menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thanh Huyền

Lao động dệt may ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng cắt giảm

70.000 lao động ngành dệt may trên cả nước thôi việc, mất việc và 66.600 người bị giảm giờ làm, trong năm tháng đầu năm 2023.

Báo cáo trước phiên chất vấn tại kỳ họp 5, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng nửa đầu năm 2023 là gần 510.000 người.

Số thôi việc, mất việc là 280.000 người; nhiều nhất là ngành dệt may, sau đó đến da giày (31.600 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (45.000 người). Nơi chịu có lao động mất việc nhiều nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

Dệt may cũng là lĩnh vực công nhân bị giảm giờ làm nhiều nhất, kế đến là da giày (66.000), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (24.800 người), chế biến thủy, hải sản (gần 6.000), chế biến gỗ (5.400).

Lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.000 và ngành dệt may vẫn đứng đầu với gần 5.000.

Hơn 8.600 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, trong đó 27% doanh nghiệp FDI; 72% doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là vùng Đông Nam Bộ, chiếm gần 2/3; 12% doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo thống kê, lao động chưa qua đào tạo bị thôi việc, mất việc chiếm tỷ lệ lớn nhất 68%.

Lao động dệt may ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng cắt giảm
Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở KCN Tân Đô, Long An. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc cắt giảm hàng loạt xảy ra do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân. Nhiều doanh nghiệp tồn kho nhiều không xuất được, trong khi đơn hàng mới không có.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người mất, giảm giờ làm như tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề, tín dụng ưu đãi, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ yếu tố của thị trường lao động; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.

Bộ cũng giao các cơ quan đẩy mạnh dự báo nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo nghề của doanh nghiệp; thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất.

Lao động dệt may ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng cắt giảm
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Giang Huy

Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng hơn 3% so với 2021). Giai đoạn 2016-2022, cơ quan BHXH tại tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người.

Lãnh đạo ngành lao động cho rằng đa số người lao động không có khả năng tích lũy, nên khi mất việc làm phải đối mặt với nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thiếu sự liên kết, hỗ trợ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ sẽ nghiên cứu, sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cơ quan chức năng cũng sẽ phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già; củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH.


Phiên chất vấn tại kỳ họp 5 bắt đầu từ sáng 6/6, kéo dài 2,5 ngày với bốn nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất do Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời. Nội dung gồm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, cơ cấu lại chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực trạng việc làm và giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động.

Bộ trưởng Dung cũng thông tin về giải pháp khắc phục hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ tham gia trả lời.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại