24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đức Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Làn sóng nâng lãi suất trên toàn cầu

Chỉ trong vài ngày đầu tuần, lần lượt ngân hàng trung ương tại Australia, Mỹ, Anh, Ấn Độ thông báo nâng lãi suất để đối phó bão lạm phát.

Hôm qua (5/5), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên 1% - cao nhất 13 năm. Cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, BOE đang phải lèo lái nền kinh tế qua bão lạm phát đang ngày càng nghiêm trọng.

Lạm phát của Anh đã lên 7% trong tháng 3, cao nhất 30 năm và hơn gấp 3 mục tiêu của BOE. Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng tại nước này xuống sát mức thấp kỷ lục trong tháng 4 do lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm lại. BOE dự báo lạm phát tại Anh sẽ lên gần 10% năm nay.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Chile thông báo nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8,25%, cao hơn dự báo. Chile đã liên tục nâng lãi suất kể từ giữa năm ngoái để kiềm chế lạm phát sau khi hồi phục mạnh từ trong đại dịch. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Chile đã tăng 9,4% trong tháng 3 – cao nhất kể từ năm 2008.

Hôm 4/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0,5% để đối phó lạm phát tồi tệ nhất 40 năm. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi ở mức này trong 22 năm qua. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 0,75% - 1%.

Người Mỹ đang vật lộn với giá cả tăng, từ thực phẩm đến xăng dầu. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng phải thừa nhận "lạm phát hiện quá cao".

Ấn Độ hôm 4/5 bất ngờ nâng lãi suất tham chiếu lên 4,4%, từ mức thấp kỷ lục là 4% đã giữ nguyên 2 năm qua để hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ gần đây đã ra tín hiệu sẽ nâng lãi, sau khi bị nhiều nhà kinh tế học chỉ trích phản ứng quá chậm chạp do CPI đã vượt giới hạn trong quý I.

Còn tại Australia, ngân hàng trung ương nước này cách đây không lâu vẫn dự kiến giữ nguyên lãi suất gần 0% cho đến 2024. Tuy nhiên, hôm 3/5, họ khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên khi tăng thêm 0,25% lên 0,35%.

Các quốc gia trên đều đang phải đối phó với lạm phát tăng vọt. Với việc xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức ép lên giá thực phẩm và nhiên liệu khó được xoa dịu sớm. Việc Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố lớn cũng sẽ bóp nghẹt thêm chuỗi cung ứng vốn đã rất căng thẳng.

Các ngân hàng trung ương đã duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ suốt vài năm qua để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Biện pháp này đã phát huy tác dụng, nhưng cũng góp phần kéo lạm phát tại nhiều nơi lên cao.

Lạm phát trở thành chủ đề nóng trên thế giới từ giữa năm ngoái. Các tổ chức, các nhà kinh tế học liên tục cảnh báo về rủi ro này. Họ lo ngại toàn cầu có thể lặp lại cú sốc lạm phát thập niên 70, do vòng xoáy tăng lương – tăng giá.

Tại một số quốc gia, rủi ro về vòng xoáy tiền lương và giá cả sẽ lớn hơn, do ít có khả năng tuyển thêm lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Trung Âu là một điển hình. Nhiều ngân hàng trung ương khu vực này đã phải tăng lãi suất từ cuối năm ngoái.

Hiện tại, lạm phát càng khiến các nước đứng ngồi không yên, đặc biệt sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Hussain Mehdi – chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC cho rằng sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm và lạm phát cao là thách thức với rất nhiều nhà hoạch định chính sách.

"Vấn đề là chúng ta đang đi trên con đường rất hẹp", Thống đốc BOE Andrew Bailey cho biết trong họp báo sau quyết định nâng lãi suất, "Chúng tôi nâng lãi suất vào thời điểm này không chỉ là để kiềm chế lạm phát, mà còn là giảm thiểu các rủi ro khác".

Fed cũng thừa nhận: "Các yếu tố tác động lên kinh tế Mỹ đang rất thiếu chắc chắn. Chiến sự và các sự kiện liên quan vẫn đang tạo thêm sức ép lên lạm phát và đè nặng lên hoạt động kinh tế".

Chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn cũng thúc giục Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhanh chóng nâng lãi suất. "Chúng ta đang mâu thuẫn về chính sách tiền tệ. Một mặt, chúng ta phải đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Mặt khác là phải ngăn lạm phát và tác động của nó lên thị trường lao động. Thế nên quan điểm của tôi là nhanh chóng bình thường hóa chính sách tiền tệ", ông cho biết.

Dù vậy, giới chuyên gia cũng cảnh báo việc các nước phát triển nâng lãi suất sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền. Ví dụ, Hong Kong và các nước Vùng Vịnh – vốn neo nội tệ vào đôla Mỹ - đã nâng lãi suất ngay sau động thái của Fed.

Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong (HKMA) hôm 4/5 nâng lãi suất cơ bản từ 0,75% lên 1,25%. Trong khi đó, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Bahrain nâng thêm 0,5%.

Bên cạnh đó, việc này còn gây sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển. Tháng trước, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo Fed và các ngân hàng trung ương khác "suy nghĩ kỹ về rủi ro lan truyền với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ tổn thương".

Nguyên nhân là việc này có thể làm thay đổi dòng chảy đầu tư toàn cầu. Dòng vốn sẽ rời các nước nghèo để chuyển sang các nước giàu. IMF vì thế hạ triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển và mới nổi năm nay xuống 3,8%, thấp hơn 1% so với dự báo tháng 1.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả