Làn sóng FDI đổ bộ, giá thuê bất động sản công nghiệp khu vực phía Nam tăng cao
TP.HCM và các tỉnh phía Nam dẫn đầu giá thuê bất động sản công nghiệp cả nước. Nguyên nhân vì sóng đầu tư FDI mới và nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.
TP.HCM có giá thuê đất công nghiệp cao nhất
Dịch Covid-19 được kiểm soát đã giúp nhiều thị trường bất động sản "nóng dần" sau thời gian dài tê liệt. Chính sách mở cửa thị trường, đón khách, chuyên gia quốc tế cùng nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp đã giúp nhiều phân khúc hồi sinh nhanh chóng.
Theo Cushman Wakefield Việt Nam, thị trường bất động sản đang đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc khi giá thuê liên tục tăng. Tính đến tháng 5, TP.HCM đang là địa phương có giá thuê đất công nghiệp cao nhất nước, sắp chạm ngưỡng 200 USD/m2. Trong khi đó, Đà Nẵng và Hà Nội lần lượt đạt mốc cao nhất 80 - 140 USD/m2 một chu kỳ thuê.
Theo các chuyên gia, TP.HCM và các tỉnh lân cận sở hữu nhiều tiềm năng thu hút đầu tư như đây là khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước. Đồng thời, đây còn là trung tâm công nghiệp lâu đời, tập trung số lượng lớn các ngành nghề cao su, nhựa, dệt may...
Theo đó, các thủ phủ công nghiệp phía Nam đón nguồn cầu lớn về nhà xưởng, nhà kho xây sẵn chất lượng cao với các dịch vụ liên quan đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập tại khu vực này.
P.HCM đang là địa phương có giá thuê đất công nghiệp cao nhất nước. Ảnh: H.T
Trong khi đó, báo cáo của Jones Lang Leasalle (JLL) cũng cho biết, TP.HCM đang dẫn đầu giá thuê đất công nghiệp cả nước với mức thuê trung bình 120 USD/m2 cho cả chu kỳ thuê, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng giá thuê hàng năm của các thủ phủ công nghiệp phía Nam cũng luôn đạt mức 8-9% một năm trong vài năm trở lại đây. Với quỹ đất khu công nghiệp tại TP.HCM không còn nhiều, Bình Dương, Long An, Đồng Nai trở thành điểm nóng thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp.
Ông John Campbell - Phó Giám đốc bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam đánh giá, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty chuyển đến, đặc biệt là trong nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Thị trường khu công nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn trong giai đoạn 2022 trở về sau.
Bất động sản ăn theo sóng đầu tư FDI
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định bất động sản công nghiệp tăng sức nóng là do đón làn sóng đầu tư FDI mới đổ vào sau khi Việt Nam mở cửa trở lại. Đồng thời, các doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Theo bà Trang, nguồn vốn FDI mới đổ vào khu công nghiệp Việt Nam năm 2022 đang có xu hướng phát triển theo hai nhánh. Thứ nhất là các ngành sản xuất và thứ hai là hậu cần phụ trợ, tức bất động sản công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, logistics.
"Với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư gốc Á như: Singapore, Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc... và cả nhóm các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu cũng đã lần lượt xuất hiện tại thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Với nhóm các nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần chất lượng ngày càng cao hơn", vị chuyên gia nhận định.
Thực tế, các tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản công nghiệp nhộn nhịp đón nhà đầu tư Á - Âu - Mỹ tiếp cận thị trường, mở ra đà tăng trưởng mới. Theo đó, nhiều thương hiệu, doanh nghiệp lớn đã tìm đến thị trường Việt Nam để thành lập nhà máy, mở rộng kho bãi.
Đơn cử, thương hiệu trang sức Đan Mạch Pandora giữa tháng 5 đã ký biên bản ghi nhớ xây cơ sở chế tác trang sức mới tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP) ở tỉnh Bình Dương. Đây sẽ là địa điểm sản xuất thứ ba của công ty và là điểm đầu tiên bên ngoài Thái Lan.
Ngoài ra, tập đoàn Framas của Đức cũng vừa thuê một khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000 m2 tại dự án KTG Industrial Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai). Framas chuyên sản xuất các bộ phận bằng nhựa chất lượng cao phục vụ khách hàng như Nike và Adidas
Ông Fabian Urban - Giám đốc phụ trách mảng công nghệ giày dép của Framas Việt Nam, cho biết lý do chọn Việt Nam để mở nhà máy vì cơ sở vật chất vượt trội so với các địa điểm khác. "Việc thành lập nhà máy mới là một phần trong chiến lược của Tập đoàn nhằm phát triển lĩnh vực giày dép tại Việt Nam", ông Urban nói.
CEO Cushman & Wakefield nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển nhưng có nhiều tiềm năng phát triển vượt bậc trong vòng 5-10 năm nữa khi Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao và sự lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ là những xung lực thúc đẩy thị trường logistics phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận