Lãi suất “hạ nhiệt” và loạt chính sách “nóng” hỗ trợ bất động sản tác động thế nào đến ngành thép?
Nghị quyết số 33 và Nghị định 08 của Chính phủ sẽ khơi thông vướng mắc của thị trường bất động sản. Điều này tác động trực tiếp đến hoạt động tiêu thụ thép thời gian tới khi 60% lượng tiêu thụ mặt hàng này đến từ ngành xây dựng.
Nghị quyết số 33 và Nghị định 08 sẽ tác động trực tiếp đến tiêu thụ thép
Trong hai tháng đầu năm, ngành thép vẫn tiếp tục khó khăn khi sản xuất và bán hàng giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường bất động sản trầm lắng.
Với hơn 60% sản lượng thép trong nước được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, điều này liên quan mật thiết tới thị trường bất động sản.
Kể từ giữa năm 2022, chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản, khiến cho nhu cầu thép xây dựng có phần chững lại. Mặc khác, việc giá thép biến động mạnh đã làm các dự án đầu tư công cũng như thi công xây dựng dân dụng bị đình trệ, kéo theo nhu cầu về mặt hàng này ở mức thấp.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,8 triệu tấn, giảm 23%, trong đó xuất khẩu giảm 10,4% xuống 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 Nghị định 08 tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, nhu cầu thép ở lĩnh vực xây dựng được kỳ vọng sẽ phục hồi.
Ông Đoàn Danh Tuấn - Phó chủ tịch VSA nhận định, Nghị quyết số 33 và Nghị định 08 của Chính phủ sẽ khơi thông vướng mắc của thị trường bất động từ đó dần ổn định và phục hồi trở lại. Điều này trực tiếp tác động tích cực đến hoạt động tiêu thụ thép thời gian tới.
Còn theo đánh giá của Chứng khoán VNDirect, Nghị quyết số 33 cùng với Nghị định 08 cho phép chủ đầu tư gia hạn nghĩa vụ trả nợ, sẽ làm giảm áp lực thanh khoản lên các chủ đầu tư trong ngắn hạn đáng kể và cho phép họ có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ của mình.
Ngoài ra, Nghị quyết 33 cùng với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng sẽ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tái cân bằng cung cầu. Đây là một trong hai động lực chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu thụ thép trong năm 2023, bên cạnh việc giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.
Trong kịch bản tốt việc triển khai các dự án đầu tư công và nhà ở xã hội năm nay sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ giúp ngành thép cải thiện hơn vào nửa cuối năm nay.
“Những yếu tố này dẫn tới tiêu thụ thép trong quý 3 và quý 4 năm nay có thể tăng trưởng mạnh”, ông Tuấn nhận định.
Ngoài ra, Phó chủ tịch VSA cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam được dự báo tích cực hơn so với thế giới cũng là yếu tố hỗ trợ giá thép trong thời gian tới.
Về dài hạn, VSA cho rằng nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và tập trung nhiều vào hợp kim hoặc thép chất lượng cao. Hiện mức tiêu thụ khoảng 240kg/đầu người và sẽ tăng lên 290kg/đầu người vào năm 2030.
Lãi suất giảm tác động thế nào đến doanh nghiệp thép?
Trong năm 2022, trước những biến động mạnh về lãi suất, nhiều doanh nghiệp thép đã chủ động giảm nợ vay. Tại ngày cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Hoà Phát là 74.222 tỉ đồng, giảm 30% so với thời điểm cuối tháng 6.2022.
Hòa Phát cho biết, quý 2 năm ngoái cũng là thời điểm dư nợ ở mức cao nhất. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Việt Nam được thực hiện với độ trễ khá dài khi duy trì lãi suất VND ở mức dễ chịu trong 6 tháng đầu năm 2022 và chỉ bắt vào đà tăng mạnh trong 6 tháng còn lại. Do đó, Hòa Phát đã giảm nợ vay để bớt áp lực về chi phí tài chính.
Tính đến cuối năm 2022, Hòa Phát đang vay ngắn hạn 46.749 tỉ đồng. Các khoản vay ngắn hạn bằng VND và USD với giá trị ghi sổ tương ứng 19.282 tỉ đồng và 5.470 tỉ đồng được đảm bảo bằng các khoản tiền gửi, phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang, chi phí trả trước, quyền phải thu và một số cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của một số thành viên Hội đồng quản trị Hòa Phát.
Theo đó, các khoản vay ngắn hạn bằng VND tại ngày 31.12 chịu lãi suất từ 3,47% đến 8,5% mỗi năm, cao hơn so với khoảng 2,4% - 6,5% mỗi năm tại thời điểm đầu năm 2022.
Năm 2022, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đã chi ra 3.061 tỉ đồng để trả lãi vay. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải trả 8,4 tỉ đồng tiền lãi vay. Bên cạnh đó, chi phí đi vay cũng tốn của doanh nghiệp này gần 3.084 tỉ đồng.
Còn với Hoa Sen, nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 là 5.793 tỉ đồng, giảm một nửa so với thời điểm 30.6.2022, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn (5.777 tỉ đồng). Chi phí lãi vay trong quý 1 niên độ 2022 - 2023 là 48 tỉ đồng, giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại ĐHĐCĐ mới đây, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen nhận định tình hình sức khỏe tài chính của công ty hiện vẫn tương đối ổn định với nợ dài hạn ở mức thấp.
“Lãi ngân hàng 6,5% Hoa Sen sẽ không vay, xuống 6,2% mới vay”, ông Vũ khẳng định.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ phát đi thông báo giảm loạt lãi suất điều hành thêm 0,3 - 0,5% và áp dụng từ ngày 3.4.2023.
Cụ thể, theo các quyết định của NHNN sẽ giảm 0,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn (từ 6% về 5,5%/năm); giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại NHNN (Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ TDND, Tổ chức tài chính vi mô).
Được biết, đây là lần thứ 2 trong tháng 3.2023, NHNN tiến hành hạ lãi suất điều hành. Trước đó, đơn vị điều hành tiền tệ thông báo giảm 1%/năm các loại lãi suất điều hành từ ngày 15.3, nhưng không bao gồm lãi suất tái cấp vốn.
Với động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ông Đoàn Danh Tuấn - Phó chủ tịch VSA cho rằng cần thời gian để “ngấm” chính sách.
“Tôi cho rằng động thái NHNN giảm lãi suất linh hoạt thích hợp với điều kiện thị trường để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn tín dụng. Tuy nhiên, do tác động của chính sách luôn có độ trễ, cần có 1 - 2 tháng mới có tác động thực sự về hoạt động sản xuất và tiêu thụ thép”, ông Tuấn nói.
Mặc dù các áp lực vẫn sẽ còn hiện hữu đối với lĩnh vực sản xuất thép, nhưng với hàng loạt các chính sách phát triển kinh tế, ngành thép được kỳ vọng sẽ nỗ lực vượt khó và dần khởi sắc trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận