Liên minh do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu sẽ thao túng ngành sản xuất dầu mỏ thế giới?
Các nước phương Tây phát triển đã nhận được tin xấu từ Vienna, nơi diễn ra cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), khi 23 nhà sản xuất dầu chủ chốt, đứng đầu là Saudi Arabia và Nga, nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương ứng với 2% nhu cầu toàn cầu kể từ ngày 1/11 tới.
Liên minh dầu mỏ OPEC+ đã đi ngược lại mong muốn và lợi ích của các nước công nghiệp phát triển trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Vào thời điểm nền kinh tế của các nước G7 đang phải chống chọi với lạm phát rất cao và nguy cơ suy thoái, việc tăng giá dầu là điều họ rất không mong muốn.
Giá dầu Brent Biển Bắc, vốn đóng vai trò quyết định giá dầu mỏ trên thị trường, đã lên tới 93,56 USD hôm 5/10, tăng gần 2% so với 1 ngày trước đó, thậm chí còn tiếp tục tăng lên 94 USD hôm 6/10. Tính từ đầu tuần, giá loại dầu này đã tăng xấp xỉ 6%. Jorge León, Phó chủ tịch hãng phân tích Rystad Energy của Na Uy, nói với phóng viên hãng tin Reuters rằng tác động của các biện pháp do OPEC+ công bố sẽ rất lớn, thậm chí không thể loại trừ khả năng giá dầu Brent Biển Bắc sẽ lại vượt 100 USD/thùng trong tháng 12/2022 so với mức trung bình hồi tháng 9/2022 (90 USD).
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman al-Saud giải thích rằng mức cắt giảm thực tế so với mức hiện tại có thể chỉ khoảng 1-1,1 triệu thùng/ngày, do một số quốc gia thành viên OPEC+ đang không khai thác đủ lượng cam kết trước đó. Capital Economics dự đoán giá dầu thô Brent sẽ kết thúc năm ở mức 100 USD/thùng. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng và Hạ tầng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Suhail Mohamed Al Mazrouei cho biết lĩnh vực dầu mỏ hiện thiếu đầu tư và năng lực khai thác dự trữ, do đó, việc điều tiết giá dầu là công cụ vô cùng quan trọng. Theo ông, các nhà sản xuất dầu muốn giữ giá ở mức trên 90 USD/thùng.
Quyết định của OPEC+ đã khiến Mỹ ngay lập tức có phản ứng tiêu cực. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho rằng rõ ràng kết quả cuộc họp ở Vienna cho thấy OPEC+ đang “thông đồng” với Nga và đây là một sai lầm.
Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá các biện pháp của liên minh là "thiển cận" và cam kết sẽ cho giải phóng thêm 1 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ. Bước đi của OPEC+ đang khiến vị thế của Tổng thống Biden trên chính trường Mỹ trở nên bấp bênh hơn bởi nó chỉ diễn ra chưa đầy 3 tháng kể từ khi ông thảo luận về chính sách dầu mỏ ở Saudi Arabia (nhà lãnh đạo OPEC trên thực tế) và các nhà ngoại giao Mỹ có những trao đổi với các nước Trung Đông khác. Rõ ràng, chính quyền Biden đã không có được thành công như trông đợi.
Điều này đúng là rất khó chịu đối với Biden, khi mà thời gian gần đây ông phải chứng kiến tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho mình đang giảm sút. Đây đáng lẽ là thời điểm ông cần phải chứng minh với người dân rằng chính phủ của ông có khả năng điều chỉnh giá xăng dầu. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới, và vấn đề này thực sự rất nhạy cảm đối với cả các chính trị gia cần thuyết phục cử tri. Trong cuộc bầu cử sắp tới, Đảng Dân chủ cầm quyền sẽ cạnh tranh với Đảng Cộng hòa để giành 435 ghế Hạ viện và 35 ghế Thượng viện.
Sau khi thất bại trong việc tạo sức ép đối với các nhà sản xuất Arab, Nhà Trắng đang cân nhắc việc hạn chế ảnh hưởng của OPEC đối với giá dầu. Mỹ có thể sử dụng Dự luật Không sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC), từng được thảo luận nhiều lần song chưa thành công. Nếu được Quốc hội thông qua và ký thành luật, NOPEC sẽ cho phép Mỹ kiện OPEC và các công ty cụ thể ở các quốc gia thành viên vì vi phạm quy tắc cạnh tranh - trong trường hợp này là thao túng việc tăng giá dầu và các sản phẩm thứ cấp. Phản ứng gay gắt của Mỹ cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng, vốn đang nhấn chìm châu Âu, có thể biến thành một cuộc chiến toàn cầu về giá dầu. Đó sẽ là cuộc chiến giữa các quốc gia phát triển về công nghiệp với các nhà sản xuất từ liên minh OPEC+, và sau đó là với Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, cùng với Ấn Độ, nơi nhu cầu về nguyên liệu thô này đang tăng nhanh.
Cuộc họp tại Vienna của liên minh OPEC+ kết thúc đồng nghĩa với sự leo thang mới nhất của cuộc chiến về giá dầu và các nguyên liệu thô chiến lược khác. Theo tờ “Handelsblatt”, đây cũng có thể coi là một thất bại ê chề đối với châu Âu. Thất bại này thậm chí còn như bị “xát thêm muối” vì Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak đã đến dự cuộc họp bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và tích cực ủng hộ những hạn chế đáng kể đối với khai thác dầu mỏ. Sự thành công của Nga chứng tỏ rằng Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ hai trên thế giới, vẫn có tiếng nói lớn trong lĩnh vực kinh doanh này.
Chuyên gia Ronald Smith, làm việc cho công ty đầu tư BKS Mir Investticija có trụ sở tại Moskva, cho rằng quyết định của OPEC+ là một chiến thắng đối với các công ty dầu mỏ của Nga vì họ sẽ kiếm được nhiều hơn trong khi không cần thu hẹp đáng kể sản lượng. Bằng cách giảm sản lượng xuất khẩu, liên minh OPEC+ sẽ thực sự giúp Nga duy trì thị phần của mình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại từ các đòn trừng phạt. Việc các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt đồng lòng giúp Nga giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây là chưa từng có tiền lệ.
Việc các thành viên OPEC, cũng như nhiều quốc gia khác, thể hiện quan điểm trung lập hoặc hoàn toàn không lên tiếng về cuộc chiến Nga-Ukraine cho thấy họ có lợi ích gắn chặt với Nga, không chỉ bởi vị thế của Nga trong ngành sản xuất dầu mỏ, mà còn xem Nga là nhà xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu và là nhà cung cấp vũ khí lớn.
Phần lớn thành viên của OPEC là các nước Arab. Sau cuộc họp, họ đã cố gắng xóa tan ấn tượng rằng quyết định của OPEC+ thể hiện một kiểu “trả đũa” đối với phương Tây. Bộ trưởng Năng lượng và Hạ tầng UAE Al Mazrouei cho biết đây là một quyết định kỹ thuật mà không mang tính chính trị. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman al-Saud cũng đưa ra tuyên bố tương tự, nhấn mạnh nhóm này đang phản ứng có trách nhiệm nhất có thể đối với những gì đang xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu.
Ông nhấn mạnh: ““Chúng tôi không gây nguy hiểm cho thị trường năng lượng. Chúng tôi đang cung cấp sự ổn định an ninh cho thị trường năng lượng. Mọi thứ đều có giá và an ninh năng lượng cũng vậy. Ưu tiên của chúng tôi bây giờ là ổn định thị trường. Hiện giờ, chúng tôi có thể bị buộc tội muốn làm ảnh hưởng đến thị trường theo cách tiêu cực. Đó là quyền của mọi người, nhưng các bạn hãy xem chúng tôi ứng xử như thế nào trong những tháng tới”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận