LienVietPostBank sang HOSE thời điểm ít thuận lợi
Cổ phiếu LPB chuyển sàn đúng như lời hứa của ban lãnh đạo ngân hàng này. Tuy nhiên, giữa lúc thị trường ngấm đòn Covid-19, đa phần cổ phiếu ngân hàng giảm điểm, LBP cũng sẽ bất lợi ít nhiều.
Ngày 20/7, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, UPCOM - LPB) với số lượng gần 979 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ của ngân hàng là 9.769 tỷ đồng. Trước đó, lãnh đạo ngân hàng này cam kết chuyển sàn trước tháng 12/2020.
Trước đó, tại phiên họp cổ đông thường niên 2020, LienVietPostBank được cổ đông thông qua niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trước tháng 12. Ngân hàng này cũng được cổ đông chấp thuận nâng giới hạn sở hữu nước ngoài từ 5% lên 9,99%. Đồng thời, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ 59,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5,54% vốn điều lệ sau chia cổ tức cổ phiếu.
LPB vừa báo cáo tài chính quý II với thu nhập lãi thuần giảm hơn 6% còn 1.464 tỷ đồng. Được biết, lợi nhuận giảm là do ngân hàng triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn như gói đặc biệt 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho một số ngành nghề ưu tiên; giảm lãi suất và cho vay ưu tiên tiếp sức sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí cho khác hàng.
Tổng chi phí hoạt động trong kỳ tăng 10% lên mức 1.063 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng 253 tỷ đồng so với mức 56 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Theo ngân hàng, con số này tăng lên do chủ động trích lập và mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong tháng 6, giúp nâng cao chất lượng tài sản và tạo đà bứt phá lợi nhuận các năm tới (nợ VAMC đã giảm từ 184 tỷ đồng xuống 0 đồng).
Theo đó, LienVietPostBank báo lãi quý II đạt 321 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần giảm 2% xuống 2.901 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.004 tỷ đồng, hoàn thành 59% kế hoạch năm và giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 806 tỷ đồng.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của ngân hàng đạt 213.729 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu tổng tài sản đề ra là 210.000 tỷ đồng cho cả năm. Tiền gửi của khách hàng đạt 143.918 tỷ đồng; trong đó tiền gửi của cá nhân là 95.482 tỷ đồng, tăng hơn 9.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cho vay khách hàng đến cuối quý II là 152.324 tỷ đồng, tăng 11.800 tỷ so với đầu năm. Trong đó nợ xấu là 2.506 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ gần 1,65%. Tỷ lệ nợ xấu tăng so với mức 1,44% cùng kỳ 2019.
LienVietPostBank là một trong những ngân hàng tham gia nhiều vào thị trường bất động sản nhưng có vẻ gặp nhiều nợ hơn duyên khi các dự án liên quan thường không suôn sẻ. Đơn cử như dự án thuộc top “hàng độc” tại 61 Trần Phú (quận Ba Đình), mặc dù được góp vốn từ năm 2011 nhưng tính đến đầu năm 2020 vẫn chưa được triển khai, LienVietPostBank - nhà tài trợ vốn chính yếu cho dự án đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Năm ngoái, LienVietPostBank chi nhánh TP.HCM - Phòng giao dịch Nam Sài Gòn chào bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của một khách hàng với dư nợ đến giữa năm ngoái là 457 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 435,7 tỷ đồng, lãi quá hạn là 22 tỷ đồng. Giá bán nợ theo thỏa thuận, tuy nhiên không thấp hơn nợ gốc và lãi tại thời điểm bán.
Tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền thu phí phát sinh tại Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT. Dự án này vẫn đang trong quá trình thi công.
LienVietPostBank đã khởi kiện khách hàng tại TAND quận 1 để yêu cầu thanh toán khoản nợ.
Trong khi đó, LienVietPostBank chi nhánh Chợ Lớn cũng đăng thông tin chào bán một khoản nợ tương tự. Tổng dư nợ tính đến đầu năm 2019 là 179 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là toàn bộ phần vốn góp của khách hàng tại Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu, quyền tài sản liên quan tới phần vốn góp và số tiền được hoàn vốn từ dự án Cầu Rạch Miễu.
Về tình trạng khoản nợ, LienVietPostBank ngày 14/12/2018 đã nộp đơn khởi kiện để yêu cầu thanh toán. 10 ngày sau đó, TAND quận 1 đã có thông báo thụ lý vụ án.
Được biết, cũng tại đại hội cổ đông năm nay, HĐQT ngân hàng này đánh giá kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam đối mặt với thử thách chưa từng có do dịch bệnh Covid-19. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến tăng 11% do đa số ngành nghề sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu bị tác động bởi dịch bệnh.
Các hoạt động dịch vụ cũng sụt giảm do khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, phí một số dịch vụ giảm theo tinh thần chỉ đạo của Nhà nước. Đồng thời, nợ xấu, nợ quá hạn tiềm ẩn nguy cơ tăng.
Ngân hàng cũng đã triển khai một số biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí. Theo đó, ngân hàng đề ra mục tiêu tổng tài sản tăng lên 210.000 tỷ đồng, tương đương 4%; huy động vốn thị trường 1 tăng nhẹ 1,2% lên 168.000 tỷ đồng; dư nợ thị trường 1 tăng 11% lên 156.000 tỷ đồng; lãi trước thuế giảm 15% xuống 1.700 tỷ đồng; cổ tức hạ từ 10% xuống 8%.
Mục tiêu của LPB vẫn là tập trung đẩy mạnh bán lẻ với đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ. Đơn vị cũng phát triển các sản phẩm chuyên biệt phục vụ doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại đại hội, phản hồi ý kiến cổ đông về việc thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quá thấp, lãnh đạo LienVietPostBank lý giải, ngân hàng tập trung nâng cấp phòng giao dịch, mở rộng hệ thống phân phối từ cuối năm 2018 đến nửa đầu 2019 mới hoàn thiện. LienVietPostBank chủ yếu nâng cấp phòng giao dịch cấp huyện nên có độ trễ về chi phí, nhân sự. Mặt khác, ngân hàng hoạt động theo hướng bán lẻ, trong khi tăng trưởng tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước khống chế hàng năm. Thời gian tới, khi mạng lưới hoạt động đi vào vận hành tốt, chi phí không còn tăng cao như các năm trước thì lợi nhuận LienVietPostBank sẽ tốt hơn.
Trong lúc tâm lý nhà đầu tư còn khá yếu, thị trường lại đón nhận thông tin không vui từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2. Điều này đã kích hoạt sự hoảng loạn của nhà đầu tư, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán đang trở nên rất bi quan trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.
Riêng đối với các cổ phiếu ngân hàng, thời điểm này không phải thời điểm thuận lợi. Sau đợt dịch Covid-19 trong quý I và quý II, lợi nhuận các ngân hàng đã giảm tốc nhiều; một phần thu nhập từ dịch vụ giảm. Lợi nhuận chỉ là một phần, câu chuyện nợ xấu, tăng vốn hay cổ tức cũng là hàng loạt vấn đề đau đầu khác khiến cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, hai quý cuối năm, các ngân hàng và doanh nghiệp mới thật sự "ngấm đòn" Covid-19. Trong khi, tính chung 7 tháng đầu năm, già nửa số cổ phiếu niêm yết trên sàn đã giảm giá./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận