Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Theo ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Đầu tư UOBAM Việt Nam, chính sách tiền tệ nới lỏng không chỉ là yếu tố hỗ trợ mà còn đóng vai trò đòn bẩy chiến lược, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh nhiều bất định vĩ mô.
Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2025, đặc biệt dưới góc nhìn của nhà đầu tư?
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 tiếp tục mang sắc thái tích cực, khi loạt động lực nội tại được kích hoạt đồng bộ: từ chính sách đầu tư công quy mô lớn đến sự phục hồi tiêu dùng và thị trường bất động sản. Với kế hoạch chi khoảng 875.000 tỷ đồng cho đầu tư công – con số vượt xa mức giải ngân thực tế năm 2024 – Chính phủ đang khẳng định quyết tâm sử dụng khu vực công như một “mồi lửa” khơi thông dòng chảy đầu tư toàn hệ thống, qua đó lan tỏa niềm tin sang các ngành kinh tế khác.
Tuy nhiên, bức tranh không hoàn toàn chỉ phủ gam sáng. Một trong những thách thức lớn nằm ở diễn biến địa chính trị, đặc biệt nếu cục diện tại Mỹ chuyển hướng với nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump. Kịch bản áp thuế trở lại với hàng xuất khẩu Việt Nam không thể loại trừ, nhất là khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cùng với đó, áp lực tỷ giá USD/VND có thể gia tăng nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, ảnh hưởng đến chi phí vay nợ và hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Vậy theo ông, Việt Nam cần có đối sách ra sao để trung hòa những rủi ro này?
Khi chính sách thuế được sử dụng như một công cụ gây sức ép đàm phán – đặc biệt trong bối cảnh Mỹ ưu tiên lợi ích thương mại của chính mình – Việt Nam cần chủ động triển khai một hệ thống giải pháp “ba mũi giáp công”.
Thứ nhất, điều chỉnh cán cân thương mại song phương với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu các mặt hàng có giá trị lớn như khí hóa lỏng, máy bay và nông sản. Việc này không chỉ giúp giảm áp lực chính trị về thặng dư mà còn mở rộng tiếp cận công nghệ, nguồn nguyên liệu chiến lược.
Thứ hai, củng cố nội lực nền kinh tế qua ba trụ cột: đầu tư công, tiêu dùng nội địa và tăng trưởng tín dụng. Việc đẩy mạnh giải ngân các dự án hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và năng lượng, sẽ vừa tạo công ăn việc làm, vừa kích hoạt nhiều lĩnh vực liên thông. Trong khi đó, tín dụng hợp lý tạo dòng vốn nuôi dưỡng doanh nghiệp và tiêu dùng – hai thành tố cốt lõi để tăng trưởng bền vững.
Thứ ba, mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược toàn diện, giảm sự phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường chủ lực. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư sẽ là tấm đệm giúp nền kinh tế vững vàng trước biến động toàn cầu.
Ông nhận định thế nào về vai trò của công nghệ cao trong bức tranh kinh tế dài hạn?
Từ năm 2025 đến 2050, công nghệ cao được xác định là trục phát triển chiến lược mới của kinh tế Việt Nam. Trong đó, ngành bán dẫn – vốn đang trở thành "địa bàn tranh chấp" giữa các cường quốc – lại mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam. Việc Mỹ siết chặt nguồn cung công nghệ đối với Trung Quốc khiến nhiều tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các quốc gia có vị trí chiến lược, chi phí hợp lý và môi trường chính trị ổn định – những điều kiện mà Việt Nam đang dần hội đủ.
Thực tế, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ một số “ông lớn” ngành bán dẫn. Nếu biết chớp thời cơ, xây dựng chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, ngành công nghệ cao – đặc biệt là bán dẫn – sẽ trở thành một trụ cột vững chắc trong cấu trúc tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Vậy với thị trường chứng khoán, đâu là triển vọng và điểm nghẽn cần lưu tâm trong năm 2025?
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong năm 2025 nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố: tiêu dùng nội địa phục hồi, đầu tư công mở rộng, công nghệ cao tăng tốc và quá trình chuyển đổi số đang được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, định giá cổ phiếu hiện vẫn còn hấp dẫn, với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp (EPS) ở mức 15%, P/E và P/B tăng tương ứng 15% và chỉ số VN-Index có thể tăng 14% trong kịch bản lạc quan.
Hệ thống giao dịch mới KRX – dự kiến vận hành từ tháng 5/2025 – được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tính minh bạch, thanh khoản và hạ tầng giao dịch, tạo nền tảng cho việc nâng hạng thị trường lên nhóm “mới nổi” theo chuẩn FTSE. Điều này sẽ mở ra cánh cửa thu hút thêm dòng vốn ngoại trong trung – dài hạn.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu. Áp lực tỷ giá nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của thị trường trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, trong khi diễn biến thuế quan từ Mỹ cũng tác động tới tâm lý chung. Ngoài ra, việc thiếu vắng các thương vụ IPO quy mô lớn trong thời gian dài là một điểm nghẽn, khiến thị trường thiếu đi sức hút mới và chiều sâu cần thiết.
Chính sách tiền tệ hiện tại có đủ sức hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào thị trường không, thưa ông?
Chắc chắn có. Chính sách tiền tệ nới lỏng, mặt bằng lãi suất thấp đang tạo ra môi trường lý tưởng để dòng tiền rẻ dịch chuyển vào các kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời cao như chứng khoán. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, khả năng hấp thụ vốn của thị trường là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn còn tiềm ẩn rủi ro hoặc chưa thực sự hồi phục.
Ngoài ra, khi thị trường chứng khoán Mỹ trầm lắng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở các nền kinh tế châu Á đang trỗi dậy – trong đó có Việt Nam. Nếu quá trình nâng hạng thị trường diễn ra thuận lợi, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút thêm dòng vốn ngoại chất lượng và lâu dài.
Còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp – một mảnh ghép từng rất mong manh – liệu có thể hồi phục?
Có cơ sở để kỳ vọng. Việc thị trường trái phiếu đang dần ổn định trở lại, cùng với tín hiệu ấm lên từ bất động sản, sẽ tạo ra “hiệu ứng dây chuyền”. Khi các dự án bất động sản bắt đầu tiêu thụ được hàng, dòng tiền sẽ quay trở lại với doanh nghiệp, kéo theo khả năng trả nợ và niềm tin vào thị trường trái phiếu được củng cố.
Tuy nhiên, sự phục hồi này cần được quản lý chặt chẽ và minh bạch để tránh lặp lại những biến động tiêu cực từng xảy ra. Cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý cần phối hợp để đảm bảo dòng vốn chảy vào trái phiếu lành mạnh, bền vững và hiệu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường