Lãi suất ngân hàng liệu có giảm tiếp?
Lãi suất không có tín hiệu tăng trong thời điểm cận Tết Nguyên đán cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang rất dồi dào. Cùng với sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 trong xã hội, rất có thể các ngân hàng sẽ lại thận trọng hơn trong cấp tín dụng.
Khảo sát bảng lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng thương mại có thể thấy mặt bằng chung lãi suất trên thị trường dân cư không có nhiều biến động trong những tháng đầu năm 2021. Đáng chú ý, tuy là thời điểm cận tết nhưng lãi suất ngân hàng ở một số kỳ hạn vẫn điều chỉnh giảm nhẹ.
Lãi suất kỳ hạn 3 tháng phổ biến ở mức gần 4%/năm; lãi suất kỹ hạn 6 tháng phổ biến ở mức gần 6%/năm; lãi suất dài hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến quanh mức 7%/năm.
Theo bản tin thị trường tiền tệ của SSI, nhu cầu thanh khoản tăng lên khi Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng nguồn cung VND của các NHTM lớn vẫn rất dồi dào, lãi suất chỉ nhích nhẹ trên liên ngân hàng, chốt tuần ở mức 0,325%/ năm với kỳ hạn qua đêm và 0,463%/năm với kỳ hạn 1 tuần; Ngân hàng Nhà nước vẫn tạm dừng các giao dịch trên thị trường mở.
Trong một cuộc khảo sát mới đây của NHNN, các TCTD cho biết, dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2021 sẽ nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiều lĩnh vực ưu tiên và giảm thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng khác.
Theo các TCTD thì nền tảng để nới lỏng điều kiện cho vay là do triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá về triển vọng tín dụng quý 1/2021, các chuyên gia tài chính cho rằng, khó khăn của COVID-19 sẽ đẩy mạnh xu hướng vay tiêu dùng khi người dân có nhu cầu lớn trong chi tiêu dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, những ngân hàng nào chuyển đổi nhanh, thích nghi tốt có thể có cơ hội bứt phá trong huy động và cho vay thời điểm hiện tại.
Với doanh nghiệp, dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực. Những tác động của rủi ro tín dụng vốn đã tăng trong 2020, kì vọng sẽ giảm từ 2021 lại có thể tăng trở lại. Cùng với rủi ro của các khoản vay ngắn hạn tăng lên, đà thúc đẩy vốn của các TCTD khi COVID-19 bùng phát có thể sẽ chậm lại, bớt nới lỏng hơn.
SSI cho rằng, hiện tại, thanh khoản các NHTM vẫn rất tốt, cùng với đó là đợt bùng phát của dịch COVID-19 tại Việt Nam những ngày gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận