24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lo mặt trái của trần lãi suất

Lãi suất giảm có thể châm ngòi cho dòng vốn đổ vào lĩnh vực đầu cơ bất động sản nhiều hơn - lĩnh vực đang có dấu hiệu tăng nóng trong những năm qua.

Kiểm soát lãi suất cho vay, huy động là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song lãi suất là biến số phụ thuộc vào cung, cầu trên thị trường vốn và vì vậy áp trần lãi suất là trái với quy luật cung - cầu. Hệ lụy của trần lãi suất có thể tạo ra những thị trường ngách để lách luật khiến việc kiểm soát sẽ càng khó khăn hơn.

Bài học quá khứ

Câu chuyện trần lãi suất khiến chúng ta nhớ lại giai đoạn 2008-2011, khi cuộc đua lãi suất huy động diễn ra trên toàn hệ thống, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải áp trần lãi suất huy động 14% để bình ổn thị trường. Nguyên nhân của cuộc đua lãi suất lúc đó, bao gồm: ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008; diễn biến giá nguyên vật liệu nhập khẩu và hệ quả từ nới lỏng mạnh tay tiền tệ, tài khóa trong quá khứ.

Khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ đã mở màn cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Để cứu vãn nền kinh tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cắt mạnh lãi suất và bơm ròng khoảng 2.300 tỉ đô la vào nền kinh tế.

Kinh tế Mỹ suy thoái đã tác động mạnh tới tăng trưởng toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu sụt giảm khi nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và nhiều quốc gia đối tác giảm sút, trong khi nhập khẩu tăng giá mạnh do chịu tác động từ cú sốc tăng giá xăng dầu và lương thực toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam cũng liên tục nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa trong giai đoạn 2001-2006 để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Các gói nới lỏng mạnh tay đã tăng áp lực lên lạm phát, cộng hưởng với giá nguyên liệu và lương thực thế giới tăng, khiến cho lạm phát trong nước giai đoạn 2008-2011 tăng rất mạnh. Lạm phát năm 2008 cao kỷ lục 22%, giảm trong năm 2009 và tăng trở lại hai con số vào năm 2010 và 2011.

Đến lượt nó, lạm phát tác động tới mặt bằng lãi suất khi NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, giảm áp lực cho tỷ giá, thực hiện bơm tiền nhỏ giọt và cuộc đua lãi suất huy động bắt đầu với sự khát vốn trong hệ thống, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ. Rất nhiều hình thức huy động tiền gửi lách trần lãi suất, điển hình là chi lãi ngoài như chúng ta đã biết, xảy ra tại nhiều ngân hàng.

Trần lãi suất trong bối cảnh hiện tại

Khác với giai đoạn khủng hoảng năm 2008, khi mà việc tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ là để chống lạm phát, hiện tại cuộc đua lãi suất trong giới ngân hàng gắn liền với tình trạng thiếu vốn. Ngân hàng cần vốn để mở rộng quy mô bảng cân đối, đạt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận và một mục tiêu quan trọng nữa là đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn vốn do NHNN quy định.

Theo đó, các ngân hàng đang ráo riết triển khai cách tính hệ số an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41, có hiệu lực vào đầu năm 2020. Công thức tính CAR theo thông tư này là theo chuẩn Basel II, đòi hỏi kỹ lưỡng về đo lường trọng số rủi ro, phức tạp hơn cách tính tại Thông tư 36. Và khi áp dụng thì hệ số CAR tại Thông tư 41 sẽ giảm đáng kể so với Thông tư 36.

Một chỉ số khác gây rất nhiều khó khăn cho giới ngân hàng, đó là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm trần từ 40% năm nay về mức 37% từ ngày 1-10-2020. Đặc thù của các khoản tiền gửi là ngắn hạn, trong khi cho vay thường là trung và dài hạn nên tỷ lệ trên bị siết chặt hơn là nguyên nhân chủ yếu châm ngòi cho cuộc đua lãi suất trong năm nay.

Việc áp trần lãi suất và động thái giảm mạnh trần lãi suất trong thời gian vừa qua của NHNN có thể tạo ra các thị trường “ngách” để lách luật. Về nguyên tắc thì giảm trần lãi suất huy động sẽ làm giảm nhu cầu tiết kiệm, trong khi giảm trần lãi suất cho vay sẽ thúc đẩy cầu vay vốn trong bối cảnh room tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá xa so với trần 14%. Điều này sẽ tác động lớn tới cơ cấu huy động - cho vay của ngân hàng, buộc ngân hàng phải huy động vốn theo nhiều cách.

Không loại trừ khả năng nhiều ngân hàng có thể chi lãi ngoài theo nhiều hình thức. Ngoài ra, để huy động vốn trung và dài hạn nhằm bảo đảm chỉ số kể trên, ngân hàng có thể tạo ra nhiều sản phẩm với cấu trúc phức tạp như các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn, có quyền mua lại trước hạn. Những phương thức huy động vốn mới thực tế không tạo ra các nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân hàng và cũng không cải thiện được cơ cấu huy động vốn theo kỳ hạn, mà chỉ là hình thức để xử lý các chỉ số theo quy định.

Lãi suất là chi phí của việc sử dụng vốn. Nếu muốn huy động tiền gửi trung, dài hạn thì chỉ có một cách là tăng lãi suất, song lại bị giới hạn bởi mức trần do NHNN đặt ra. Như vậy, để đảm bảo những chỉ số an toàn và liên tục bị siết chặt ấy, ngân hàng chỉ có thể hoặc ngừng giải ngân và tìm các kênh đầu tư mới, hoặc phải tìm ra các phương thức huy động mới, thoát khỏi cái ngưỡng mà NHNN quy định.

Hơn thế nữa, chúng ta hoàn toàn có thể đặt trần lãi suất hiện tại trong viễn cảnh khủng hoảng xảy ra. Việt Nam đang cắt giảm lãi suất khá mạnh trong năm nay. Riêng với cặp lãi suất điều hành chính, Việt Nam đã giảm 0,75 điểm phần trăm, tương đương với số điểm phần trăm mà Mỹ cắt từ đầu năm. Năm 2019 là năm mạnh tay trong chính sách lãi suất của nhà điều hành.

Tuy nhiên, lãi suất giảm có thể châm ngòi cho dòng vốn đổ vào lĩnh vực đầu cơ bất động sản nhiều hơn - lĩnh vực đang có dấu hiệu tăng nóng trong những năm qua. Giá đất nền ở nhiều khu vực du lịch tiềm năng, có dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đã tăng chóng mặt trong những năm qua, đã gấp đôi, thậm chí gấp 9-10 lần chỉ trong một năm. Tuy bị đánh trọng số rủi ro cao nhất cho các khoản vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản, song không thể phủ nhận dòng tín dụng đổ vào thị trường này vẫn rất lớn (hơn 1,5 triệu tỉ đồng).

Điều kiện hiện tại khá giống với những cơn khủng hoảng bất động sản trong quá khứ: giá đất tăng cao, trong khi lãi suất thì được cắt giảm. Lãi suất giảm sẽ càng khiến nhu cầu đầu tư đất tăng mạnh. Và chỉ cần một cú sốc cung từ thế giới như những gì đã diễn ra trong quá khứ, thì lạm phát hay lãi suất sẽ tăng vọt, đặc biệt với một quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam (lên tới 200% GDP), rất nhạy cảm với tình hình tài chính quốc tế thì bong bóng nhà đất đổ vỡ sẽ là nguy cơ rất hiện hữu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả