Lỗ hơn 1,8 tỷ USD, EVN cần phải tăng giá điện 5% nữa mới hòa vốn?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2023 cho thấy đây là năm thứ hai liên tiếp thua lỗ.
LỖ GẦN 2 TỶ USD TRONG 2 NĂM
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm của EVN đạt 500.719 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng theo dẫn đến lợi nhuận gộp đạt 13.041 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm, cùng với chi phí tài chính tăng theo chủ yếu là tăng chi phí lãi vay. Sau khi trừ đi các chi phí gồm bán hàng và quản lý doanh nghiệp, EVN báo lỗ gần 26.000 tỷ đồng trong khi năm 2022 lỗ 19.500 tỷ đồng.
Lỗ sau thuế của tập đoàn này là 26.770 tỷ đồng năm 2023, trong khi con số của năm 2022 là 20.700 tỷ đồng. Số lỗ năm 2023 cũng cao hơn con số ước tính trên các báo cáo của Bộ Công thương trước đó 17.000 tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế hai năm liên tiếp 2022-2023, EVN báo lỗ hơn 47.400 tỷ đồng tương ứng lỗ hơn 1,8 tỷ USD.
Đầu năm 2024, Tổng giám đốc EVN cũng cho hay, năm nay sẽ tiếp tục là năm khó khăn về tài chính, cung ứng điện với tập đoàn này nếu không có thay đổi về chính sách, giá. Theo EVN, số lỗ của tập đoàn này chủ yếu do giá bán ra vẫn thấp hơn giá thành. Tính toán của EVN vào đầu năm nay, cứ mỗi kWh điện được bán ra, doanh nghiệp này lỗ gần 142,5 đồng.
Thua lỗ nên vốn chủ sở hữu của EVN giảm dần còn 196.113 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2023. Nợ phải trả gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu ghi nhận 452.849 tỷ đồng tăng nhẹ so với năm ngoái trong đó vay nợ tài chính 311.000 tỷ đồng chiếm đến 69% vốn chủ sở hữu. Khoản vay này EVN phải chi trả gần 19.000 tỷ để trả lãi trong năm qua, tính trung bình mỗi ngày EVN phải trả 52 tỷ tiền lãi.
Về kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm 2024, EVN cho biết trong tháng 3/2024, EVN sẽ cập nhật tình hình phụ tải, thủy văn,... tính toán kế hoạch huy động nguồn cho quí II và các tháng còn lại của năm 2024 và trình Bộ Công Thương phê duyệt cập nhật kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2024. Trên cơ sở đó, EVN sẽ cập nhật tính toán và trình Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2024 của Công ty mẹ - EVN.
ĐIỀU CHỈNH GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN 5% MỚI HÒA VỐN
Nhận định về tình hình kinh doanh của EVN, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng EVN cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024-2025 ít nhất 5% tương ứng 100 đồng/kWh để có thể hòa vốn.
Trong tháng 5/2024, EVN đã được ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng theo Quyết đinh 05/2024 QĐ-TTg so với 6 tháng trước đây. VDSC kỳ vọng việc được điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ là dư địa để EVN bớt tạo áp lực về tỷ lệ alpha và giá bán cho các công ty thủy điện.
Do áp lực khi chi phí sản xuất điện luôn cao hơn giá bán lẻ điện trong giai đoạn 2021 – 2023, EVN đã kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí sản xuất điện bình quân trong năm 2024, thông qua việc điều tiết tỷ lệ alpha sản lượng hợp đồng/sản lượng thực phát giữa các loại hình phát điện.
Theo đó, tỷ lệ alpha của các nhà máy thủy điện được điều chỉnh lên mức 98%, là tỷ lệ cao nhất kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu vận hành. Ở mức alpha cao như trên, các nhà máy thủy điện khó có khả năng tăng hiệu quả vận hành ở những thời điểm giá điện thị trường cao điển hình là giai đoạn nắng nóng trong 5 tháng đầu năm.
Điều này tạo sức ép đối với kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện, vốn phụ thuộc vào thị trường phát điện cạnh tranh để cải thiện hiệu quả hoạt động, do giá FMP nhìn chung cao hơn giá hợp đồng (Pc) đối với nhóm thủy điện.
Mặc dù pha La Nina đang có xác suất cao sẽ diễn ra từ tháng 8/2024, hiệu quả kinh doanh của nhóm thủy điện sẽ chưa thực sự khởi sắc. Tuy nhiên, tỷ lệ alpha 98% là tỷ lệ đỉnh mà EVN có thể áp cho nhóm thủy điện. Trong kịch bản thận trọng là tỷ lệ này sẽ duy trì trong năm 2025, thì sự cải thiện của nhóm thủy điện được kỳ vọng sẽ đến từ tăng trưởng sản lượng do chu kỳ La Nina.
Đối với kịch bản tích cực, hiệu quả kinh doanh năm 2025 của nhóm thủy điện sẽ cải thiện mạnh nhờ tăng trưởng sản lượng do chu kỳ La Nina, và tỷ lệ alpha giảm khi EVN có khả năng chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo biến động của giá nhiên liệu và các nguồn điện đầu vào.
Sản lượng thủy điện toàn hệ thống nửa đầu năm 2024 đã giảm 24% còn 19,1 tỷ kWh và tỷ lệ huy động từ nguồn thủy điện cũng giảm so với giai đoạn 2020 – 2022 do yếu tố thời tiết El Nino không thuận lợi.
Cũng theo quan điểm của VDSC, các công ty thủy điện sẽ hưởng lợi trong năm 2025 so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng trưởng tích cực so với 2024 nhờ chu kỳ chuyển pha La Nina đang diễn ra, giá bán điện bình quân trong năm 2025 của các công ty thủy điện sẽ khó có khả năng giảm so với 2024, và có khả năng tăng khi tình hình tài chính của EVN được cải thiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận