Linh hoạt điều hành xuất khẩu gạo
Giá gạo tăng mở ra cơ hội lớn cho gạo xuất khẩu, tuy nhiên việc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu cần cân nhắc để bảo đảm thương hiệu gạo Việt có giá trị bền vững
Thời gian qua có nhiều biến động liên quan đến điều chỉnh chính sách của một số nước xuất khẩu lúa gạo, như Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc; UAE, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh đó, ngày 4-8, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội nghị "Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo" do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND TP Cần Thơ tổ chức.
Giá lúa tăng, DN than khó
Thông tin tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết từ sau khi Ấn Độ ra thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam có chiều hướng tăng.
Đến ngày 1-8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức 590 USD/tấn đối với loại 5% tấm và tiến gần hơn với giá gạo của Thái Lan (625 USD/tấn). Đối với đơn hàng giao trong tháng 8-2023, giá gạo vượt mức 610 USD/tấn với gạo 5% tấm. Giá lúa nội địa của Việt Nam cũng tăng từ 368 - 441 đồng/kg so với tháng trước và tăng khoảng từ 1.300 đến gần 1.900 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (TP Cần Thơ), cho rằng giá gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng nhưng lại khó khăn cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu do giá thu mua lúa trong nông dân tăng lên từng ngày.
"Vừa rồi, giá lúa là 6.500 đồng/kg nhưng mấy ngày nay tăng lên 7.400 đồng/kg. Giá lúa tăng không có điểm dừng nhưng chúng tôi ký hợp đồng với đối tác trước đó thì không thể nào xin tăng giá gạo lên. Nếu không xuất khẩu gạo trong thời điểm này thì mất đi cơ hội bán được giá cao, nên cần có giá sàn và giãn thời gian xuất khẩu ra để chúng tôi có thời gian thu gom đủ gạo để xuất" - bà Huyền đề xuất.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp), nông dân bán lúa giá cao thì mừng nhưng bán sang tay qua nhiều lần khiến giá lúa tăng nhiều, DN không lấy được hàng để giao. "Đây là vấn đề nghiêm trọng không nằm trong tầm kiểm soát của DN nữa, mong cơ quan chức năng có biện pháp bình ổn thị trường. Nông dân bán được giá nhưng DN thua lỗ quá lớn thì chuỗi này không bền vững" - ông Nguyễn Việt Anh nói.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng vấn đề DN đang băn khoăn ở trên đã được bộ đánh giá kỹ và có giải pháp. "Dù nước này nước kia cấm xuất khẩu gạo nên tạo ra áp lực nhưng DN hết sức bình tĩnh. Lúa có nhưng DN than khó thì cần coi lại cách DN mua và cách DN phối hợp với nhau như thế nào, tại sao DN khác vẫn mua được lúa" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt vấn đề.
Bảo đảm xuất khẩu và tiêu dùng trong nước
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết năm 2023, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn lúa. "Cục Trồng trọt đã đi kiểm tra tại các vùng trồng lúa trên cả nước và nhận thấy mức độ sinh trưởng và phát triển cây lúa rất tốt. Nếu không có những điều kiện thời tiết hay vấn đề dịch bệnh bất thường thì vụ hè thu sẽ là vụ mùa cho năng suất kỷ lục và mục tiêu đạt trên 43 triệu tấn lúa là hoàn toàn đạt được" - ông Cường khẳng định.
Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, với sản lượng lúa đạt trên 43 triệu tấn, ngoài bảo đảm an ninh lương thực, chế biến, làm giống và chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Ông Trần Thanh Nam cũng cho hay khi bắt đầu vào quý II/2023, Bộ NN-PTNT đã điều chỉnh mùa vụ làm sao để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Do dự báo cuối năm nay, khả năng ĐBSCL sẽ bị El Nino nên bộ điều chỉnh thời gian xuống giống vụ thu đông, vụ mùa để né những vùng có thể bị nhiễm mặn.
Giá lúa tại ĐBSCL đang tăng caoẢnh: NGỌC TRINH
Đừng để đi đầu lại thành đi sau
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hiện nay là thời cơ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo, xuất khẩu trong điều kiện cho phép nhằm mang lại hiệu quả và giá trị cao nhất cho người sản xuất, người kinh doanh. Ngoài ra, đây cũng là dịp mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt trên thị trường thế giới.
Trước động thái của các nước xuất khẩu gạo, thái độ của chúng ta phải rất thận trọng. Các nước xuất khẩu gạo chủ lực đưa ra thông báo cấm xuất khẩu với nhiều lý do nhưng cũng đã chắc gì với lý do ấy. Khi chúng ta thừa thế xông lên mà người ta dừng lệnh cấm thì người đi đầu trở thành người đi sau" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nói thêm khi quá đà xuất khẩu về sản lượng và giá trị, chất lượng hạt gạo chưa chắc được bảo đảm, đồng nghĩa thương hiệu gạo chưa được khẳng định.
"Giá của nước ta đẩy lên cao trong khi họ (những nước vừa cấm xuất khẩu gạo - PV) mở cửa trở lại, giá gạo của họ thấp xuống thì chúng ta sẽ mất những đơn hàng, sau đó là mất các thị trường. Mà đã mất trong cuộc này là mất hẳn, muốn quay trở lại được không phải là điều dễ" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Tương lai cho thương hiệu gạo giảm phát thải
Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay Bộ NN-PTNT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về "Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". "Loại lúa này sẽ là xu hướng trong 1-2 năm nữa. Khi các nước nhập khẩu gạo yêu cầu phải có chứng chỉ giảm phát thải và vùng nguyên liệu, lúc đó mới làm là rất chậm" - ông Nam dự báo.
Theo ông Nam, đây là dự án đầu tiên trên thế giới. Ngay vụ đông xuân năm 2024 sẽ có 180.000 tấn lúa chất lượng cao giảm phát thải. "Chúng tôi muốn DN tham gia. Chúng tôi đã ký với ngân hàng giải ngân theo hình thức 3 bên: DN - HTX - địa phương để giải ngân theo chuỗi liên kết" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin.
Tránh mua gom gạo ồ ạt gây bất ổn thị trường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa ký văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết. Thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Minh Chiến
Giá gạo xuất khẩu dự báo còn tăng cao
Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh từ các trung tâm xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong tuần này do lo ngại về nguồn cung sau lệnh cấm của Ấn Độ. Gạo Bangkok được giao dịch ở mức 607,5 USD/tấn vào ngày 27-7, tăng 62,5 USD trong vòng 1 tuần kể từ khi Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu gạo tẻ thường vào ngày 20-7.
Các nhà nhập khẩu như Indonesia, Trung Quốc và Philippines đã tăng cường dự trữ gạo trong năm nay. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết cực đoan El Nino gây giảm lượng mưa, hạn hán sẽ làm tăng nguy cơ khan hiếm nguồn cung gạo.
Dự trữ gạo toàn cầu được dự báo giảm xuống mức 170,42 triệu tấn ở thời điểm cuối mùa vụ năm 2023 và 2024, đây là mức thấp nhất tính từ vụ mùa 2017-2018. Nếu điều kiên thời tiết cực đoan trong tương lai khiến nguồn dự trữ suy giảm hơn nữa, giá gạo toàn cầu có thể tăng cao.
Xuân Mai
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận