Lần đầu tiên sàn thương mại điện tử giảm giá tôm hùm nhân dịp Black Friday
Không chỉ hàng thời trang, công nghệ, khá bất ngờ khi hàng loạt trái cây, rau củ, thủy hải sản trong và ngoài nước cũng được rầm rộ giảm giá nhân Black Friday trên sàn thương mại điện tử.
Tôm hùm lên sàn thương mại điện tử "chạy giảm giá" Black Friday
Nếu như trước đây, người tiêu dùng luôn giữ thói quen đi chợ truyền thống để mua "mớ rau, con cá" thì hiện nay không ít thực phẩm tươi sống được bán trực tuyến, từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Shopee, Tiki…
Đáng nói là, mức giá tại các sàn khá cạnh tranh, đôi dịp "hời" hơn cả chợ hải sản hay nhà hàng hải sản với cùng loại thực phẩm tươi sống, kèm dịch vụ chuyển tận nhà.
Lướt xem khuyến mại trên các sàn TMĐT nhân Black Friday, bên cạnh những chương trình giá tốt cho các mặt hàng quen thuộc như thời trang, công nghệ hay đồ gia dụng, khá bất ngờ khi hàng loạt trái cây, rau củ, thủy hải sản trong và ngoài nước cũng được giảm giá.
Đơn cử, tôm hùm Alaska được rao bán với giá 979.000 đồng/kg, mức giảm dưới 1 triệu đồng cho mặt hàng hải sản cao cấp còn tươi sống này trên sàn TMĐT đang rẻ hơn các nhà hàng 200.000 – 300.000 đồng/kg tôm.
Tôm hùm Alaska size 500gram/con cũng đang có giá "mềm" hơn một chút, ở mức 455.000 đồng/kg. Ngoài mua lẻ, việc mua theo combo từ 3 con trở lên trên sàn sẽ được hưởng thêm các ưu đãi.
Các mặt hàng rau xanh như cải bó xôi, cải thìa, măng tây… cũng được điều chỉnh giảm giá để hút khách, với mức giảm từ 13-30%.
Dù vậy, các đợt hàng thực phẩm có giá tốt vẫn chưa thực sự phong phú và thường sẽ được triển khai vào các khung giờ vàng trong ngày Black Friday 27/11. Do đó, khách hàng phải chờ đợi để "canh" được đúng đợt mở bán.
Chị Thùy Anh, trú tại Đống Đa chia sẻ, việc mua hàng giảm giá trên sàn thương mại điện tử có lợi thế không phải xếp hàng, chen lấn, cũng được chuyển hàng tới tận nhà. Dù vậy, việc chưa có nhiều kinh nghiệm "săn sale" vào những dịp như Black Friday khiến chị khá lúng túng.
"Nhiều đợt hàng giá tốt sẽ giảm vào đúng 0h, không tiện lắm. Hơn nữa, không rõ chất lượng hàng tươi sống có đảm bảo không", Thùy Anh tâm sự.
Phân vân của Thùy Anh không phải không có lý bởi thói quen mua thực phẩm truyền thống là cần lựa chọn, quan sát mặt hàng có tươi ngon hay không. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng khá lạc vào "ma trận" giảm giá, bởi các mức giảm khác nhau giữa các kênh bán hàng.
"Mặc dù có thể đề giảm giá 60% nhưng đó là giá giảm so với hồi đầu năm, khi giá hải sản vẫn đang đắt đỏ. Thực chất, một vài mặt hàng chỉ giảm nhẹ, từ 5-8% so với trước đợt Black Friday. Dù vậy, cũng có thể tiết kiệm được đôi chút chi phí. Tất nhiên, cần hỏi kĩ về chính sách vận chuyển, tránh giảm tiền hàng nhưng mất nhiều tiền ship", Thu Huệ, trú tại Hoàng Cầu nói.
Mảnh đất màu mỡ của TMĐT
Một vài năm trước, người tiêu dùng mua sắm thông qua các kênh thương mại điện tử tập trung nhiều vào các lĩnh vực như du lịch, thời trang và sách. Ngành hàng thực phẩm tươi sống là "chiến tuyến cuối cùng" mà TMĐT chưa chinh phục được, bởi hàng loạt thách thức về nguồn cung, cách bảo quản phức tạp, thói quen mua sắm, thời gian giao hàng nhanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhưng thời gian gần đây, đã có sự gia tăng mặt hàng thực phẩm tươi sống, trái cây tươi, đồ ăn đã qua chế biến trên tất cả các sàn
Ngay khi nhóm hàng tạp hoá tăng trưởng nóng, giữa tháng 4, Lazada đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tung thêm nhóm hàng thực phẩm tươi sống gồm thịt heo, thịt bò trong nước và nhập khẩu, rau củ quả. Sàn này chọn cách kết nối với các nhà cung cấp chuyên về thịt mát, thịt nhập khẩu để phân phối lại cho khách hàng.
Trên Shopee, sàn này lại chuyên về loại thực phẩm tươi sống nhập khẩu như thịt bò Mỹ, Úc, tôm hùm… Sau Lazada, Shopee, bắt đầu từ tháng 5, thịt cá, trái cây, rau củ quả từ nội đến ngoại cũng bắt đầu có mặt trên sàn thương mại điện tử Tiki. Bên cạnh đó, các loại hải sản như tôm hùm, hàu sữa, cá thu, cá hồi… được bán phong phú.
Các sàn bắt đầu chú ý đến nhu cầu sơ chế trước thực phẩm hoặc chế biến sẵn như canh khoai sọ sườn non, canh bầu nấu tôm, cá kho… để chuyển cho khách. Các đơn được giao trong vòng 2h đồng hồ để thực khách chế biến, bảo quản.
Thậm chí, có sàn chấp nhận 1 đổi 1 tận nhà cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống để "câu" khách.
Sang 2020, ở góc độ tích cực, dịch Covid-19 và sự thay đổi thói quen tiêu dùng đang tạo điều kiện cho thương mại điện tử bật xa hơn dự kiến. Nielsen Việt Nam cho biết, các khảo sát Nielsen thực hiện gần đây đã chỉ ra rằng, xu hướng mua online thay đổi khi các số lượng đơn hàng về thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên còn nhóm hàng thời trang, phi thực phẩm giảm đi.
Sự cởi mở với mua thực phẩm tươi sống online này phần lớn do khách hàng được cung cấp các lựa chọn mua hàng đa dạng và có mức độ đảm bảo chất lượng nhất định, cùng đó là chương trình khuyến mại tiết kiệm chi phí.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận