Liên danh Vietur chính thức trúng thầu gói 35,000 tỷ đồng của sân bay Long Thành
Liên danh Vietur đã thắng thầu và được trao hợp đồng xây lắp trị giá khoảng 35 ngàn tỷ đồng. Dự kiến, vào ngày 31/08 tới, nhà ga hàng không này sẽ được khởi công xây dựng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách (Gói thầu 5.10) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, giai đoạn 1.
Theo đó, Liên danh Vietur đã thắng thầu và được trao hợp đồng xây lắp trị giá khoảng 35 ngàn tỷ đồng.
Liên danh nhà thầu Vietur dưới sự dẫn dắt của Tập đoàn công nghiệp và Thương mại xây dựng IC ISTAS (được thành lập năm 1969), trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ. IC ISTAS được giới thiệu nằm trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới.
Cùng với đó là các doanh nghiệp trong nước như Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, SOL E&C, CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), CTCP kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp. Trong đó, Ricons, Newtecons, SOL E&C là những doanh nghiệp liên quan tới ông Nguyễn Bá Dương. Giá trúng thầu là 27,813,939,171,360 đồng và 338,849,804 USD.
Loại hợp đồng theo giá kết hợp, thời gian thực hiện 1,170 ngày bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định pháp luật Việt Nam kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Thời gian hoàn thiện và ký kết hợp đồng từ ngày 28 - 30/8/2023.
Công trình nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành sẽ thi công trong thời gian 39 tháng. Đây là công trình được đánh giá là có giá trị lớn và tính chất phức tạp nhất hiện nay. Nhà ga hành khách này lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh.
Điểm nhấn là khu vực bố trí ô lấy sáng trung tâm (tại khu vực làm thủ tục hàng không) và ô thông tầng cảnh quan trung tâm nhà ga, nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn, kết hợp với ánh sáng tán xạ khu vực bên trên ô lấy sáng chiếu xuống sẽ làm cho hành khách cảm thấy thoải mái, như hòa vào thiên nhiên tại khu vực này.
Nhà ga Cảng HKQT Long Thành cũng được thiết kế với hai cao trình đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn 376,451.32 m2, chiều cao đỉnh mái 45.55 m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay Code C, E, F.
Công trình này được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không. Các loại vật liệu bao che được sử dụng đảm bảo tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, việc lựa chọn đơn vị thi công có năng lực kinh nghiệm đã từng thi công các công trình sân bay lớn trên thế giới là vô cùng quan trọng, được ACV đặt lên hàng đầu.
Thời gian vừa qua, ACV đã tập trung mọi nhân sự có chuyên môn cao, mọi nguồn lực để khẩn trương đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu liên danh gồm các công ty có nhiều kinh nghiệm về thi công cũng như nguồn lực lớn về tài chính, mạnh về kỹ thuật trên thế giới và trong nước.
Cuối cùng, ACV đã chọn được Liên danh Vietur gồm các công ty xây dựng lớn trong và ngoài nước. ACV đánh giá Vietur là nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện thi công nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành, hạng mục đóng vai trò đường găng quan trọng trong tất cả các hạng mục của Dự án.
Thiên Vân
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận