24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lãi suất tiết kiệm khó sớm tăng trở lại

Mặc dù huy động vốn tăng chậm hơn tín dụng vì sự e ngại lạm phát còn nguyên, nhưng tác động tiêu cực của dịch bệnh sẽ níu lãi suất khó sớm tăng trở lại.

Huy động vốn đang chậm hơn tăng trưởng tín dụng

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng gần đây đột ngột tăng mạnh sau một thời gian khá dài duy trì ở mức thấp. Nếu như hồi đầu tháng 4/2021, lãi suất bình quân tiền đồng giao dịch liên ngân hàng ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng chỉ từ 0,25 - 1,27%/năm thì đến ngày 28/4/2021, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên 1,2%/năm, 1 tuần là 1,46%/năm, 2 tuần là 1,33%/năm, 1 tháng là 1,5%/năm.

Thời điểm này, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng lên, với mức 1,21%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 1,53%/năm với kỳ hạn 1 tháng. Như vậy, đến nay, lãi suất liên ngân hàng đã tăng gấp 2 - 3 lần so với cách đây gần 2 tháng. Điều này đang dấy lên lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh là do nhu cầu nhận nguồn tăng ở một số ngân hàng thương mại lớn. Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì lý giải, điều này xuất phát từ cầu tín dụng tăng mạnh, trong khi mức tăng cung vốn thấp hơn, không đáp ứng nhu cầu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng cho vay của các ngân hàng trong các tháng đầu năm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của dòng vốn huy động. Cụ thể, tính từ đầu năm cho tới 19/3/2021, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng là 0,54%, trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng lên tới 2,93% so với đầu năm.

"Tháng 4 là tháng thứ hai kể từ đầu năm tới nay, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng dương trở lại" Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM

Số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước cập nhật cho thấy, tính đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020; tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020.

Đáng chú ý hơn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/4/2021 ước đạt 2.610.000 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước và tăng khoảng 3,01% so với cuối năm 2020. Thông thường mọi năm, tín dụng tăng chậm trong quý I, song năm nay lại bật tăng mạnh ngay từ đầu năm, giúp nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong quý I/2021 và đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tham vọng cho năm 2021.

Trong khi đó, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đến ngày 30/4/2021 ước đạt 2.927.000 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm trước. Ông Minh cho biết, tháng 4 là tháng thứ hai kể từ đầu năm tới nay, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tăng trưởng dương trở lại. Trước đó, huy động vốn trên địa bàn tháng 3/2021 tăng trưởng 0,76% so với tháng trước, trong khi hai tháng đầu năm, chỉ tiêu này lần lượt âm 0,26% và âm 0,25%.

Tìm hiểu chỉ số LDR (tỷ lệ dư nợ trên tổng huy động vốn) tại 16 ngân hàng niêm yết cho thấy, trong 16 ngân hàng niêm yết, chỉ VietinBank, HDBank có LDR quý I/2021 giảm so với cuối năm 2020. Mức giảm này cũng không đáng kể, chỉ 0,8 điểm phần trăm.

Trong khi đó, 14 ngân hàng niêm yết còn lại có tỷ lệ LDR cao hơn so với cuối năm 2020. Nổi bật nhất là MSB, với mức tăng 6,81 điểm phần trăm, từ 90,66% lên 97,475%. Tiếp sau là VPBank, với mức tăng 5 điểm phần trăm, từ 124,58% lên 129,58%, đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ LDR cao nhất theo khảo sát.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng ở chỉ số LDR, gồm BIDV (tăng 1,63 điểm phần trăm), MBBank (tăng 2,88 điểm phần trăm), Techcombank (tăng 3,06 điểm phần trăm), ACB (tăng 3,89 điểm phần trăm), VIB (tăng 0,41 điểm phần trăm)...

Chỉ số LDR ở hầu hết ngân hàng đều tiệm cận 100% hoặc hơn, rất ít ngân hàng loanh quanh 85% như Agribank (83%). Đây là kết quả của một quá trình tái cơ cấu 8 năm, kể từ năm 2013.

Lãi suất chỉ tăng nhẹ nửa cuối năm

So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng quý I/2021 ở mức 2,93%, cao hơn mức tăng trưởng 1,31% của quý I/2020. Ngân hàng Nhà nước dự báo, tín dụng có thể tăng trưởng mạnh mẽ từ quý II/2021 và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đề ra cho cả năm 2021. Còn theo ước tính của SSI Research, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 13 - 14%.

Các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay. Chẳng hạn, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức hơn 14.600 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 25-30% so với năm 2020. Theo đó, “tín dụng sẽ tăng trưởng theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước giao, phấn đấu ở mức cao nhất”; tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%.

VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 31%, trong khi “room” tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp cho Ngân hàng chỉ có 8%.

MSB cũng đặt mục tiêu tín dụng tăng 25%. Tương tự, OCB cũng đặt mục tiêu tín dụng tham vọng ở mức 25%...

Thông điệp điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, được ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và mục tiêu kiểm soát lạm phát, cơ quan này đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên tinh thần đồng hành và chia sẻ.

Hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào và mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay vẫn ổn định ở mức thấp so với đầu năm ngoái, sau khi Ngân hàng Nhà nước ba lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 1,5 – 2%/năm trong năm qua.

Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện đã xuống mức 4%/năm. Lãi suất tiết kiệm 6 tháng áp dụng với khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến cao nhất là 6,45%/năm, trong khi gửi tại quầy chỉ dao động quanh mức 3,8 - 6,25%/năm.

Với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất gửi online dao động từ 4 - 6,7%/năm, vị trí cao nhất thuộc Nam A Bank. Nếu gửi tại quầy ở kỳ hạn này, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 3,8 - 6,35%/năm.

Với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng gửi trực tuyến sẽ được áp dụng mức lãi suất từ 4,6 - 6,9%/năm và mức lãi suất cao nhất đang thuộc về Kienlongbank, Nam A Bank.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, trong nửa cuối năm 2021, khi cầu tín dụng và lạm phát có xu hướng cao hơn sẽ khiến lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng từ 0,3 - 0,5%/năm.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (DVSC) cũng dự báo, lãi suất có thể tăng nhẹ vào nửa cuối năm 2021. Theo DVSC, tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng lên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả