Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Các giao dịch lớn tại FTS, HNG, PVM và ACB
Thống kê các giao dịch nội bộ trong tuần giao dịch 15/03 - 19/03/2021 cho thấy bên bán đang chiếm thế chủ động. Tổng Giám đốc Chứng khoán FPT đã thoái hơn 6.5 triệu cp. Trong khi đó, HAG muốn bán thêm 80 triệu cp HNG và POW muốn rời ghế cổ đông tại PVM. Ở chiều ngược lại, quỹ ngoại muốn gom 10.5 triệu cp ACB
Tổng Giám đốc Chứng khoán FPT hoàn tất thoái hơn 6.5 triệu cp
Ngày 15/03, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán FPT (HOSE: FTS) - ông Nguyễn Điệp Tùng đã bán thành công hơn 6.5 triệu cp FTS theo phương thức thỏa thuận. Sau thương vụ, vị Tổng Giám đốc vẫn còn nắm giữ hơn 3.7 triệu cp FTS.
Với giá bán thỏa thuận xấp xỉ 16,900 đồng/cp, ước tính ông Tùng đã thu về gần 111 tỷ đồng sau thương vụ.
Quyết định bán ra lượng cổ phần lớn từ phía ông Tùng được đưa ra giữa bối cảnh cổ phiếu FTS hồi phục đáng kể sau đợt sụt giá mạnh vào nửa cuối tháng 1/2021. Theo đó, từ ngày 03/02-19/03, FTS đã tăng giá 22.6% lên mức 18,150 đồng/cp.
HAG muốn thoái thêm 80 triệu cp HNG
Nhằm mục đích tái cơ cấu tài chính, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) vừa đăng ký bán 80 triệu cp của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) từ ngày 22/03 – 20/04/2021 theo phương thức thỏa thuận cho đối tác chiến lược.
Nếu thương vụ thành công, HAG sẽ hạ sở hữu tại HNG từ mức 29.78% vốn (330 triệu cp) xuống còn 22.57% vốn (250 triệu cp).
Với thị giá 12,300 đồng/cp (17/03), ước tính giá trị thương vụ vào mức 984 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, trong đợt giao dịch từ ngày 05/02 - 03/03/2021, HAG đã bán ra 75 triệu cp, ước thu về khoảng 825 tỷ đồng.
Như vậy, nếu các giao dịch hoàn tất, ước tính HAG sẽ có trong tay khoảng 1.8 ngàn tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 3 tháng).
Số tiền này sẽ phần nào giúp HAG cải thiện tình hình tài chính. Thực tế trong năm 2020, HAG thua lỗ tới hơn 1.2 ngàn tỷ đồng (lãi gần 190 tỷ đồng năm 2019). Mặc dù chi phí lãi vay năm 2020 có giảm so với 2019 song, vẫn ở mức cao (hơn 1.2 ngàn tỷ đồng); tổng nợ vay đến 31/12/2020 đang ở mức 18 ngàn tỷ đồng.
POW đã rời ghế cổ đông PVM?
Đáng chú ý, ngay phiên giao dịch đầu tiên mà POW thực hiện thoái vốn, cổ phiếu PVM ghi nhập khớp lệnh hơn 22.7 triệu cp trên sàn. Được biết, đây là mức thanh khoản cao kỷ lục đối với cổ phiếu này. Trong 1 năm trở lại, khối lượng giao dịch một phiên của PVM chưa bao giờ vượt quá 2.5 triệu cp.
Như vậy, rất có khả năng POW đã thực hiện “trót lọt” thương vụ này. Với thị giá 27,900 đồng/cp (20/03/2021), dự kiến đơn vị này sẽ thu về khoảng 558 tỷ đồng từ thương vụ.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu PVM, mới đây ông Bùi Quang Thi - em rể ông Vũ Đức Tiến, thành viên HĐQT - đã đăng ký bán hết 1.1 triệu cp (2.86% vốn) đang nắm giữ. Các giao dịch dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 19/03 - 16/04/2021.
Nhóm Dragon Capital muốn mua 10.5 triệu cp ACB
2 thành viên thuộc nhóm quỹ Dragon Capital là Samsung Vietnam Securities Master Invetsment Trust (SSMIT) và Norges Bank kần lượt đăng ký mua 500,000 cp và 10 triệu cp ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) từ ngày 19/03-16/04/2021.
Hiện 2 thành viên này không nắm giữ cổ phiếu ACB. Nếu giao dịch thành công, SSMIT và Norges Bank sẽ lần lượt sở hữu 0.023% và 0.462% vốn tại ACB.
Trước đó, nhóm Dragon Capital đã hoàn tất bán ròng hơn 95 triệu cp ACB trong ngày 10/03/2021, giảm tỷ lệ sở hữu của cả nhóm tại đây từ 12.04% xuống còn 7.64%.
Cụ thể, hai thành viên thuộc quản lý của Dragon Capital là Asia Reach Investments Limited (ARIL) và First Burns Investments Limited (FBIL) đã hoàn tất bán lần lượt 50.41 triệu cp và 49.64 triệu cp. Tổng cộng 2 thành viên này đã bán 100.1 triệu cp ACB.
Ở chiều ngược lại, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company đã mua 5 triệu cp ACB như đã đăng ký, tăng tỷ lệ sở hữu tại ACB lên mức 0.36%, tương đương 7.83 triệu cp.
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân giao dịch từ ngày 15/03 - 19/03/2021
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân đăng ký giao dịch từ ngày 15/03 - 19/03/2021
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận