menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo

Livestream bán hàng tươi sống: mở rộng thị trường đi kèm thách thức

Trong nỗ lực xoay xở để thoát khỏi tình cảnh buôn bán ế ẩm, mở rộng nhóm khách hàng mới, nhiều chủ kinh doanh các mặt hàng tươi sống như hải sản, thịt tươi, trái cây tươi… đã linh hoạt vận dụng kênh livestream (phát trực tiếp) cho việc bán hàng. Những mẻ cá tôm tươi sống, những vựa trái cây đầy ắp được “trình diễn” qua màn hình điện thoại và đến tay người tiêu dùng chỉ sau những comment (bình luận).

Bắt nhịp cùng xu hướng bán hàng… 4.0

Đều đặn thực hiện hai khung giờ phát sóng trực tiếp trong tuần vào các ngày thứ ba, năm, bảy, chị Ngọc Duyên, người phụ trách bán hàng trên kênh TikTok Shop của Đảo Hải Sản – nhà bán lẻ các loại hải sản tươi sống tại TPHCM, cho biết cửa hàng đã tiến hành livestream được khoảng hai tháng nay và thu về những phản hồi tích cực từ doanh số lẫn trải nghiệm khách hàng.

Chị cho hay để bán được trên sàn thương mại điện tử “êm xuôi”, đội ngũ đã có thời gian làm việc trước với bên đại diện TikTok tránh vi phạm chính sách, quy định trên sàn, đồng thời đưa ra giải pháp riêng để khâu giao nhận hải sản từ nơi bán đến tay khách diễn ra thuận lợi. Được biết Đảo Hải Sản chọn kênh TikTok Shop thử nghiệm phát trực tiếp các mặt hàng như hải sản tươi sống, đông lạnh, món sushi, sashimi làm sẵn đầu tiên và sẽ mở rộng ra các sàn khác trong tương lai.

Chia sẻ lý do đưa những mặt hàng từng “kị” bán trên livestream trước đây, chị Ngọc Duyên đánh giá xu hướng người dùng đang đổ dồn vào các ứng dụng giải trí kết hợp mua sắm, trong đó TikTok đang được nhiều người sử dụng. Để bắt kịp xu hướng, đại diện Đảo Hải Sản không thể bỏ qua nền tảng có lượng người dùng lớn kèm với hình thức bán hàng mới. “Chúng tôi nhìn thấy các nhà bán hàng khác chuyển mình chạy theo xu hướng như vậy để mở rộng thị trường cũng như đến gần hơn với khách hàng. Nhìn thấy tiềm năng đó, dù biết mặt hàng hải sản của mình sẽ gặp khó khi bán livestream nhưng công ty vẫn muốn thử sức và phát triển ngoài kênh online, phân phối truyền thống đang xây dựng hiện tại”, chị Duyên nhấn mạnh.

Theo chị Duyên, vì nền tảng này còn khá mới nên hệ thống đang phát triển nhiều tính năng mỗi ngày, người bán phải cập nhật và đổi mới liên tục. Tuy vậy TikTok Shop có phí sàn đang thấp hơn những trang khác và cũng hỗ trợ nhiều cho kênh về phiếu giảm giá, vấn đề kỹ thuật khi lên sóng.

Bán hàng trên sóng tương tác trực tiếp không mới, thế nhưng với mặt hàng hải sản, đồ tươi sống, chị Duyên nhận định trước đây nếu có bán sẽ bị vi phạm. Chị cho biết công ty được TikTok Shop mở tính năng cho phép là kênh bán hải sản đầu tiên trên sàn và được quyền vận chuyển đơn hàng trực tiếp chứ không qua đơn vị vận chuyển trung gian. Điều này giúp công ty giải quyết được vấn đề giao nhanh, giao hàng như quảng cáo đến tay khách nhờ có đội ngũ sẵn thay vì phụ thuộc vào bên thứ ba.

Để thu hút người xem khi livestream, công ty cũng tuyển người lên sóng có kinh nghiệm và tập trung xây kênh từ trước với mục đích ban đầu để quảng bá thương hiệu, sau này thì thêm đơn hàng trực tiếp trên sàn, đại diện Đảo Hải Sản nói thêm.

Học hỏi, đầu tư để khai thác kênh bán hàng tiềm năng

Theo nhà bán lẻ này, hệ thống bán hàng online công ty đang xây dựng mong muốn đem trải nghiệm cho khách y hệt khi mua tại cơ sở trực tiếp. Tuy vậy, giải quyết việc giao hàng online vừa là cơ hội và thách thức cho họ. Cụ thể, cửa hàng bán livestream chỉ đang nhận giao trong nội thành TPHCM (ngoại trừ huyện Cần Giờ) và hoàn thành đơn trong hai giờ đồng hồ. Hàng đóng gói khi tới tay khách được kiểm tra và có chính sách đổi trả, nhận phiếu giảm giá khi phát sinh vấn đề. Hiện Đảo Hải Sản có chi nhánh trung tâm chuyên xử lý đơn hàng và đi giao, trường hợp lượng đơn quá tải, công ty sẽ nhờ bên vận chuyển ngoài.

Livestream bán hàng tươi sống: mở rộng thị trường đi kèm thách thức
Hình thức livestream bán hải sản đông lạnh, tươi sống, món sashimi, sushi đã kéo dài được hai tháng. Ảnh: DNCC

Qua hai tháng thử nghiệm, chị Ngọc Duyên vui vẻ chia sẻ cơ sở nhận được nhiều phản hồi kèm đánh giá tích cực. Khách ngày càng có niềm tin mua hàng tươi sống online vì được xem trước qua sóng và kiểm tra lúc nhận, kèm mức giá ưu đãi chỉ có trong phiên live. Đảo Hải Sản ghi nhận đơn hàng đang tăng lên qua từng tháng, so với toàn kênh bán, hiện kênh livestream chiếm khoảng 8% trên tổng doanh thu và khoảng 20-30% so với kênh bán hàng trực tiếp. “Ngoài mục đích tiếp cận nhiều khách hàng và làm thương hiệu qua hình thức bán này, chúng tôi hy vọng sẽ sớm mở rộng hệ thống và chuẩn hóa vận chuyển để phục vụ các khách ở tỉnh lân cận, toàn quốc”, chị nói.

Theo khảo sát của Qandme về đề tài “Người Việt Nam thường mua thực phẩm ăn uống ở đâu?” có chỉ ra tất cả phụ nữ tham gia khảo sát đều mua thực phẩm ăn uống tại chợ truyền thống. 14% trong số họ mua mặt hàng này trực tuyến. Trong những lần mua thực phẩm ăn uống, có đến hơn một nửa số lần họ mua tại kênh truyền thống. Đặc biệt ở TPHCM người trong độ tuổi 20 có số lần mua thực phẩm ăn uống qua kênh hiện đại nhiều hơn.

Các yếu tố giúp họ quyết định lựa chọn kênh mua hàng nào là mức độ tươi sống, giá cả và độ đa đạng của thực phẩm. Qua đề tài này, anh Phùng Thanh Ngọc, tác giả cuốn sách Nhân Chuỗi Cửa Hàng, người sáng lập tổ chức Retail Hub cũng chỉ ra điểm khó khi vận hành livestream mặt hàng tươi sống khác với những loại hàng hóa khác ở chỗ thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng, kèm hệ thống vận chuyển đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Livestream bán hàng tươi sống: mở rộng thị trường đi kèm thách thức
Livestream bán nông sản ngay tại vườn. Ảnh: Chụp màn hình

Đa số chị em nội trợ vẫn mua hàng tươi sống như rau củ, thịt cá ở siêu thị và chợ truyền thống cao hơn vì cho rằng thực phẩm này phải được mình chạm vào, cầm nắm trực tiếp mới tin dùng. Việc logictics cho loại thực phẩm này còn gặp nhiều rào cản vì vấn đề thời gian và khoảng cách, các cơ sở phải có sẵn mạng lưới giao hàng rộng, phổ biến đa dạng điểm bán, hạ tầng tốt thì mới giao nhanh và giao đúng hàng. Hiện hình thức bán online hải sản, đồ tươi sống trong ngày mới phát triển mạnh ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội.

Mặt khác, anh Phùng Thanh Ngọc cho rằng các bên đem mặt hàng lên livestream để tăng độ nhận diện thương hiệu rất hiệu quả, khách hàng có sự tò mò thích thú. Đồng thời người xem có thêm lựa chọn mua hàng khi phát sinh nhu cầu mua sắm ngoài điểm bán.

Anh Minh Phan, người sáng lập Siteplus, đơn vị tư vấn và phát triển mặt bằng kinh doanh cho các chuỗi bán lẻ và F&B tại Việt Nam, nhận định chủ kinh doanh nên đầu tư cả hai nền tảng offline và online, để bổ sung cho nhau tạo sự tiện lợi nhất cho khách hàng chứ không nên thiên vị bên nào.

Anh giải thích lợi thế của mặt bằng chính là tăng độ nhận diện, quảng cáo cho khách tại khu vực, làm kho bãi, tập kết hàng hóa, đồng thời cũng là không gian trải nghiệm sản phẩm. Còn bán hàng qua sóng trực tiếp thì tùy vào chiến lược kinh doanh của đơn vị hay mục đích làm thương hiệu để cho ra kết quả khác nhau. Nhìn chung, sự cân bằng cả nền tảng offline và online thật sự cần thiết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại