Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần khởi sắc nhờ lãi suất hạ nhiệt, hoạt động phát hành sôi động và thanh khoản cải thiện. Đáng chú ý, sự phục hồi của bất động sản trong năm nay có thể trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng duy trì vai trò chủ đạo
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam đang từng bước hồi phục sau những biến động mạnh giai đoạn 2022-2023. Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), đến cuối năm 2024, tổng dư nợ trái phiếu toàn thị trường đạt khoảng 1,16 triệu tỷ đồng, trong đó trái phiếu riêng lẻ chiếm 1,03 triệu tỷ đồng, tương đương 10% GDP – mức vẫn còn khá khiêm tốn so với khu vực.
Năm 2024, các chuyên gia nhận định TPDN sẽ dần khởi sắc nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Xu hướng phát hành mới có dấu hiệu tích cực, trong khi hoạt động mua lại trước hạn giảm dần sau giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ từ 2022-2024. Việc lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp giúp doanh nghiệp giảm chi phí huy động vốn, thuận lợi hơn trong phát hành trái phiếu.
Lượng phát hành vẫn tập trung vào nhóm ngân hàng, trong khi doanh nghiệp bất động sản đang từng bước lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp được đánh giá tương đối cao, hỗ trợ tốt cho các lô trái phiếu đã phát hành.
Trên thị trường, các tổ chức lớn tiếp tục chiếm ưu thế, đặc biệt là trong phân khúc phát hành riêng lẻ. Nhà đầu tư cá nhân có xu hướng lựa chọn trái phiếu phát hành ra công chúng từ các doanh nghiệp đã được xếp hạng tín nhiệm để giảm thiểu rủi ro.
Ngân hàng vẫn là lực đẩy chính của thị trường trái phiếu khi nhiều tổ chức tín dụng tăng cường phát hành để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng đạt 9,06%, trong khi tín dụng nền kinh tế tăng 15,08% tính đến cuối năm 2024.
Việc tối ưu hóa nguồn vốn giúp ngân hàng cải thiện biên lãi ròng (NIM), nhưng cũng khiến tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng, nhất là ở các ngân hàng quy mô nhỏ. Nhiều ngân hàng có thể tiếp tục đẩy mạnh huy động để cân đối thanh khoản, đáp ứng nhu cầu tín dụng và đảm bảo các chỉ số an toàn tài chính. Một số ngân hàng đã chạm ngưỡng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR), buộc phải tăng huy động để hạn chế rủi ro thanh khoản.
Dòng tiền trở lại bất động sản
Song song với sự hồi phục của thị trường trái phiếu, bất động sản cũng được đánh giá đã vượt qua điểm đảo chiều và bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ năm 2025. Những yếu tố hỗ trợ bao gồm hành lang pháp lý mới, nguồn cung cải thiện, tâm lý người mua nhà dần ổn định, cùng với việc nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất tái cấu trúc, sẵn sàng triển khai dự án mới. Những doanh nghiệp có quỹ đất sạch, hoàn tất nghĩa vụ tài chính sẽ có lợi thế lớn về chi phí và biên lợi nhuận trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn là thách thức. Theo FiinGroup, tháng 3/2025 ghi nhận giá trị đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp ngoài ngân hàng lên tới 13,9 nghìn tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với tháng 1 (4,5 nghìn tỷ đồng) và tháng 2 (1,2 nghìn tỷ đồng). Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực thanh khoản lớn nhất, chiếm 59% tổng giá trị trái phiếu đến hạn.
Bảng giá đất mới cũng có thể tạo áp lực lên các doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn phát triển quỹ đất, đặc biệt là những đơn vị có nền tảng tài chính yếu. Thị trường có sự phân hóa rõ rệt giữa doanh nghiệp pháp lý minh bạch, tiềm lực tài chính vững vàng và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn.
Dù vậy, thanh khoản và hoạt động giao dịch bất động sản năm 2025 vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tích cực nhờ mặt bằng lãi suất ổn định. Trong bối cảnh lãi suất thấp, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhờ thói quen đầu tư của người Việt, lịch sử tăng giá ổn định và sự thiếu hấp dẫn của các kênh thay thế. Dòng tiền đang có dấu hiệu quay lại mạnh mẽ khi giá bất động sản ngừng giảm và bước vào chu kỳ tăng mới.
Áp lực đáo hạn và triển vọng thị trường
Về mặt pháp lý, Luật số 56/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong phát hành, chào bán TPDN. Kỳ vọng trong thời gian tới, tiến độ thanh toán gốc và lãi trái phiếu sẽ được duy trì, dù áp lực vẫn còn, đặc biệt với lượng trái phiếu đáo hạn tập trung vào giai đoạn 2025-2027.
Theo Nghị định 08/2023, các trái phiếu đã gia hạn chỉ được kéo dài tối đa 2 năm, đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp không thu xếp được nguồn vốn để thanh toán đúng hạn, áp lực sẽ gia tăng mạnh từ nửa cuối năm 2025. Dù vậy, sau gần hai năm điều chỉnh, nhiều doanh nghiệp đã phần nào xử lý được các lô trái phiếu có vấn đề. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu nợ, giảm chi phí vốn và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường TPDN trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường