Lãi vay ngân hàng giảm dần cuối năm
Sau khi thực hiện điều chỉnh biểu lãi suất huy động (VND) ở các kỳ hạn theo quy định của NHNN, các ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN mở rộng sản xuất – kinh doanh cũng như kích thích tiêu dùng dịp cuối năm. Nhưng vay ở ngân hàng n
Mạnh tay giảm lãi suất
Kể từ ngày 19/11/2019, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao đã được giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm. Theo các chuyên gia, động thái này của NHNN nhằm hỗ trợ DN cũng như kích thích tăng trưởng nền kinh tế.
Hưởng ứng chủ trương trên của NHNN, các ngân hàng đã nhanh chóng nhập cuộc giảm lãi suất cho vay, không chỉ với DN mà cả cho đối tượng khách hàng cá nhân để kích thích tiêu dùng dịp cuối năm. Không chỉ Vietcombank, BIDV giảm lãi suất cho vay thêm 0,2% - 0,5%/năm, duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm mà hiện nhiều ngân hàng nhỏ đã giảm theo.
Đơn cử Nam A Bank vừa chính thức giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5%/năm – 1,5%/năm đối với khách hàng cá nhân, giảm từ 0,2%/năm – 0,5%/năm đối với khách hàng pháp nhân. Theo đó, mức giảm lãi suất cho vay được Nam A Bank áp dụng tùy theo từng mục đích vay, thời hạn vay, đồng thời ưu tiên đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp, dịch vụ… Thông qua việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, Nam A Bank muốn cùng đồng hành và hỗ trợ kịp thời cho nhu cầu sử dụng vốn của khách hàng.
Nhiều ngân hàng khác cũng giảm mạnh lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. MSB giảm 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp. Vietbank dành 500 tỷ đồng cho DN lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ … lãi vay chỉ 7%/năm. ABBank dành hạn mức 2.500 tỷ đồng cho DNNVV với lãi suất cho vay cố định 3 tháng đầu chỉ từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu chỉ từ 8,3%/năm.
Kienlongbank cũng triển khai gói tín dụng 600 tỷ đồng, lãi vay 0,7%/tháng. Tùy theo mục đích vay vốn, khách hàng cá nhân có thể vay từ 50 triệu đồng đến 10 tỷ đồng, thời hạn lên đến 84 tháng. Với DN, khoản vay được áp dụng tối thiểu từ 200 triệu đồng thời hạn 12 tháng. Bà Trần Tuấn Anh - thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, Kienlongbank đã điều chỉnh mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân.
Áp lực chi phí vẫn cao
Để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn cũng đã được kéo giảm kể từ ngày 19/11. Cụ thể, trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 1 tháng đã được kéo giảm xuống còn 0,8%/năm từ mức 1%/năm trước đó; trần lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng giảm xuống còn 5%/năm thay vì 5,5 %/năm.
Ngay sau quyết định của NHNN, các ngân hàng đã lập tức điều chỉnh biểu lãi suất huy động của mình về đúng như quy định. Theo đánh giá của công ty chứng khoán SSI, quyết định này của NHNN đã có những tác động nhất định đến lãi suất huy động trên thị trường 1.
Cụ thể, ngoại trừ 4 NHTM nhà nước và một vài NHTM lớn, lãi suất huy động các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng của hầu hết các NHTM trong những tháng gần đây đều đang ở mức 5.5%/năm nên khi trần lãi suất huy động giảm, một loạt các NHTM cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở kỳ hạn này về mức 5%/năm kể từ ngày 19/11/2019. Điểm đáng chú ý là các kỳ hạn dài hơn cũng đã bắt đầu giảm, rõ rệt nhất là ở nhóm các NHTM có thị phần nhỏ (giảm 20-30bps), thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm các NHTM lớn. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động trong khoảng 4,1-5,0%/năm, từ 6 đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,5-7,5%/năm và từ 12-13 tháng là 6,4-7,9%/năm.
Thế nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động trung – dài hạn tại các ngân hàng vẫn không có nhiều thay đổi. Theo các chuyên gia, sở dĩ như vậy là bởi việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tạo áp lực huy động vốn trung dài hạn đối với các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay trung dài hạn lớn và điều đó sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động trung - dài hạn chưa thể giảm. Bên cạnh đó do giai đoạn cuối năm nhu cầu tín dụng cũng thường tăng cao, nên các ngân hàng cũng không dám giảm mạnh lãi suất huy động nhằm hút vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng của DN.
Do lãi suất huy động trung – dài hạn vẫn chưa giảm khiến lãi suất cho vay trung – dài hạn cũng chưa thể giảm tương ứng. Đáng chú ý là ở lĩnh vực phi sản xuất, kinh doanh như: tiêu dùng, vay mua nhà lãi suất được các nhà băng áp dụng có xu hướng tăng, thay vì giảm. Hiện lãi vay mua nhà phổ biến tại các ngân hàng 12-13%/năm. Còn mức ưu đãi 9-10%/năm chỉ được một vài nhà băng áp dụng trong khoảng thời gian 3-6 tháng, sau đó cộng thêm biên độ khoảng 3,5-4%/năm. Sở dĩ lãi vay ở các lĩnh vực này khó giảm, do chi phí đầu vào hiện vẫn được các nhà băng điều chỉnh tăng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán SSI, do lạm phát nên lãi suất thị trường 1 sẽ khó giảm trong tháng 12. Tuy nhiên, sang năm 2020, với dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh sau Tết Nguyên đán, lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5%-1% từ đó kéo giảm lãi suất cho vay. Các kỳ hạn dài trên 12 tháng sẽ giảm chậm hơn do các quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và vẫn có sự phân hóa lãi suất giữa các nhóm NHTM lớn và nhỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận