Lộ diện cổ đông cá nhân lớn sở hữu 9,14% vốn điều lệ của TTF
Bà Đinh Thị Kim Dung vừa trở thành cổ đông cá nhân lớn của Gỗ Trường Thành, khi vừa hoàn tất việc mua vào hơn 30,7 triệu cổ phiếu TTF, qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,14% vốn điều lệ.
Cụ thể, bà Đinh Thị Kim Dung vừa mua vào 30.765.763 cổ phiếu TTF - Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF), để nâng sở hữu từ 1,65%, tương ứng 6,8 triệu cổ phiếu, lên 9,14% vốn điều lệ, tương ứng với 37,6 triệu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện vào ngày 19/12.
Theo dữ liệu giao dịch, phiên 19/12, có gần 1,5 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh và hơn 34 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận. Đây cũng là phiên có khối lượng giao dịch cổ phiếu nhiều nhất trong 2 năm trở lại đây của TTF.
Nếu tính theo giá thị trường ngày 19/12 là 4.570 đồng/cổ phiếu, ước tính bà Đinh Thị Kim Dung đã bỏ ra 140,6 tỷ đồng để mua vào gần 30,77 triệu cổ phiếu TTF.
Trước đó, hồi tháng 11 vừa qua, Chủ tịch TTF Mai Hữu Tín cũng đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu TTF trong khoảng thời gian từ 23 /11 - 22/12. Mục đích của giao dịch là tăng tỷ lệ sở hữu. Trước giao dịch, ông Tín không sở hữu cổ phiếu TTF nào. Nếu giao dịch thành công, Chủ tịch TTF sẽ sở hữu 10 triệu cổ phiếu, tương ứng với 2,43% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Đây cũng là lần đầu tiên, từ khi giữ cương vị Chủ tịch TTF (tháng 6/2019) và gánh vác trọng trách “giải cứu” doanh nghiệp ngành gỗ này, ông Mai Hữu Tín đăng ký mua vào cổ phiếu TTF.
Động thái mua vào lượng lớn cổ phiếu TTF của bà Dung cũng như Chủ tịch Mai Hữu Tín diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của doanh nghiệp nghành gỗ này đã giảm đã giảm 78% thị giá so với mức giá đỉnh 17.200/cổ phiếu lập ngày 21/03/2022.
Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2022, TTF ghi nhận doanh thu đạt 1.516 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát âm gần 6 tỷ đồng.
Trong năm 2022, TTF đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,9 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 72,8 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được sau 9 tháng, TTF đã thực hiện được 66,8% mục tiêu doanh thu, nhưng mới chỉ hoàn thành gần 10% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của TTF đạt 3.051 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền biến động nhẹ lên 253 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 152% lên hơn 52 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 21% xuống hơn 737 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu TTF đã giảm 78% thị giá so với đỉnh giá hồi tháng 3/2022.
Trong đó, mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng 410% lên hơn 357 tỷ đồng. TTF đang đầu tư vào Công ty CP Tekcom 170,7 tỷ đồng; đầu tư vào Natuzzi Singapore Pte.Ltd 12,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thanh OJI số vốn 60 tỷ đồng; Công ty CP Viestones 4,2 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng nhẹ lên 2.588 tỷ, đáng chú ý nợ dài hạn tăng 97,4% lên hơn 1.070 tỷ đồng, chủ yếu là khoản người mua trả tiền trước dài hạn với hơn 1.032 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là khoản tiền do Công ty CP Vinhomes, một công ty con của Tập đoàn Vingroup trả tiền trước theo thỏa thuận nguyên tắc ngày 15/5/2017 chỉ định TTF là nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm gỗ phục vụ dự án của Vingroup và công ty con tổng giá trị dự kiến 16.000 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Chủ tịch TTF Mai Hữu Tín tiếp tục đưa ra kịch bản tươi sáng khi cho rằng Công ty đã qua thời điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn TTF tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều. Nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc của TTF.
Theo Chứng khoán VNDirect, kim ngạch xuất khẩu Gỗ và Sản phẩm gỗ (G&SPG) trong quý III/2022 giảm 0,5% so với cùng kỳ và 12,2% so với quý trước, xuống còn 3,8 tỷ USD do nhu cầu suy yếu tại thị trường Mỹ.
VNDirect ước tính, tổng doanh thu trong quý III/2022 của các công ty G&SPG đã niêm yết giảm 10,2% so với quý trước và tăng 17,2% svck từ mức nền thấp trong Q3/21 khi chuỗi sản xuất và cung ứng bị gián đoạn do COVID-19 so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm 0,3 điểm % do các công ty G&SPG giảm giá bán trong quý III/2022 do nhu cầu suy yếu tại thị trường Mỹ.
Cũng theo VNDirect, lãi suất vay mua nhà tại Mỹ hiện ở mức 6,1% - trở lại mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi giá nhà trung bình ở mức 454.900 USD tăng 10,6% trong quý III/2022 do nguồn cung thiếu hụt.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất vay mua nhà và giá nhà tăng có thể làm giảm nhu cầu mua nhà và nội thất tại Mỹ trong năm 2023. Do đó, doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ như PTB, TTF, GDT sẽ giảm tốc vào năm 2023 do nhu cầu tại thị trường Mỹ suy yếu”, VNDirect nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận