Lãi suất sau tết của các ngân hàng trong nước và thị trường ngày 2/3
Thị trường Việt Nam hôm nay thứ Ba ngày 02/03 chuyển động với một số tin tức mới: Lãi suất sau tết của các ngân hàng trong nước, lạm phát tăng là một tín hiệu cảnh báo cho thị trường chứng khoán và dự án điện gió Liên Lập tại Quảng Trị vừa được cho thuê hơn 310.000m2 đất trong thời gian 50 năm… Dưới đây là nội dung chi tiết.
1. Lãi suất sau tết của các ngân hàng trong nước
Sau tết Âm lịch, hiện nay chỉ có duy nhất Kienlongbank duy trì mức trả lãi suất cao nhất trên 7% cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ kỳ hạn một năm. Một vài nhà băng quy mô nhỏ như NamABank, SCB, VietCapital Bank, CBBank, NCB... trả lãi kỳ hạn một năm trên 6,5%. Còn tại các ngân hàng khác, lãi suất cao nhất phổ biến từ 5,5% đến 6,5%.
Theo Vietstock, thống kê lãi suất ngân hàng huy động tại quầy và gửi online khảo sát tại 34 ngân hàng, áp dụng khoản tiền dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn một năm trở xuống, kết quả cho thấy mức lãi suất này là niêm yết chính thức, không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng khách (khách quen, VIP, gửi tiền nhiều). Trong đó, lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1% đến 0,2%, có nơi trả cao hơn 0,5% so với khi gửi tại quầy.
2. Lạm phát tăng là một tín hiệu cảnh báo cho thị trường chứng khoán
Năm 2020 là năm mà việc bơm tiền xảy ra trên khắp thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Việc chính sách tiền nới lỏng và tiền rẻ tiếp tục được duy trì là điều hiển nhiên để phục vụ phát triển kinh tế, nhưng việc nó có tiếp tục nới lỏng thêm, rẻ thêm hay không là câu chuyện khác, phụ thuộc vào khả năng tăng của lạm phát.
Nước Mỹ, nền kinh tế dẫn dắt các chính sách của thế giới, đang đứng trước lo ngại về lạm phát tăng trở lại, thể hiện qua lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng trở lại sau khi đạt mức thấp vào tháng 8 năm ngoái. Lạm phát tăng trở lại không hàm ý nó cao một cách đáng lo ngại, mà là nó cảnh báo rằng mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tăng lên, nghĩa là chính sách nới lỏng tiền tệ và tiền rẻ hơn nữa là ít khả năng xảy ra. Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới phản ánh dựa trên kỳ vọng này, chứ không phải lo ngại lạm phát cao. Giá tài sản phụ thuộc vào mặt bằng lãi suất vì nó ảnh hưởng tới tỷ suất chiết khấu chung làm cho tài sản không còn rẻ nữa.
Việt Nam cũng trong tình huống tương tự. Nếu nhìn vào lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm, nó đã giảm từ mức khoảng 3,5% vào cuối tháng 3 năm 2020 cho đến mức thấp 2,1% vào giữa tháng 1 năm 2021. Nhưng trong hơn một tháng qua, lợi suất trái phiếu này không giảm nữa mà đang nhích tăng dần trở lại lên 2,3%. Nhưng với việc kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng tốt, đồng thời Ngân hàng nhà nước cũng thể hiện quan điểm điều hành chặt chẽ ổn định trong hơn 10 năm qua thì chắc chắn rằng sẽ có chính sách phù hợp với tình hình lạm phát đang tăng
Tác động đến thị trường chứng khoán
Chỉ số định giá so sánh quan trọng là giá trên lợi nhuận (P/E) của thị trường chứng khoán thời kỳ trước đại dịch vào khoảng 14-17, không hề hấp dẫn so với gửi tiết kiệm với P/E khoảng 14 tương ứng với lãi suất tiết kiệm 7%/năm. Khi mặt bằng lãi suất giảm xuống, cùng với sự sụt giảm mạnh của thị trường hồi tháng 3/2020, tương quan định giá so sánh này thay đổi nhanh chóng dẫn tới sự chuyển dịch dòng tiền. Chỉ số P/E của thị trường chứng khoán rơi xuống mức hấp dẫn 11, hút mạnh dòng tiền và tăng từ đó cho đến nay, ở mức khoảng 18 lần, trong khi P/E của gửi tiết kiệm cũng tăng mạnh do mặt bằng lãi suất thấp đi.
Nếu mặt bằng lãi suất tiết kiệm một năm hiện tại vào khoảng 5-6% thì P/E của gửi tiết kiệm đang vào khoảng 16-20. Như vậy, có thể nói rằng tương quan hiện tại là trong vùng cân bằng, do gửi tiền tiết kiệm là lựa chọn an toàn trong khi đầu tư chứng khoán bao giờ cũng rủi ro hơn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nếu mặt bằng lãi suất không giảm hoặc tăng lên, định giá của gửi tiết kiệm sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn trong khi định giá của chứng khoán sẽ kém hấp dẫn hơn. Và đó chính là vấn đề tại sao xu hướng lạm phát đóng vai trò quan trọng.
3. Dự án điện gió Liên Lập tại Quảng Trị vừa được cho thuê hơn 310.000m2 đất trong thời gian 50 năm
UBND tỉnh Quảng Trị quyết định cho Công ty Cổ phần điện gió Liên Lập thuê 310.121,3m2 đất với mục đích thực hiện dự án Nhà máy điện gió Liên Lập. Trong đó, xã Tân Lập 259.112,0m2; tại xã Tân Liên 51.009,3m2 với thời hạn thuê đất đến ngày 24/1/2069; hình thức thuê đất: Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Bên cạnh đó, công ty cổ phần điện gió Liên Lập cũng được yêu cầu phải hoàn thành các thủ tục về môi trường, đầu tư, xây dựng… theo quy định của pháp luật trước khi triển khai xây dựng công trình. Ngoài ra trong quá trình triển khai và vận hành dự án không được làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, đi lại của người dân và các đơn vị có liên quan trong vùng dự án; không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các chủ sử dụng đất liền kề và có biện pháp hoàn thổ mặt bằng, trồng cây xanh đối với các hạng mục phụ trợ.
Dự án Nhà máy điện gió Liên Lập có tổng vốn đầu tư hơn 1.973 tỷ đồng, xây dựng tại các xã: Tân Liên, Tân Lập, Hướng Tân và thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, do Công ty Cổ phần điện gió Liên Lập làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành phát điện vào quý III năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận