menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn Anh Tuấn

Lỗ nặng, cổ phiếu của "ông chủ" Shopee vẫn tăng thần tốc

Trên sàn New York, giá mã SEA (của SEA Group) có bước tăng thần tốc. Điều đáng nói là, SEA báo lỗ nặng và đà lỗ có thể còn kéo dài.

Khi Steve Jobs truyền cảm hứng

Khi người sáng lập Apple – Steve Jobs có bài phát biểu đầy cảm hứng với sinh viên Stanford năm 2005 với câu nói nổi tiếng “Hãy cứ đói khát, hãy cứ dại khờ” (Stay hungry, stay foolish), một trong những người được ông truyền cảm hứng là Forrest Li.

Trong bài phỏng vấn với Nikkei Asia, Forrest Li, khi đó là sinh viên MBA tại Stanford cho biết, ông xem đi xem lại bài phát biểu của Steve Jobs trong 1 tháng trước khi quyết định khởi nghiệp.

15 năm sau, Forrest Li, 42 tuổi, đã sở hữu SEA Group - công ty khởi nghiệp niêm yết có giá trị lớn nhất Đông Nam Á, hoạt động tại mảng trò chơi điện tử (game online), thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Giá trị vốn hóa thị trường của SEA tại New York đã tăng hơn 4 lần kể từ đầu năm 2020 cho tới nay, lên mức hơn 70 tỷ USD, vượt qua một số ngân hàng lớn trong khu vực như Bank Central Asia (Indonesia, 45 tỷ USD), DBS Group Holdings (Singapore, 37 tỷ USD).

Giá trị vốn hóa thị trường của SEA tại New York đã tăng hơn 4 lần kể từ đầu năm 2020 cho tới nay, lên mức hơn 70 tỷ USD.

Giá cổ phiếu SEA cũng có bước leo dốc thần tốc, vượt xa so với cả những doanh nghiệp được hưởng lợi từ đại dịch Covid-19.

Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của SEA là trò chơi điện tử hiện sở hữu 500 triệu tài khoản người dùng trên toàn cầu.

Tựa game Free Fire được hãng phát hành năm 2017 đã trở thành game được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong năm 2019. Nhờ Free Fire, mảng game đã đóng góp 167 triệu USD lợi nhuận cho SEA trong quý II.

Theo Li, lĩnh vực kinh doanh này sẽ tiếp tục mang về lợi nhuận tích cực cho Công ty. Lợi nhuận mà mảng game mang lại giúp SEA có nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử, mà thương hiệu chủ lực là Shopee.

ShopeePay - một trong những dịch vụ thanh toán điện tử của SEA hiện đã ghi danh vị trí quan trọng tại Indonesia.

Nếu như cách đây 1 năm, các trung tâm thương mại tại Jakarta chỉ chấp thuận hai ví điện tử thông dụng là GoPay của Gojek và OVO - đối tác của Grab thì hiện tại, Shopee Pay đã trở thành một phương pháp thanh toán thông dụng, được các cửa hàng sử dụng để thu hút khách hàng.

Tại Singapore, SEA là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong cuộc đua xin giấy phép ngân hàng điện tử, dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Nếu được cấp phép, Công ty có thể nhận tiền gửi, cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đây là bước tiến rất quan trọng để mở rộng lĩnh vực dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại Singapore – thị trường màu mỡ đối với thương mại điện tử và game online.

Giá cổ phiếu tăng cao cho thấy nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao vào SEA. Dù SEA thua lỗ liên tục, nhưng Công ty có chiến lược tập trung vào ba mảng game, thương mại và tài chính - mô hình tương tự các công ty khổng lồ tại Trung Quốc như Alibaba và Tencent.

Bên cạnh đó, SEA đang tập trung hoạt động tại Đông Nam Á, khu vực sở hữu 650 triệu dân và có nhiều tiềm năng tăng trưởng so với Mỹ hay Trung Quốc, nơi khả năng thâm nhập ngành dịch vụ kỹ thuật số thấp hơn.

“Còn nhiều dư địa tăng trưởng cho doanh nghiệp có chiến lược đúng”, Justin Tang, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á tại United First Partners nói và cho biết, tỷ lệ kết nối Internet tại Đông Nam Á vẫn thấp hơn nhiều so với Bắc Mỹ và nhiều khu vực khác.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của SEA khiến công ty này trở thành hiện tượng đặc biệt trong thời điểm nhiều công ty khởi nghiệp cùng lĩnh vực tại Đông Nam Á chật vật đối phó với đại dịch.

Hai doanh nghiệp nổi bật tại khu vực là Grab (Singapore) và Gojek (Indonesia), được biết đến là những siêu kỳ lân với định giá vượt 10 tỷ USD, đều phải thực hiện nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để vượt khó. Grab và Gojek lần lượt giảm 5% và 9% nhân sự trong giai đoạn này.

Tại Việt Nam, cả Shopee và Free Fire đều không xa lạ với người dùng. Quý II/2020, website Shopee Việt Nam ghi nhận gần 52,5 triệu lượt truy cập, gấp hơn hai lần so với đơn vị xếp thứ hai - Thế giới di động. Shopee cũng đứng đầu về lượt tải ứng dụng trên cả AppStore và PlayStore, xếp thứ hai về lượng tương tác trên hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram.

Vị thế độc tôn của Shopee tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã được xác lập từ năm 2019 và ngày càng được củng cố so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Trước đó, vào năm 2017, SEA Group thâu tóm cả Foody và Giaohangtietkiem, hai startup đình đám của Việt Nam nhằm phục vụ cho chiến dịch đánh chiếm thị phần thương mại điện tử.

Tăng thị phần, tăng lỗ

Sự mở rộng nhanh chóng luôn đi kèm với chi phí lớn. Nếu như doanh thu của SEA trong quý II/2020 tăng gấp đôi lên mức 882 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, thì lỗ ròng cũng tăng 40% lên 393 triệu USD. Trong khi đó, Đông Nam Á đang là chiến trường khốc liệt của cuộc đua số hóa, nhất là sự hiện diện của các siêu ứng dụng tại Trung Quốc. Do vậy, liệu SEA có đủ sức cạnh tranh trong thế giới hậu đại dịch hay không là câu hỏi vẫn cần thêm thời gian để trả lời.

Cho tới nay, SEA vẫn đang thua lỗ. Năm 2019, Công ty báo lỗ 1,46 tỷ USD và nửa đầu năm 2020 lỗ 674 triệu USD. Nguyên nhân chính là chi phí marketing và mở rộng hoạt động tại lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử.

Cho tới nay, SEA vẫn đang thua lỗ. Năm 2019, Công ty báo lỗ 1,46 tỷ USD và nửa đầu năm 2020 lỗ 674 triệu USD.

Dù chịu lỗ trên báo cáo tài chính, nhưng Li tự tin rằng, SEA Group có thể có lãi vào bất kỳ lúc nào bằng cách cắt giảm chi phí marketing. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. SEA chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ trong lĩnh vực thương mại điện tử, khiến việc “đốt tiền” để mở rộng thị phần khó có thể dừng lại. Những doanh nghiệp đối đầu trực diện với SEA bao gồm Lazada (công ty con của Alibaba tại Đông Nam Á), Tokopedia (kỳ lân khởi nghiệp tại Indonesia có sự hậu thuẫn của SoftBank) và Tiki, ngôi sao đang lên tại Việt Nam.

“Lĩnh vực thương mại điện tử có thể mang lại lợi nhuận cho SEA Group nếu Công ty không quyết liệt thực hiện chiến lược tranh giành khách hàng. Tuy nhiên, SEA vẫn đang tập trung vào việc gia tăng thị phần bất chấp chi phí, do đó sẽ khó có khả năng giảm chi marketing trong ngắn hạn”, Sachin Mittal, chiến lược gia tại DBS Group Holdings chia sẻ góc nhìn về SEA.

Trong khi đó, tại lĩnh vực dịch vụ tài chính, độ phủ của SEA Group vẫn còn thấp so với một số đối thủ trong khu vực, bao gồm Alipay của Ant Group. Điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn cải thiện thị phần, SEA phải tiếp tục mạnh tay chi tiền.

Hiện tại, lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ tài chính số của SEA được dự báo tiếp tục lỗ trong ít nhất 2 năm tới trước sức nóng cạnh tranh. Tại Việt Nam, năm 2018, Shopee là sàn thương mại điện tử lỗ nặng nhất trong bộ tứ của Việt Nam gồm Lazada, Tiki và Sendo với hơn 1.900 tỷ đồng. Năm 2019, mức lỗ của Shopee tiếp tục tăng lên 2.411 tỷ đồng.

Câu chuyện của SEA là một minh chứng cho thấy, giá cổ phiếu không đồng điệu với hiệu quả doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp biết khơi dậy và duy trì niềm tin của nhà đầu tư, thị giá cổ phiếu và giá trị vốn hóa doanh nghiệp có thể vươn cao trên thị trường, bất chấp kinh doanh thua lỗ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại