Làm rõ phát ngôn 'chưa ai khốn khổ' của ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM
'Ý của tôi không phải như vậy. Ý của tôi là không để ai thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ. Trách nhiệm của mình phải lo cho bà con như thế', Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn nói lại cho rõ.
Tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM chiều qua (18.10), Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết ngày 25.6.2021, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 09, nghĩa là thành phố ban hành chính sách an sinh sớm hơn Chính phủ, chứng tỏ thành phố rất quan tâm đến an sinh xã hội. Sau đó, Chính phủ có Nghị quyết 86 với mục tiêu không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ.
Ông Tấn giải thích nghị quyết của HĐND TP.HCM khẳng định không để ai thiếu ăn thiếu mặc chứ không phải yêu cầu tất cả mọi người đều được nhận đầy đủ chính sách. Bên cạnh hỗ trợ từ ngân sách thì còn có hỗ trợ từ mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM bế mạc trưa 19.10. Ảnh: NGUYÊN VŨ
“5 tháng qua, dịch bệnh ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa có ai khốn khổ. Chúng ta đứng ở góc độ như thế mới thấy được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM, các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm”, ông Tấn nói tại phiên thảo luận hôm qua.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết hiện thành phố đã chi gần 8.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân; các tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm cũng hỗ trợ khoảng 8.000 tỉ đồng để bảo đảm bà con không ai thiếu ăn thiếu mặc, không ai khốn khổ. Mỗi gói an sinh có căn cứ pháp lý khác nhau, chính sách khác nhau, giai đoạn khác nhau nên không thể đánh đồng.
Cụ thể, gói 1 thực hiện từ tháng 6.2021 dành cho một số lao động tự do gặp khó khăn. Gói 2 vào tháng 7.2021 mở rộng thêm một số đối tượng, sau đó là gói 2 “cộng” mở thêm một số đối tượng nữa vì giãn cách kéo dài người dân càng khổ.
Đến tháng 9.2021, thành phố ban hành gói hỗ trợ lần 3 trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội tăng cường, gói hỗ trợ này không phân biệt hộ khẩu thường trú, tạm trú hay lưu trú.
Dù vậy, do số lượng người dân thuộc diện được hỗ trợ quá lớn, như gói 3 hiện gần 6,5 triệu người nên đâu đó vẫn còn người gặp khó khăn nhưng chưa nhận được gói hỗ trợ nên các phường, xã sẽ rà soát, bổ sung.
Những thông tin trên được báo chí đăng tải tròng tối 18.10 đã khiến dư luận xôn xao với phát ngôn “chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ vì dịch” vì nhiều người cho rằng bản thân họ vẫn chưa nhận được hỗ trợ mặc dù thực sự gặp khó khăn.
"Ý của tôi không phải như vậy"
Trưa nay (19.10), sau khi kỳ họp thứ 3, HĐND TPHCM khóa X bế mạc, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Tấn đã trao đổi thêm với báo chí về phát ngôn gây tranh cãi này.
Ông Tấn tiếp tục khẳng định quan điểm “không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ” của TP.HCM và cho biết đến nay đã hỗ trợ hơn 10 triệu lượt người thông qua 3 gói hỗ trợ, hiện đang tiếp tục thực hiện gói 3.
Trước câu hỏi của phóng viên về phát ngôn được dư luận bàn tán, ông Tấn cho biết hôm qua tại phiên thảo luận tổ với khoảng 30 đại biểu và một số sở ngành cùng phóng viên báo, đài dự.
“Ý của tôi không phải như vậy không. Tại anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy. Tôi không nói câu 'chưa có ai khốn khổ, khó khăn' mà ý của tôi là 'không để ai thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ'. Trách nhiệm của mình phải lo cho bà con như thế”, ông Tấn nói lại cho rõ.
Theo ông Lê Minh Tấn, nhiều người khó khăn, khổ sở trong đại dịch vừa qua, đây là nằm ngoài ý muốn của bà con cũng như thành phố. Dù vậy, với khối lượng người cần hỗ trợ lớn, quá trình thực hiện của các đơn vị khó tránh khỏi việc bỏ sót. Tuy nhiên, thành phố xác định, bỏ sót đến đâu, hỗ trợ đến đó và rà soát bổ sung để kịp thời hỗ trợ. Nếu người dân có tên trong danh sách được hỗ trợ đã về quê, thành phố sẽ chờ bà con lên lại thành phố để chi hỗ trợ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường