Lãi suất cho vay 9-10,7% làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Chuyên gia tính toán, với lãi suất cho vay bình quân 10%/năm hiện nay, chi phí lãi vay mà doanh nghiệp và người dân phải chịu là ít nhất 1,135 triệu tỷ
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR) vừa công bố báo cáo chính sách về tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023. Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 đã phá sàn. Với môi trường lãi suất hiện nay, nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định, mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động cũng hầu như không thể đạt. Lãi suất cho vay bình quân 9% - 10,7% là rất cao, làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Huy động vốn giảm trong khi tín dụng tăng chậm
“Huy động vốn giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân.
Bên cạnh đó, một phần của tiền gửi giảm là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu có xu hướng chuyển tiền nhàn rỗi ra bên ngoài để hưởng lãi suất USD đang cao, trong khi lãi suất USD tại Việt Nam vẫn duy trì chính sách 0%. Chỉ trong quý 4/2022, khoản tiền và tiền gửi đưa ra nước ngoài là 6.041 triệu USD trong khi các tổ chức tín dụng nước ngoài rút tiền gửi ra khỏi Việt Nam 368 triệu USD (Theo Ngân hàng nhà nước)”, VEPR phân tích.
Theo đó, VEPR khuyến nghị, đã đến lúc Việt Nam chuyển chiến lược tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ sang vốn rẻ. Chỉ khi nền kinh tế phát triển dựa trên vốn rẻ mới tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu (đầu tư dài hạn vào các hoạt động R&D, đầu tư vào các dự án mạo hiểm nhưng có thể tạo đột phá cho ngành sản xuất, đầu tư vào kỹ năng,..); đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo chiều rộng (mở rộng nhanh về số lượng).
Đến nay, Việt Nam mới có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động (số liệu Tổng cục thuế)
Trong ngắn hạn, VEPR đề xuất tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế, doanh nghiệp, đúng đối tượng và thiết thực hơn. Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các doanh nghiệp có năng lực và khả năng lan toả cao, tập trung vào hai khó khăn lớn với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay (là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng). Các khoản hỗ trợ cụ thể có thể hướng vào những khía cạnh như: kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế; giảm tiền thuê đất; giảm cước và chi phí logistics ; giảm tiền điện, nước, viễn thông…; từ đó giúp doanh nghiệp cắt giảm các 38 loại chi phí trong bối cảnh chi phí đầu vào, logistics đều tăng mạnh, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu và ổn định chuỗi cung ứng.
VEPR cũng kỳ vọng, gói giãn hoãn thuế vẫn bao gồm hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) phải được sớm phê duyệt, thực hiện nhanh và mạnh mẽ hơn nhằm kích cầu tiêu dùng hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. "Chúng ta có 13 triệu lao động chính thức, dù thu nhập nhích lên nhưng vẫn thấp so với mức tăng chi tiêu. Sức ép tiêu dùng, chi tiêu của người lao động là rất lớn. Do đó chính sách giảm 2% VAT rất cần kéo dài. Chính sách nên duy trì như năm ngoái, hoặc ít nhất 6-9 tháng mới đủ tác động tới doanh nghiệp", nhóm phân tích đề xuất.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh vào chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc-xin”, tháo gỡ ách tắc đầu ra xuất khẩu. Môi trường đầu tư kinh doanh phải tiếp tục được cải thiện. Công tác dự báo và đánh giá chính sách cần làm thường xuyên, liên tục và có sự công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận