24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Làng quê không bình yên vì… đất

Làng quê vốn bình yên, thỉnh thoảng đám cưới, đám tang hay lễ hội cũng chỉ làm lao xao một góc làng. Nhưng những năm gần đây, chuyện liên quan đến đất cát đã làm cả một vùng quê bị “sốt”. Hàng chục, hàng trăm xe hơi kéo về, hàng ngàn người chạy khắp làng tìm người này, kéo tay người nọ ồn ào, râm ran. Đó là chuyện về những cơn sốt đất, có sốt nóng và cả sốt lạnh.

Đua nhau đẩy giá đất

Đầu tháng 2-2020, thị trường râm ran thông tin một tập đoàn bất động sản lớn đề xuất chính quyền địa phương cho thực hiện dự án khoảng 800ha tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế là chỉ vài ngày sau lượng người đổ về tìm mua đất tăng chóng mặt. Dọc tuyến Quốc lộ 56, đoạn qua địa phận xã Bình Ba tấp nập kẻ bán người mua đất nền khiến giá đất khu vực xã Bình Ba nhảy múa trong ngày. Đội quân môi giới nhà đất tích cực săn lùng đất khiến giá tăng cao vùn vụt từng ngày. Các khu đất trên địa bàn thị trấn Ngãi Giao, giáp đường Mỹ Xuân, tuyến Trần Hưng Đạo, hay đất nằm dọc theo Quốc lộ 56 thuộc địa bàn xã Bình Ba, nơi được cho sẽ triển khai dự án đô thị quy mô lớn, có giá bán tăng gần 100-200% chỉ trong vài ngày.

Trước diễn biến của giá đất, UBND huyện Châu Đức đã có văn bản thông tin cụ thể về dự án, đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát việc tự ý tổ chức xây dựng hạ tầng, phân lô, tách thửa, bán nền đất trái phép trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Động thái này của chính quyền địa phương đã nhanh chóng đẩy lùi cơn sốt ảo. Chỉ sau 3 tuần cơn sốt bắt đầu nguội lạnh, cảnh tranh mua, tranh bán, xe cộ tấp nập không còn.

Nhưng hệ quả xấu bắt đầu phát tác. Những người đầu tư F2, F3, F4 theo kiểu lướt sóng lỗ nặng, giá đất tụt thê thảm, bán cắt lỗ không ai mua. Những hộ dân bán hết đất không còn đất làm ăn, người chưa bán được tiếc hùi hụi, có người bán vội lúc giá thấp tiếc đứt ruột vì giá sau cao hơn giá trước. Có gia đình xào xáo vì bán đất chung mà không bàn bạc với nhau. Rồi những mâu thuẫn nảy sinh trong việc tranh giành mối làm ăn, hốt tay trên của nhau, dẫn đến xô xát; những người có tiền bán đất cũng lao vào các cuộc nhậu nhẹt, mua sắm, bài bạc đỏ đen. Cả vùng quê tan tác như sau trận bão, nhiều người nói “cò đất bay qua, làng quê vỡ trận”.

Gần đây, thông tin tỉnh Bình Phước dự kiến lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng, cò đất các nơi ồ ạt đổ về, biến nhiều khu vực tại các xã An Khương, Tân Lợi huyện Hớn Quản trở thành “chảo lửa”. Chỉ trong khoảng 3 ngày giá đất mặt tiền ở đây tăng theo chiều thẳng đứng, từ 100 triệu đồng mét ngang lên 300-400 triệu đồng, thậm chí ở một số vị trí đẹp cán mốc 450 triệu đồng/mét ngang. Đặc biệt, tại xã An Khương, Tân Lợi và các vùng lân cận (nơi được khảo sát lập đề án quy hoạch sân bay) giá đất tăng chóng mặt. Một số mảnh đất cách vị trí được cho là cổng sân bay khoảng 1,5km, bình thường có giá 150-200 triệu đồng/450-500m2, chỉ sau vài ngày qua đã lên đến vài tỷ đồng tùy từng vị trí. Một khu đất ban đầu được giao dịch với giá gần 10 tỷ đồng, sau vài ngày được sang tay qua lại và người cuối cùng đã chốt giá 28 tỷ đồng.

Các loại thông tin gây sốt ảo

Khi một dự án lớn như khu đô thị, khu công nghiệp, sân bay, bến cảng triển khai ở những vùng quê thuần nông, đấy là cơ hội đổi đời cho người dân. Người dân vốn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nay được tham gia các hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ, được tiếp cận với các dịch vụ đô thị và văn minh đô thị. Đó là nói đến những dự án triển khai thực, như sân bay Long Thành. Nhưng những dự án làm khổ dân đa phần là dự án không có thật và thông tin về nó rất tù mù. Có thể phân ra làm 3 loại thông tin chính: thông tin lừa đảo có chủ đích, thông tin còn ở dạng “ý tưởng chợt lóe” phát ra từ cơ quan chức năng, và thông tin đề xuất từ các nhà đầu tư, hiệp hội nghề nghiệp.

Loại thông tin thứ nhất, có thể chỉ đích danh như Công ty Alibaba của Nguyễn Thái Luyện đã vẽ ra 58 dự án ma tại Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, chiếm đoạt 2.373 tỷ đồng của 3.924 người. Loại thông tin thứ hai là những phát ngôn bất cẩn của người có chức trách trong lúc ngẫu hứng trước hội nghị nào đó, đại loại như huyện này sẽ lên quận, chỗ này sẽ có khu công nghiệp. Hay một động thái của lãnh đạo tỉnh nọ cùng đoàn tùy tùng rầm rộ đi thị sát một khu đất với ý tưởng “xây dựng sân bay lưỡng dụng” dựa trên mong muốn hơn là cơ sở khoa học. Đơn cử, dân tình TPHCM đã “lên ruột” vì một hiệp hội chỉ trong 1 tuần đưa ra 3 đề xuất động trời về việc phát triển đô thị Cần Giờ, đô thị Tây Bắc Củ Chi và dải đô thị ven sông Sài Gòn.

Về lý có thể họ không sai, khó bắt bẻ vì đó là gợi ý mang tính định hướng của lãnh đạo, là nghiên cứu tiền khả thi của các sở, là đề xuất hiệp hội thay cho các nhà đầu tư. Nhưng khổ nỗi là ngay sau đó các nhật báo nhảy vào cuộc đưa tin búa xua với đầy đủ bản đồ, sơ đồ, ý kiến của ông A, ông B cứ như là dự án sắp được triển khai nay mai, và ngay lập tức các cò đất nhảy vào cuộc với tất cả chiêu trò, thủ thuật tinh vi tạo ra cơn sốt giả. Các “chim mồi”, “kền kền” lao đến với các bản đồ, tin tức trên báo, hình ảnh vị lãnh đạo xuống thị sát thực địa, và ngụy tạo ra các loại bản đồ “dự án ma” xanh đỏ, làm người dân địa phương và nhà đầu tư rơi vào ma trận khôn lường không biết đâu là giả, đâu là thật, cuối cùng bị “chết đuối trên núi” như ở dự án “sân bay lưỡng dụng” tại tỉnh Bình Phước là thí dụ mới nhất.

Có lẽ các cơ quan chức năng của Chính phủ, của các TP lớn như Hà Nội, TPHCM cần đánh giá lại và ban hành một quy chế phát ngôn thống nhất những vấn đề ở tầm vĩ mô. Những người “dân ấp, dân lân” làm sao biết được đâu là mong muốn mãnh liệt của cá nhân lãnh đạo, đâu là gợi ý, đâu là định hướng, đâu là ý tưởng, đâu là đề xuất, đâu là nghiên cứu tiền dự án và đâu là gửi gắm của doanh nghiệp qua kênh A, B, mà chỉ biết qua báo chí, qua miệng cò. Lời nói gió bay, chả sao cả, còn những vùng quê không yên bình và tan nát là thật.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả