Là 'cường quốc' than ở châu Âu, Ba Lan đang điêu đứng vì cấm vận than Nga
Ba Lan đang ở trong tình trạng thiếu than đột ngột và chưa từng có tiền lệ do không còn tiếp tục nhập khẩu than từ Nga.
Dù là một trong những “thành luỹ” cuối cùng của hoạt động khai mỏ than ở châu Âu, Ba Lan đang ở trong tình trạng thiếu than đột ngột và chưa từng có tiền lệ do không còn tiếp tục nhập khẩu than từ Nga...
Giống như hàng triệu người Ba Lan khác, ông Mateusz Szulas thường mua than từ một nhà cung cấp địa phương và tích trữ than trong hầm nhà để sưởi ấm trong những tháng mùa đông. Nhưng năm nay, ông Szumlas phải sang tận Cộng hoà Czech để mua than và vận chuyển về nhà ở thị trấn Ba Lan Swieradow-Zdroj.
Trước đây, Szumlas thường mua 4-5 tấn than để chuẩn bị cho mùa đông, nhưng năm nay, ông dự kiến chỉ có thể mua được một phần lượng than như vậy, cho dù Quốc hội Ba Lan đã phê chuẩn kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho 1/3 số hộ gia đình ở Ba Lan là những hộ dùng than để sưởi ấm.
“Mọi người đang dựa vào trợ cấp từ Chính phủ, nhưng khoản trợ cấp đó cũng chẳng giải quyết được vấn đề khi mà không có than để mua”, ông Szumlas nói với tờ Financial Times.
Đột ngột thiếu than vì lệnh trừng phạt
Việc ông Szumlas phải sang tận Séc mua than là một hệ quả từ lệnh cấm vận than Nga mà Ba Lan nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra. Lệnh cấm vận này là một phần trong sự trừng phạt mà EU áp lên Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Dù là một trong những “thành luỹ” cuối cùng của hoạt động khai mỏ than ở châu Âu, Ba Lan đang ở trong tình trạng thiếu than đột ngột và chưa từng có tiền lệ do không còn tiếp tục nhập khẩu than từ Nga như trước.
Là một trong những nước EU quan điểm cứng rắn nhất đối với Nga, Chính phủ Ba Lan đã cấm vận than Nga không lâu sau khi chiến tranh nổ ra. Bằng cách này, Ba Lan tự cắt đi một trong những nguồn cung cấp than chính của mình. Dù Ba Lan là một nước sản xuất than lớn, phần lớn số than mà nước này khai thác được là than chất lượng thấp và chủ yếu dùng cho các nhà máy điện. Khoảng 40% lượng than mà các hộ gia đình Ba Lan dùng để sưởi ấm là than nhập từ Nga.
Tình trạng khan hiếm than đã khiến Ba Lan phải chật vật xoay sở tìm các nguồn cung thay thế từ những nơi xa xôi như Colombia và Nam Phi. Giá than ở Ba Lan đã tăng gấp 3 lần từ mức bình quân dưới 1.000 Zloty (208 USD)/tấn vào năm ngoái lên mức hơn 3.000 Zloty/tấn hiện nay.
Lệnh cấm vận than Nga của Warsaw bắt đầu áp dụng từ tháng 4 và ngay lập tức khiến các hộ gia đình ở nước này hoảng loạn tích trữ than. Lệnh cấm vận than Nga trên toàn châu Âu mới chỉ có hiệu lực từ tháng này, giúp cho Đức và các nước EU khác có thêm thời gian để tạo ra một cuộc chuyển đổi êm ái hơn và tích trữ sẵn than Nga để dùng sau khi lệnh cấm được áp dụng.
Đối với các nhà khai mỏ than ở Ba Lan, cuộc khủng hoảng này làm lộ ra thất bại dài hạn trong việc phát triển và đầu tư vào ngành than. “Dĩ nhiên, nguyên nhân trực tiếp của vấn đề về than là cuộc chiến tranh ở Ukraine, nhưng quãng thời gian nhiều năm áp dụng chính sách năng lượng sai lầm đã dẫn tới việc chúng tôi trở nên phụ thuộc vào than Nga”, ông Jaroslaw Grzeskik, Chủ tịch phụ trách mảng khai mỏ của liên minh ngành than Ba Lan Solidarnosc, phát biểu.
Cuộc khủng hoảng thiếu than xảy ra đúng vào lúc nền kinh tế Ba Lan suy giảm 2,3% trong quý 2 năm nay so với quý trước, đặt ra khả năng suy thoái kinh tế. Năm tới, Ba Lan sẽ tiến hành bầu cử và kết quả cuộc bầu cử này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Ba Lan sẽ vượt qua được ảnh hưởng kinh tế từ cuộc chiến tranh ở Ukraine như thế nào. Chính phủ liên minh cánh hữu của Ba Lan mới đây đã công bố nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm giải toả nỗi lo của cử tri về năng lượng sưởi ấm.
Hồi tháng 7, Warsaw yêu cầu các công ty quốc doanh mua thêm 4,5 triệu tấn than để cung cấp cho các hộ gia đình, nhưng số than này chỉ bằng chưa đầy một nửa so với lượng than mà các gia đình Ba Lan tiêu thụ hàng năm. Chính phủ Ba Lan cũng tạm dừng việc áp tiêu chuẩn chất lượng đối với việc đốt than để sưởi ấm tại các hộ gia đình.
Sau khi nỗ lực áp trần giá bán lẻ than thất bại, Chính phủ Ba Lan trong tháng 8 này đề xuất một chương trình trợ cấp, cho phép mỗi hộ gia đình được xin hỗ trợ một lần số tiền 3.000 Zloty để trang trải tiền mua than, và kế hoạch đã được Quốc hội thông qua.
Sự đảo ngược nguy hiểm
Những biện pháp trên bị các nhà hoạt động môi trường chỉ trích là sự đảo ngược đầy nguy hiểm đối với các nỗ lực chống sự ấm lên toàn cầu. Đáng chú ý, sự đảo ngược này diễn ra ngay sau khi Ba Lan miễn cưỡng nhất trí theo đuổi các mục tiêu của EU về chống biến đổi khí hậu và “cai” dần việc sử dụng than. Năm ngoái, Chính phủ Ba Lan đã ký kết một thoả thuận với ngành khai mỏ và các nghiệp đoàn để đến năm 2049 đóng cửa tất cả các mỏ than ở nước này.
Chương trình trợ cấp hoá đơn than cũng bị chỉ trích vì thiếu sự rà soát đối tượng thụ hưởng. Khoảng 30% số trợ cấp này có thể rơi vào nhóm 40% số hộ gia đình giàu nhất ở Ba Lan, trong đó có nhiều hộ nên sử dụng các phương pháp sưởi ấm tốt hơn - theo Ngân hàng Thế giới (WB).
“Một cách tốt để giảm bớt ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng là chỉ hỗ trợ những người thực sự cần được hỗ trợ”, nhà kinh tế học cấp cao Reena Badiani-Magnusson của WB nhận định. Theo vị chuyên gia này, “các biện pháp khuyến khích quay trở lại với than, cho dù không kéo dài, có thể phá hỏng những cố gắng đã có của Ba Lan trong cuộc chiến chống khói mù”.
Chất lượng không khí ở Ba Lan vào hàng tệ nhất ở châu Âu, theo nghiên cứu của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA). Ngoài ra, người dân đốt than hay củi trong nhà có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cao hơn 1/3, theo Viện nghiên cứu Cấu trúc (ISR) ở Warsaw.
Dù vậy, Chính phủ Ba Lan cương quyết ưu tiên việc sử dụng than trong bối cảnh những ngày lạnh giá của mùa đông đang đến gần. “Tôi muốn có nhiều than hơn cần thiết, thậm chí là chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu trước Quốc hội vào tháng trước.
Hồi cuối tháng 7, chuyên than đầu tiên nhập khẩu từ Nam Phi đã cập cảng Swinoujscie của Ba Lan. Tuy nhiên, các cảng biển ở nước này đang bận rộn với việc vận chuyển thiết bị quân sự sang Ukraine và các nhà phân phối than phàn nàn về các vấn đề hậu cần cũng như chi phí mà lẽ ra họ không gặp phải nếu nhập khẩu than từ Nga.
Với tất cả những thách thức nói trên, một số chuyên gia năng lượng tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố của Thủ tướng Morawiecki rằng người Ba Lan không nên lo sợ về mùa đông này. “Tình hình của các hộ gia đình Ba Lan trong mùa đông năm nay sẽ phụ thuộc nhiều vào thời tiết, và đây là điều đáng lo ngại”, chuyên gia Ilona Jaderasik của văn phòng Ba Lan thuộc tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường ClientEarth phát biểu.
Đã có những dự báo cho rằng giá than tăng cao sẽ sớm buộc nhiều hộ gia đình phải chuyển sang đốt củi, hoặc thậm chí đốt rác, để sưởi ấm.
“Chất lượng không khí năm nay sẽ tệ hơn nhiều do lượng rác được đốt sưởi nhằm tiết kiệm tiền”. Chủ tịch Lukasz Horbacz của Hội đồng Thương mại các nhà kinh doanh than Ba Lan cảnh báo trên Financial Times.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận