Lo "bong bóng" giá gạo
Giá gạo tăng, nông dân mừng nhưng lại gây áp lực lên tiêu dùng nội địa nên cần sự điều hành linh hoạt
Thương mại gạo toàn cầu đang diễn biến phức tạp khi Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA), Nga lần lượt cấm xuất khẩu gạo; El Nino làm nhiều vùng sản xuất lương thực mất mùa… Việt Nam dù sản xuất gạo vẫn ổn định, thậm chí tăng nhẹ nhưng gạo trong nước ít nhiều cũng nhảy giá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước.
Giá tăng, tiêu thụ chậm
Anh Nguyễn Đình (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết vừa gọi điện thoại cho cửa hàng gạo quen gần nhà đặt mua gạo Nàng Hương Chợ Đào thì được báo giá 20.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với lần mua trước. Hỏi ra thì hầu hết các loại gạo đều tăng giá, trừ một số loại gạo đóng túi vẫn giữ nguyên khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Đại diện vựa gạo Thanh Phong trên đường Tô Hiến Thành, gần chợ Chí Hòa (quận 10, TP HCM), cũng xác nhận giá các mặt hàng gạo đã tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với trước thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (20-7). "Nhưng khác với đợt dịch COVID-19, thị trường chỉ có giá gạo tăng còn sức mua bình thường, người dân TP HCM không mua nhiều hơn để tích trữ" - đại diện vựa gạo Thanh Phong nhận xét.
Theo quan sát của phóng viên, kho gạo tại đây đầy ắp, đa dạng nhiều phân khúc từ bình dân đến cao cấp; nhiều vựa gạo xung quanh cũng tương tự, có vựa gạo chỉ có người bán, lác đác mới có người đến mua.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho hay từ lúc giá gạo tăng "nóng" do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, doanh nghiệp (DN) chưa ký hợp đồng mới mà vẫn chờ giá cả ổn định. "Với mảng nội địa, hoạt động kinh doanh bình thường nhưng khách thấy giá cao thì mua ít lại. Nhiều người dự báo giá gạo chỉ tăng 1-2 ngày nữa rồi sẽ hạ nên không mua nhiều" - ông Thành nói. Theo ông Thành, hiện giá gạo bán lẻ loại thấp nhất là đã lên mức 14.000 - 15.000 đồng/kg, không còn mức 12.000 - 13.000 đồng/kg như trước. Phân khúc gạo bình dân, gạo dành cho chế biến (bún, bánh, phở, miến…) bị ảnh hưởng nhiều do người dân trong nước ít sản xuất và nguồn cung từ Ấn Độ bị đứt do lệnh cấm.
Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng giá lúa gạo Việt Nam tăng nóng thời gian gần đây xuất phát từ nguyên nhân các DN đẩy mạnh thu mua để trả các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Hiện tại, giá gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu - là điều bất hợp lý nên sẽ sớm dừng lại khi các DN mua đủ hàng. "Với giá gạo cao như hiện nay, DN chưa có đơn hàng cũng không dám thu mua vì sợ Ấn Độ quay lại thị trường, giá sẽ "sập". Với các số liệu hiện có, Ấn Độ vẫn thừa gạo cần phải xuất khẩu, họ chỉ cấm xuất khẩu để hạ nhiệt giá nội địa. Giá gạo tăng quá mức không có lợi vì chỉ khoảng 1/3 dành cho xuất khẩu, 2/3 tiêu thụ nội địa" - ông Nam phân tích.
Tập trung bình ổn giá
Theo đánh giá của GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, giá gạo trong nước đã tăng đến ngưỡng và không có cơ sở để tăng tiếp. Bởi, năm nay Việt Nam được mùa và xuất khẩu vẫn theo kế hoạch. "Việt Nam không lo thiếu gạo nhưng vấn đề giá bình ổn cho người tiêu dùng cần được ưu tiên. Nếu giá tiếp tục tăng, nhà nước cần có sự can thiệp" - GS-TS Bùi Chí Bửu đề xuất.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến giữa tháng 7, cả nước thu hoạch được đạt 24,1 triệu tấn lúa, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, năng suất bình quân đạt 6,57 tấn/ha, tăng 80 kg/ha. Về xuất khẩu, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 ước đạt 600.000 tấn, trị giá 326 triệu USD trong khi bình quân xuất khẩu 7 tháng là 691.000 tấn/tháng, cho thấy sản lượng gạo xuất khẩu đang chậm lại. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước thông tin Ấn Độ và một số thị trường cấm xuất khẩu gạo, Sở Công Thương TP HCM cũng đã triển khai đến các hệ thống phân phối để kích hoạt các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm cung cấp đủ lượng hàng như đã đăng ký với UBND trong chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Giáp Thìn 2024. Sở Công Thương TP HCM cũng đang theo dõi diễn biến thị trường gạo thế giới và trong nước để chủ động, kịp thời có giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng lương thực chủ lực này. "Từ đầu chương trình bình ổn thị trường năm 2023 (từ 1-4-2023) đến nay, các DN vẫn giữ ổn định giá bán và sản lượng gạo cung ứng theo kế hoạch, chưa DN nào đề xuất điều chỉnh giá bán đối với các sản phẩm gạo trong chương trình" - ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương TP HCM, thông tin.
Điều này lý giải vì sao tại các siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp thuộc các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, AEON, LOTTE Mart, Emart… giá bán và tiêu thụ gạo gần như chưa có biến động.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, cho biết nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op vẫn ổn định. Trong thời gian tới, dù thị trường có biến động, Saigon Co.op và các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ và giảm giá để thiết thực chia sẻ cùng người tiêu dùng. Việc ổn định giá này hoàn toàn khả thi vì Saigon Co.op có kinh nghiệm nhiều năm bình ổn giá cả, có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận