Lạm phát tăng cao do phi toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa đã giúp các ngân hàng trung ương dễ dàng duy trì lạm phát thấp trong thời gian dài. Tuy nhiên, quá trình phi toàn cầu hóa đang có nguy cơ gây ra tác động ngược lại. Nếu quá trình này vẫn còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới thì chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt hơn nữa.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Shang-Jin Wei và Tao Wang
Làn sóng lạm phát cao ở những nền kinh tế phát triển dường như đã khiến các ngân hàng trung ương ngạc nhiên và nhanh chóng trở thành nỗi lo hàng đầu của người dân. Trong khi thắt chặt tiền tệ là cần thiết, vai trò của các yếu tố cấu trúc cũng cần được chú ý. Cụ thể, bên cạnh sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19; các cú sốc về giá cả thực phẩm và năng lượng do cuộc chiến Ukraine gây ra, các nhà hoạch định chính sách cũng phải thừa nhận một cách rõ ràng hơn về hậu quả lạm phát của quá trình phi toàn cầu hóa.
Trong suốt hai thập kỷ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, làn sóng toàn cầu hóa dường như không thể ngăn cản. Khối lượng thương mại toàn cầu tăng znhanh hơn gấp đôi so với GDP. Tự do hóa thương mại và đầu tư ở các nước đang phát triển ở châu Á, châu Mỹ Latinh, Trung và Đông Âu đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ phân bổ lại các chuỗi sản xuất hàng hóa cuối cùng và trung gian xuyên biên giới.
Quá trình siêu toàn cầu hóa trong thời kỳ này và đặc biệt là sự tham gia của Trung Quốc vào các danh mục đầu tư và thương mại thế giới, đã giúp giảm áp lực lạm phát ở các nền kinh tế phát triển. Ví dụ, khi lạm phát tổng thể hàng năm của Mỹ dao động quanh mức 2%, lạm phát hàng hóa thường vào khoảng 1%. Trong khi giá nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ các nước công nghiệp của Mỹ tăng 33% trong giai đoạn 1990-2008 thì giá hàng hóa từ các nước đang phát triển chỉ tăng 3.4%. Bên cạnh đó, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có mức tăng giá thấp nhất.
Áp lực giảm lạm phát từ Trung Quốc là kết quả của các cải cách kinh tế bền vững và các khoản đầu tư của các công ty quốc tế vào nước này. Trung Quốc đã giảm mức thuế trung bình từ hơn 40% vào đầu những năm 1990 xuống còn 15% khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (VTO) vào năm 2001 và khoảng 8% trong những năm tiếp theo. Tự do hóa kinh tế và khả năng tiếp cận thị trường thế giới đã thúc đẩy các doanh nhân Trung Quốc trong nước thành lập các công ty trước những cơ hội ngày càng tăng.
Trong khi đó, việc Trung Quốc khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cùng với chi phí lao động thấp và cơ sở hạ tầng tương đối tốt, đã thu hút các công ty quốc tế. Điều này đã biến Trung Quốc thành một trong những nước nhận FDI lớn nhất và là “công xưởng của thế giới”. Các công ty nước ngoài chiếm từ một phần ba đến một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong ba thập kỷ trước.
Bằng cách cho phép hàng nhập khẩu giá rẻ thay thế các sản phẩm nội địa đắt tiền hơn, toàn cầu hóa đã có tác động khử lạm phát trực tiếp đối với các nền kinh tế phát triển. Nó cũng giúp làm cho hàng hóa sản xuất trong nước trở nên cạnh tranh hơn và làm hạn chế khả năng tăng lương của người lao động.
Tuy nhiên, việc phát động một loạt cuộc chiến thương mại và đặc biệt là tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2018 và 2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn chí tử vào toàn cầu hóa. Hành động của Trump đã đẩy giá hàng hóa của Mỹ lên cao. Hậu quả trực tiếp là các hộ gia đình Mỹ hiện phải trả giá cao hơn đáng kể cho hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Hậu quả gián tiếp là giá hàng nhập khẩu của Mỹ từ các nước khác và các dịch vụ khác cũng cao hơn.
Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dù đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc nhưng vẫn chưa hủy bỏ hàng rào thuế quan của Trump. Trên thực tế, áp lực phi toàn cầu hóa ở Mỹ và các nơi khác đã gia tăng trong vài năm qua trong bối cảnh những lo ngại về an ninh quốc gia và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Có vẻ như được truyền cảm hứng từ các biện pháp này của Mỹ, nhiều quốc gia khác gần đây đã áp dụng thuế nhập khẩu hoặc các rào cản thương mại khác, dẫn đến áp lực tăng giá hàng hóa. Kế hoạch của Mỹ và một số quốc gia châu Âu dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng về quốc gia nguồn gốc (reshoring) hoặc các quốc gia thân thiện (friend-shoring) sẽ dẫn đến giá cả nội địa cao hơn.
Tương tự, Trung Quốc có các chính sách công nghiệp lâu đời nhằm tăng cường “khả năng tự lực”. Việc áp dụng chiến lược “lưu thông kép” gần đây để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên nhu cầu và nguồn cung trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, sẽ có tác động tương tự đến giá cả.
Mặc dù những bàn luận về phi toàn cầu hóa hiện đang chuyển thành chính sách thực tế, nhưng hậu quả của lạm phát sẽ chỉ được cảm nhận theo thời gian. Vào năm 2019, Kristin Forbes, cựu thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh, đã đặt một câu hỏi quan trọng: “Nếu hiệu ứng khử lạm phát của toàn cầu hóa trước đây khiến các ngân hàng trung ương dễ dàng duy trì lạm phát thấp thì quá trình phi toàn cầu hóa có gây ra các tác động ngược lại hay không?”
Nếu quá trình phi toàn cầu hóa diễn ra một cách tràn lan và không được kiểm soát, các ngân hàng trung ương có thể cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều hơn những gì họ đã làm. Biện pháp chống lại những hậu quả của phi toàn cầu hóa của một quốc gia có thể khiến các quốc gia khác học theo hoặc buộc phải tuân theo, có khả năng làm sai lệch mô hình sản xuất và thương mại toàn cầu. Cuối cùng, tình trạng của mọi quốc gia đều trở nên tồi tệ hơn. Do đó, thế giới cần một số quy tắc toàn cầu, một cách hợp lý nhất là thông qua WTO và G20, để xây dựng khuôn khổ cho chính sách của các quốc gia trong lĩnh vực này.
Một cách tiếp cận tập thể như trên sẽ hạn chế tác động lạm phát tăng cao của quá trình phi toàn cầu hóa và ngăn ngừa nguy cơ các ngân hàng trung ương phải đạp phanh quá mạnh. Điều đó sẽ giúp giảm khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu, hoặc ít nhất là làm cho quá trình suy thoái trở nên bớt nghiêm trọng hơn.
Giới thiệu về tác giả Shang-Jin Wei và Tao Wang
Shang-Jin Wei là cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Ông còn là Giáo sư Tài chính và Kinh tế tại Đại học Columbia.
Ông từng là cố vấn cho nhiều tổ chức như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các công ty tư nhân như PricewaterhouseCoopers.
Nguồn: Speakers Associates
Tao Wang là kinh tế trưởng và đồng thời kiêm chức trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á của Ngân hàng đầu tư UBS. Trước khi gia nhập UBS, bà Tao Wang là chuyên gia kinh tế cao cấp tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nguồn: Wikipedia
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận