menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Bùi

Lạm phát gây khó cho chính sách tiền tệ của Ấn Độ

Mặc dù nền kinh tế báo sẽ suy giảm tới 7,7% trong năm tài chính 20/21, thế nhưng từ mấy tháng nay, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) vẫn “án binh bất động” không dám cắt giảm thêm lãi suất do lạm phát tại nước này đang vượt xa mức mục tiêu mà RBI đưa ra.

Lo áp lực lạm phát

Áp lực lạm phát và diễn biến nền kinh tế sẽ quyết định các động thái chính sách tiền tệ trong tương lai, một thành viên trong Ủy ban chính sách tiền tệ của RBI cho biết. Phát biểu với tư cách cá nhân, Ashima Goyal - thành viên trong Ủy ban chính sách tiền tệ của RBI và là Giáo sư kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Indira Gandhi của Ấn Độ cho biết, Ủy ban chính sách tiền tệ của RBI rất “lo lắng về lạm phát”. “Lạm phát đã vượt quá mục tiêu của chúng tôi trong vài tháng qua, nhưng trong tháng trước, nó đã giảm xuống”, bà nói với kênh “Street Signs Asia” của CNBC hôm 7/1.

RBI đã giữ nguyên lãi suất cơ bản suốt từ tháng 5/2020 đến nay mà nguyên nhân một phần cũng bởi áp lực lạm phát. Theo đó, lạm phát tại Ấn Độ vẫn cao hơn phạm vi mục tiêu của RBI là từ 2% đến 6% trong mấy tháng qua. Nhưng trong tháng 11, lạm phát tại Ấn Độ đã giảm xuống 6,93% do giá thực phẩm giảm. Một số nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ giảm bớt vào tháng 12 cũng như vào đầu năm 2021.

“Do áp lực lạm phát, RBI đã giữ nguyên, không giảm lãi suất sau những lần cắt giảm đầu năm ngoái. Nhưng trong vài tháng qua, lạm phát đã ổn định”, Goyal nói và nhấn thêm, "chúng tôi nghĩ rằng lạm phát sẽ quay trở lại trong biên độ mục tiêu". Tuy nhiên bà không nêu chi tiết bất kỳ mốc thời gian cụ thể nào về thời điểm lạm phát có thể giảm xuống dưới 6%.

Khi được hỏi về động thái tương lai của RBI đối với lãi suất, Goyal cho biết Ủy ban chính sách tiền tệ sẽ đưa ra quyết định "dựa trên dữ liệu". “Chúng tôi sẽ theo dõi điều gì xảy ra với lạm phát và sự phục hồi đang hình thành như thế nào”, bà nói thêm.

Cho đến nay các nhà kinh tế tỏ ra không mấy ấn tượng với các biện pháp kích thích tài khóa của chính phủ Ấn Độ được công bố vào năm ngoái để phục hồi tăng trưởng, thậm chí một số ý kiến còn cho rằng, điều đó sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho RBI trong ngắn hạn.

Suy giảm mạnh nhất từ năm 1952

Trong khi đó, Bộ Thống kê Ấn Độ giữa tuần trước cho biết trong ước tính trước đầu tiên của mình là GDP của Ấn Độ sẽ giảm 7,7% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021. Đây là mức suy giảm mạnh nhất của kinh tế Ấn Độ từ năm 1952 và cũng cao hơn dự báo giảm 7,5% của RBI cũng như các nhà kinh tế.

Hiện nền kinh tế Ấn Độ đã rơi vào suy thoái sau hai quý suy giảm liên tiếp mà nguyên nhân cũng bởi sự lây lan nhanh chóng các ca nhiễm coronavirus và các biện pháp ngăn chặn đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Nhưng không giống như nền kinh tế Đông Nam Á, dự kiến sẽ kéo dài sự suy giảm trong năm thứ hai liên tiếp vào năm 2021, các nhà kinh tế dự báo Ấn Độ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tài chính tiếp theo bắt đầu từ ngày 1/4/2021, nhờ một loạt các bước tài khóa và tiền tệ.

Ngân hàng Thế giới gần đây cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ phục hồi lên 5,4% vào năm 2021 và cho biết: "sự phục hồi từ mức thấp được bù đắp bởi tăng trưởng đầu tư tư nhân bị giảm sút do sự yếu kém của khu vực tài chính".

“Trong khi tăng trưởng toàn cầu yếu và bất ngờ về kiểm soát đại dịch trong nước là những rủi ro chính trong ngắn hạn, về trung hạn, các điều kiện tài chính dễ dàng hơn, nhu cầu toàn cầu mạnh hơn và tiêm chủng tăng tốc có thể dẫn đến một đà tăng trưởng kinh tế vào năm 2021”, Sonal Varma và Aurodeep Nandi - các nhà kinh tế tại Nomura Holdings Inc. ở Singapore cho biết.

Hiện nhiều ý kiến đang kêu gọi cần có sự hỗ trợ mạnh hơn từ tài khóa và tiền tệ để nền kinh tế phục hồi. Được biết Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman sẽ trình ngân sách hàng năm của chính phủ vào ngày 1/2/2021, Ủy ban chính sách tiền tệ của RBI sẽ quyết định về lãi suất vào cuối tuần đó.

Các nhà kinh tế của Citi cho biết trong một báo cáo mới đây rằng, dữ liệu cho thấy quan điểm của chính phủ Ấn Độ là "ít bấp bênh hơn" trước khi trình bày ngân sách tài khóa vào ngày 1/2/2021. Theo đó, mặc dù chi tiêu liên quan đến kích thích của chính phủ trong các lĩnh vực như nông nghiệp và nông thôn đang suy yếu, nhưng đang có động lực chi tiêu từ các bộ liên quan đến cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sắt, giao thông đường bộ, nước và nhà ở.

Nếu như việc hạn chế chi tiêu của Chính phủ là lực cản đối với tăng trưởng trong quý thứ hai của năm tài chính 2020/2021 của Ấn Độ (kết thúc vào ngày 31/3/2021), các nhà kinh tế học của Citi cho biết, “xu hướng chi tiêu trong (quý thứ ba) sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi tăng trưởng”. Đặc biệt việc chính phủ đạt được tổng thu nhập từ thuế tốt hơn dự kiến trong những tháng gần đây cho thấy “một vị thế tài khóa ít thách thức hơn”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả