Lật tẩy chiêu trò cò đất "phù phép", dân mất đất lúc nào không biết
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết người đồng bào dân tộc thiểu số, "cò" đất đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đất. Sự việc được phát hiện thì mảnh đất đã được bán cho nhiều chủ hoặc đang thế chấp ở ngân hàng.
Mất đất khi nào… không biết!
Những ngày này, gia đình anh Hưch (SN 1975) và chị Kưm (SN 1978, trú tại làng Xóa, Chư Đăng Ya, Gia Lai) đang hoang mang vì nỗi lo mất đất. Chị Kưm cho biết, do cần vốn làm ăn nên gia đình đã đồng ý cho bà Vũ Thị Hằng (SN 1980, xã Chư Đăng Ya) thuê 5 sào đất rẫy để trồng cà phê với giá 100 triệu đồng, thời hạn thuê 10 năm.
"Vợ chồng mình không bán đất cho Hằng. Đầu năm nay, cán bộ địa chính về đo đất và nói 5 sào đất này đã ra sổ đỏ đứng tên bà Hằng rồi. Gia đình đi hỏi bà Hằng thì bà ấy cầm bút viết trên tờ giấy hứa sẽ trả lại sổ đỏ cho vợ chồng trong vòng 10 ngày. Nhưng mấy tháng nay vẫn chưa thấy đâu", chị Kưm khóc nói.
Tương tự, vợ chồng anh Chang (SN 1981) và chị Bleck (SN 1978, trú tại làng Xóa, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai) đứng ngồi không yên vì bị nhiều người lạ đến nhà đòi nợ.
Trước đó, năm 2020, bà Hằng đã đến nhà anh Chang và nói có thể làm giúp giấy CNQSDĐ (sổ đỏ) từ tờ giấy viết tay cho gia đình. Khi có sổ đỏ thì gia đình có thể vay được tiền ngân hàng chính sách để làm ăn, phát triển kinh tế. Tin lời bà Hằng, vợ chồng anh Chang, chị Bleck theo chân bà Hằng đi ra huyện làm các thủ tục sổ đỏ.
"Hằng bảo vợ chồng mình lăn tay hết giấy này đến giấy kia, nhưng cả hai đều không biết nội dung ghi gì. Đến khi ra được sổ đỏ thì Hằng bảo, để làm giúp thủ tục vay vốn cho gia đình. Vợ chồng mình cũng tin, nhưng chờ mãi mà không thấy sổ đỏ và tiền đâu. Tuần trước, có nhóm giang hồ xăm trổ đến đòi phá nhà. Nói sao vợ chồng anh chị vay mượn tiền mà không đi nộp lãi", anh Chang cho biết.
Qua tìm hiểu thì gia đình mới biết bà Hằng đã cầm cố sổ đỏ của anh chị để vay hơn 100 triệu đồng từ tín dụng đen. Gia đình anh Chang khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ. Biết bị mất đất, chị Bleck mất ngủ, lo đến phát bệnh. Chị Bleck đã nhiều lần tìm đến lá ngón với ý định tự tử vì quá đau xót. Gọi điện cho bà Hằng yêu cầu trả lại sổ đỏ thì chỉ nhận được những lời hứa hẹn vu vơ.
Ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh cho biết: "Cơ quan Công an huyện đã vào cuộc điều tra, mời đối tượng Hằng lên làm việc. Lúc khám xét tại nhà Hằng phát hiện có hàng chục sổ đỏ của người dân, trong đó có vài sổ đỏ nghi được làm giả".
Được biết, Hằng là "cò" đất có tiếng ở địa phương khi chuyên dẫn dụ người đồng bào dân tộc thiểu số mua bán, trao đổi đất. Lợi dụng bà con đồng bào dân thiểu số còn thiếu hiểu biết, Hằng "hô biến", chuyển hóa giấy viết tay sang sổ đỏ đứng tên mình. Đồng thời, Hằng dùng thủ đoạn lừa mượn sổ đỏ của người dân nhằm mục đích vay vốn ngân hàng hoặc vay tín dụng đen.
Cảnh báo không để người dân sập bẫy
Ngay khi phát hiện sự việc, Công an huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã vào cuộc điều tra, xác minh hồ sơ các vụ mua bán, chuyển nhượng đất đai liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Chư Đăng Ya.
Qua đó, Công an huyện Chư Păh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Thị Hằng để điều tra tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Qua điều tra, từ 2018 đến 2021, một số hộ người Jrai ở xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhờ Vũ Thị Hằng (SN 1980, trú xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai) giúp vay vốn ngân hàng hoặc cho Hằng thuê đất.
Đầu năm 2022, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chư Păh tới nhà xác minh thì các hộ mới biết, đất của họ đã bị làm thủ tục chuyển nhượng cho Vũ Thị Hằng. Một số sổ đỏ đã được thế chấp vay vốn ngân hàng, một số khác được dùng để vay tiền của cá nhân.
Theo lãnh đạo Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Chư Păh cho biết, thực trạng mua bán đất đai xung quanh vùng núi lửa Chư Đăng Ya hiện đang nóng hơn bao giờ hết. Khi làm hồ sơ, thủ tục đơn vị thấy những sổ đỏ liên tục được chuyển nhượng sang tên, nguồn gốc đất là của đồng bào dân tộc thiểu số và có nhiều điều bất thường đã ngăn chặn, tạm dừng thủ tục chuyển đổi.
Để người dân hiểu và tránh bị các đối tượng lừa đảo, UBND huyện Chư Păh đã chỉ đạo UBND xã Chư Đăng Ya xác minh chặt chẽ về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, giải thích rõ ràng nội dung hợp đồng cho người dân hiểu, khi đến thực hiện các giao dịch về đất đai. Việc này nhằm đảm bảo quyền của người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính quyền xã tăng cường vận động nhân dân giữ đất để sản xuất, canh tác, nâng cao cảnh giác không để mắc lừa "cò" đất, môi giới bất động sản. Huyện Chư Păh cũng kiến nghị Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai chỉ đạo các phòng công chứng trên địa bàn nâng cao trách nhiệm khi thực hiện công chứng mua bán đất đai cho các hộ dân miền núi.
Cụ thể, khi lập hợp đồng mua bán cần đọc to, rõ ràng, giải thích để các hộ dân hiểu nội dung của hợp đồng, tránh việc các đối tượng lợi dụng việc người dân không biết chữ để thực hiện các thủ tục mua bán đất đai trái quy định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nay Kiên - Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho hay, ngay khi nắm được thông tin, huyện đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra vụ có dấu hiệu lừa đảo, mua bán nhiều sổ đỏ của người dân. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận