc khủng hoảng”.

Sau khi nợ công tăng vọt vào cuối những năm 1990 do cuộc khủng hoảng bất động sản, Thụy Sỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên đưa biện pháp kìm hãm nợ công vào hiến pháp vào năm 2003.

Nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ Jean-Pierre Danthine nhận định rằng quy tắc kìm hãm nợ công của nước này nên bị đình chỉ khi nền kinh tế đang đối mặt với khủng hoảng.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình Leman Bleu, với lãi suất âm, Thụy Sỹ có thể vay "tất cả những gì họ cần".

Hơn nữa, đất nước này không bị ảnh hưởng nặng nề như một số nước láng giềng châu Âu trong đợt đại dịch đầu tiên, và nền kinh tế của nước này ở trạng thái tốt hơn. Thụy Sỹ có thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhanh hơn và dựa vào lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm mạnh mẽ.

Chính phủ Thụy Sỹ đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ kinh tế và phân bổ 70 tỷ franc (78 tỷ USD) để tài trợ một phần trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và các khoản vay ngắn hạn cho doanh nghiệp. GDP của Thụy Sỹ giảm 8,6% trong nửa đầu năm 2020, và phục hồi với mức tăng 7,2% trong quý III/2020./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại