Làn sóng phá sản gia tăng tại nhiều quốc gia
Sự kết thúc của kỷ nguyên tiền rẻ, cùng những khó khăn của nền kinh tế, đang dẫn tới làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp ngày càng dâng cao từ Mỹ, châu Âu cho tới châu Á. Và đây được dự báo mới chỉ là khởi đầu của một giai đoạn khó khăn.
Nhiều quốc gia ghi nhận kỷ lục mới về phá sản
Theo Bloomberg, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều áp lực, làn sóng doanh nghiệp phá sản đang dâng cao trên toàn thế giới. Ở một số nước, số lượng công ty rơi vào cảnh phá sản thậm chí đã đạt mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Và có vẻ như, đây mới chỉ là khởi đầu của một làn sóng doanh nghiệp phá sản.
Một thập kỷ lãi suất thấp đã khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp và các công ty quản lý quỹ tỏ ra lơ là mất cảnh giác, và không để ý đến một sự thật là sau mỗi chu kỳ bùng nổ kinh tế bao giờ cũng là một đợt suy thoái. Giờ đây, sự kết hợp giữa nhu cầu suy yếu, lạm phát gia tăng, gánh nặng nợ và chi phí đi vay tăng vọt sẽ tạo nên những áp lực mà các doanh nghiệp không có nền tảng đủ khỏe mạnh khó lòng chịu đựng nổi.
Các số liệu thống kê của S&P Global Market Intelligence cho thấy, tính đến cuối tháng 6, đã có tổng cộng 324 công ty Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản, chỉ ít hơn 50 đơn so với con số 374 được ghi nhận trong cả năm 2022. Ngoài ra, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, S&P cũng ghi nhận 236 doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản – cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức nhanh nhất kể từ năm 2010.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại nhiều nơi khác. Tại Anh và xứ Wales, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp đã đạt mức cao nhất 14 năm, trong khi số vụ phá sản ở Thụy Điển cũng đạt mức cao nhất trong một thập kỷ. Tại Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, số vụ phá sản đã tăng vọt 50% so với năm ngoái, lên mức cao nhất trong bảy năm qua.
Nhật Bản cũng ghi nhận số vụ phá sản cao nhất trong năm năm trở lại đây. Theo kết quả khảo sát do Công ty Tokyo Shoko Research công bố hôm 10-7, số vụ phá sản doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong sáu tháng đầu năm 2023 đã tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 4.042 doanh nghiệp – mức cao nhất kể từ năm 2018. Tokyo Shoko Research cũng cảnh báo số công ty phá sản có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là với nhóm các doanh nghiệp chậm phục hồi sau đại dịch.
Nguyên nhân dẫn tới làn sóng phá sản doanh nghiệp
Thông thường, làn sóng phá sản sẽ dâng cao khi xảy ra suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay sự sụp đổ của các doanh nghiệp diễn ra ngay cả khi thị trường việc làm và lợi nhuận kinh doanh vẫn đang cho thấy sự vững mạnh một cách đáng ngạc nhiên.
Có một cách lý giải cho tình trạng này: các gói hỗ trợ hào phóng từ các chính phủ trong thời kỳ đại dịch, cùng với việc nới lỏng quy định về thời điểm các doanh nghiệp phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản, đã khiến làn sóng phá sản bị trì hoãn đến tận thời điểm hiện tại thay vì trong thời kỳ kinh tế khó khăn 2020-2021.
Trong nhiều trường hợp, sự trì hoãn chỉ có tác dụng kéo dài thay vì ngăn chặn hoàn toàn kịch bản tệ hại nhất là sự phá sản của doanh nghiệp. Các mô hình kinh doanh có nhiều lỗ hổng, cấu trúc vốn sử dụng nhiều đòn bẩy và môi trường vĩ mô không thuận lợi khiến các công ty hiện ở vị trí rất tệ để có thể ứng phó với lãi suất tăng mạnh.
Ông Robin Knight, một đối tác tại Công ty tư vấn AlixPartners, cho biết: “Thời kỳ tiền rẻ đã khiến các doanh nghiệp trì hoãn giải quyết rất nhiều vấn đề mà lẽ ra họ cần phải xử lý ngay. Và rồi đột nhiên, dòng vốn rẻ này bị cắt đứt, khiến các doanh nghiệp đối mặt với đặc điểm cơ bản của phá sản – hết tiền. Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động kinh doanh giờ đây lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.
Những công ty khởi nghiệp chuyên “đốt tiền” như Công ty Truyền thông kỹ thuật số Vice Group là ví dụ đáng chú ý hơn cả. Từng được định giá lên tới gần 6 tỉ đô la, nhưng Vice Group lại có mô hình kinh doanh thiếu bền vững, khi hoàn toàn phụ thuộc vào dòng tiền từ bên ngoài. Rốt cuộc, công ty đã cạn tiền hồi tháng 5 và phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Hơn mười công ty séc trắng (SPAC) cũng đã rơi vào cảnh phá sản kể từ đầu năm đến nay vì những lý do tương tự, mà gần đây nhất là Công ty xe điện Lordstown Motors và Công ty thực phẩm Tattooed Chef.
“Vấn đề lớn nhất là chất lượng hoạt động xuống cấp, nợ nần chồng chất và không bền vững. Đó là công thức chung cho phần lớn các vụ phá sản”, James Gellert, Giám đốc điều hành Công ty đánh giá tài chính Rapid Ratings International nhận định.
Các chuyên gia lưu ý rằng, nhiều công ty gặp khó khăn đều mang những đặc điểm tương tự, đó là mức nợ quá cao mà họ đã vay mượn khi tình hình kinh doanh còn suôn sẻ và lãi suất ở mức thấp. Giờ đây, trong một môi trường tiền tệ hoàn toàn khác biệt, có lẽ tất cả đều đang cảm thấy đau đớn và hối hận vì những quyết định trước đó.
Vòng tròn luẩn quẩn và kéo dài
Những điều tồi tệ hơn nữa được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, thay vì một cú sốc xảy ra nhanh và mạnh như hồi năm 2008, các chuyên gia dự báo làn sóng phá sản lần này sẽ diễn ra từ từ và kéo dài, bởi lãi suất có thể vẫn sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn do nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương.
Những công ty nhỏ hơn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi sự thắt chặt hoạt động cho vay của các ngân hàng, và buộc phải tìm đến những khoản vay có lãi suất thả nổi, khiến chi phí vay vốn tăng cao hơn và nhanh hơn. Trong nhiều trường hợp, chi phí lãi vay thậm chí có thể tăng gấp đôi chỉ trong vài năm, trừ khi doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Những vụ phá sản cỡ lớn cũng đang xảy ra, ví dụ như việc chuỗi cửa hàng đồ gia dụng Bed Bath & Beyond – từng là lựa chọn số 1 của các hộ gia đình Mỹ, đã mất khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính hồi tháng 4. Trong khi đó, sự sụp đổ của nhà bán lẻ nội thất Kika/Leiner hồi tháng 6 cũng là vụ phá sản lớn nhất ở Áo trong một thập kỷ trở lại đây.
Các vụ vỡ nợ lớn đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra vòng tròn luẩn quẩn, khi các nhà cung ứng không được thanh toán tiền, công nhân mất việc làm, các ngân hàng thắt chặt hơn nữa các tiêu chí cho vay và sau đó sẽ có thêm nhiều công ty sẽ phá sản.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng và vận tải là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi người dân chuyển sang đi du lịch, ăn uống và tham gia các hoạt động xã hội khác, thay vì mua sắm hàng hóa như trong thời kỳ đại dịch. Hồi tháng trước, Công ty giao hàng Tuffnells Parcels Express của Anh đã phá sản, trong khi nhà sản xuất nồi áp suất Instant Brands của Mỹ cũng rơi vào cảnh tương tự. Chi phí vận chuyển và lãi vay tăng cao, cùng với việc thiếu hụt đơn đặt hàng mới đã đẩy các doanh nghiệp như Instant Brands vào tình cảnh khó khăn.
Các lĩnh vực xây dựng và công nghiệp cũng đang đối mặt với áp lực lớn khi lĩnh vực bất động sản thương mại đình trệ và ngành sản xuất toàn cầu sa sút.
Công nghệ và chăm sóc sức khỏe – hai ngành không có tính chu kỳ – được kỳ vọng sẽ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuộc hai ngành này lại sử dụng nhiều khoản vay có lãi suất thả nổi và đang đối mặt với các thương vụ thâu tóm, mua lại sử dụng nhiều đòn bẩy.
Hồi tháng 5 vừa qua, Envision Healthcare đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản do sự sụt giảm số lượng bệnh nhân liên quan đến Covid-19, khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bloomberg cũng cho biết, Envision đã thực hiện những khoản vay có lãi suất thả nổi lên tới hàng tỉ đô la, mà không áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro cần thiết.
Các giám đốc điều hành hẳn đã hy vọng lãi suất sẽ nhanh chóng quay trở lại mức có thể kiểm soát được, nhưng kịch bản này dường như ngày càng khó xảy ra. Trong khi đó, kỳ hạn trung bình của trái phiếu rác ở Mỹ và châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất được ghi nhận. Mặc dù không có nhiều khoản nợ rủi ro đáo hạn trong năm 2023, nhưng các thách thức tái cấp vốn sẽ trở nên khó khăn hơn sau đó và các doanh nghiệp có thể sẽ quyết định giải quyết vấn đề bằng cách cơ cấu lại các khoản nợ càng sớm càng tốt.
Đối với giới chuyên gia tư vấn tài chính và các luật sư chuyên phục vụ khách hàng doanh nghiệp, những vụ phá sản, tái cấu trúc sẽ giúp họ kiếm thêm thu nhập để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong hoạt động thâu tóm sáp nhập (M&A) và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, ngoài họ ra, tất cả phần còn lại của thị trường chẳng có lý do gì để vui mừng. Bởi lẽ, một thời kỳ khủng hoảng kéo dài của các doanh nghiệp có thể chỉ vừa mới bắt đầu.
Nguồn: Bloomberg, Newsweek, International Banker, CNN, CNBC, Nikkei Asia Review
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận