Lãi suất cho vay đồng loạt giảm kích cầu tín dụng mùa cao điểm
Để kích cầu vốn trong mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp cuối năm và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, cả với tín dụng tiêu dùng cá nhân.
Từ mạnh tay cắt giảm lãi vay hỗ trợ SMEs...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước, với tổng số vốn đăng ký là 1.428,5 nghìn tỷ đồng, số lao động đăng ký đạt 777,9 nghìn lao động.
Như vậy, số doanh nghiệp đã giảm 3,2%, trong khi vốn đăng ký tăng 10,7% và số lao động giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8%.
Trong khi đó, có 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%.
Ngoài ra, 36,5 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chủ yếu kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch, giáo dục và đào tạo, thương mại…
Nhóm này thuộc các ngành bị tác động nặng nề nhất và chiếm tới 94% - 97% số doanh nghiệp gặp khó khăn.
Với mục tiêu sẻ chia khó khăn, tiếp sức kịp thời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua vùng nhiễu động của kinh tế trong thời dịch bệnh, cùng với bối tăng trưởng tín dụng vẫn đạt mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều ngân hàng thời gian gần đây liên tiếp điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thông qua các gói tín dụng ưu đãi.
Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tiếp ra những chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, lãi suất cho vay thấp nhất chạm mốc 4,5%/năm.
Cụ thể, Vietcombank cho biết, để hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong mùa cao điểm cuối năm, Ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với tất cả khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Theo đó, với khách hàng SMEs, mức lãi suất cho vay kinh doanh được giảm thấp nhất từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản vay mới giải ngân từ 13/10.
Trong khi đó, Agribank vừa thông báo giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19.
Theo đó, Agribank giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm (mức trần theo qui định); lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm.
Đồng thời, Agribank cũng đang triển khai chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI kinh doanh tại Việt Nam với mức lãi suất vay ngắn hạn thấp nhất là 4,8%/năm.
Tương tự, HDBank vừa thông báo đưa lãi suất của gói Swift SMEs 5.000 tỷ đồng, dành cho các khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn SME của HDBank, xuống chỉ còn từ 6,2%/năm, thay vì mức 6,5%/năm trước đó. Thời gian triển khai từ nay đến hết năm 2020.
Bên cạnh lãi suất ưu đãi, HDBank cũng linh hoạt hỗ trợ nhiều đặc quyền lợi ích khác như miễn, giảm nhiều loại phí... giúp doanh nghiệp SME giảm thiểu tối đa chi phí, tăng hiệu quả giá rẻ của gói vay.
Trước đó, ngân hàng cũng đã có các gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô hơn 34.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do thiên tai và bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đã khách hàng đón nhận tích cực. Nhà băng này cũng miễn, giảm các loại phí giao dịch để chia sẻ với khách hàng.
Hay với SeABank, từ nay đến hết 31/3/2021, ngân hàng này triển khai cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân và từ 6,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Ngoài các nhà băng kể trên, một số ngân hàng khác thời gian gần đây cũng đã đưa ra các gói lãi suất cho vay ưu đãi hoặc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng, có thể kể đến như VPBank hay OCB, MSB...
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, với xu hướng lãi suất giảm sẽ kích thích tín dụng tăng trưởng trong những tháng cuối năm, nhưng quan trọng vẫn là kiểm soát được dịch bệnh thì cầu tín dụng của doanh nghiệp sẽ tăng cao.
Không chỉ với khối SMEs, các nhà băng cũng đẩy mạnh tín dụng cho đối tượng khách hàng cá nhân thông qua việc cắt giảm lãi suất cho vay mua nhà, tiêu dùng cá nhân.
Cụ thể, khách hàng cá nhân có thể lựa chọn vay thời gian cố định lãi suất 3 tháng hoặc 6 tháng đầu với lãi suất từ 2,99%/năm tại SeABank.
Còn tại VPBank, từ nay đến cuối năm, khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình cũng được hỗ trợ cho vay để sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi từ 5,99%/năm.
Đồng thời, ngân hàng này cho biết, có gói vay ưu đãi này nhằm bổ sung vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh giai đoạn sau dịch bệnh.
Với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay của Vietcombank sẽ từ 6,5%/năm. Đặc biệt, nếu khách vay theo một số gói tín dụng của nhà băng này sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 5,7%/năm, áp dụng cho các khoản vay mới giải ngân từ 20/10.
Với xu hướng lãi suất giảm sẽ kích thích tín dụng tăng trưởng trong những tháng cuối năm, nhưng quan trọng vẫn là kiểm soát được dịch bệnh thì cầu tín dụng của doanh nghiệp sẽ tăng cao.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB
Ngoài mục đích kinh doanh, Vietcombank cũng giảm loạt lãi suất cho vay trong lĩnh vực tiêu dùng như mua nhà, xây sửa nhà, ôtô…
Theo đó, khách vay có thể được hỗ trợ lãi suất từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu tiên, áp dụng cho các khoản giải ngân từ 20/10.
Với Ngân hàng Shinhan Việt Nam, từ đầu tháng 10/2020, ngân hàng này giảm tiếp lãi suất cho vay đối với cá nhân mua nhà, mua xe.
Với mục đích mua nhà, lãi suất xuống 6,5%/năm cố định 12 tháng; giảm từ 8,3%/năm xuống 7,4%/năm cố định 24 tháng và giảm từ 9,4%/năm xuống 8,0%/năm cố định 36 tháng.
Đồng thời, lần đầu tiên nhà băng này còn triển khai gói vay mua nhà cố định lãi suất lên đến 48 tháng với lãi suất chỉ 8,7%/năm.
Với mục đích mua xe, lãi suất cho vay được giảm từ 7,8%/năm xuống 7,5%/năm cho thời gian cố định 12 tháng; 8,6%/năm xuống 8,0%/năm cho thời gian cố định 24 tháng và giảm từ 9,5% xuống 8,6%/năm cho thời gian cố định 36 tháng.
Đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng, lãi suất cho vay tại Ngân hàng Shinhan Việt Nam là 1,16%/tháng, tính trên dư nợ giảm dần cùng hạn mức vay lên đến 500 triệu đồng nhằm đáp ứng đa dạng các nhu cầu chi tiêu cá nhân từ trang bị vật dụng gia đình, đến nhu cầu vay cưới hỏi... dịp cuối năm nay.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, với xu hướng lãi suất đang dần đi xuống, cấu vốn cá nhân vay mua nhà, xe ô tô và tiêu dùng sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, khẩu vị rủi ro trong cho vay cũng sẽ thay đổi so với trước
Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, lần gần nhất là ngày 1/10. Tổng mức giảm cả ba lần từ 1,5 đến 2 điểm phần trăm, qua đó, tạo ra nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại.
Theo SSI Research, lãi suất tiền gửi đang dao động ở mức 3 - 3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9 - 5,8%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng.
Trong những tháng tới, SSI Research cho rằng, lãi suất sẽ giữ ở vùng thấp do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khá khiêm tốn và Ngân hàng Nhà nước vẫn nhấn mạnh việc giảm lãi suất để giúp các ngân hàng thương mại có đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.
Còn theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2020, các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động, cho vay giảm trong quí IV/2020 và cả năm 2020.
Bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong qúy IV/2020.
Về tăng trưởng tín dụng, tại phiên họp báo chính phủ thường kỳ tháng 10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 6,1%.
Tính riêng tháng 9 tín dụng đã tăng trưởng từ 4,3% đến 6,1%. Tuy nhiên, vẫn ở mức thấp so với mức cùng kì 2019 là 9,4%.
Theo Phó Thống đốc Tú, nếu như trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt như hiện nay và các doanh nghiệp có sự hồi phục, xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ tiếp tục tích cực thì tăng trưởng dư nợ tín dụng năm nay có thể đạt từ 8% đến 10%, khoảng trên 9% là con số có khả thi.
Thực tế cho thấy, tín dụng tại nhiều ngân hàng đã cải thiện tích cực trong quý III/2020 và lũy kế 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng đang chiều hướng đi lên.
Đến 30/9/2020, cho vay khách hàng của Sacombank tăng 8,2% đạt 320.215 tỷ đồng so với room 13,5%.
Cho vay khách hàng VIB đạt gần 150.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2020, tăng 15,3% so với đầu năm nay. Đây là mức tăng trưởng cao so với các ngân hàng khác.
Dư nợ tín dụng của TPBank đạt trên 124.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2020, nằm trong giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Cho vay khách hàng của Vietcombank trong 9 tháng đầu năm tăng 6,7% đạt 783.757 tỷ đồng. VPBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 16,5% đến hết tháng 9/2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận