24HMONEY đã kiểm duyệt
15/02/2024
La bàn đầu tư tháng 2: Kỳ vọng dòng vốn trong nước quay trở lại thị trường sau dịp Tết Nguyên đán
Về triển vọng trung hạn trong tháng 2: Định giá thị trường vẫn hấp dẫn và sự phục hồi đáng kể trong kết quả kinh doanh Q4/23 của các công ty niêm yết cũng hỗ trợ tâm lý tích cực cho thị trường.
Thanh khoản thị trường có thể hồi phục vào nửa cuối T02/24 khi nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Dòng vốn trong nước cải thiện có thể giúp VN-INDEX tiến đến vùng kháng cự tâm lý quanh 1.200-1.220 điểm trong tháng này. Chủ đề đầu tư trong tháng 2 sẽ bao gồm các lĩnh vực sau: (1) ngân hàng, (2) cảng & vận tải biển và (3) tiêu dùng.
Đối với triển vọng dài hạn trong năm 2024: Fed đã đẩy lùi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3 trong cuộc họp chính sách mới đây. Kịch bản FED bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành từ tháng 5 hiện đang chiếm ưu thế khi hơn 90% thị trường kỳ vọng vào kịch bản này (theo khảo sát của CME Group). Điều này hướng đến một kịch bản trung lập hơn, trong đó Fed cắt giảm lãi suất điều hành bắt đầu từ tháng 5 và vẫn thực hiện ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Trong khi đó, dữ liệu tích cực về PMI, FDI và tăng trưởng xuất khẩu củng cố kịch bản tăng trưởng tích cực về lợi nhuận của thị trường trong năm 2024. Từ những tín hiệu trên, chúng tôi cho rằng VN-INDEX sẽ di chuyển trong khoảng kịch bản tiêu cực và tích cực (tức là kịch bản cơ sở của chúng tôi), theo đó VN-INDEX có thể hướng đến mục tiêu 1.350 điểm vào cuối năm 2024.
Tóm tắt vĩ mô: Đà phục hồi kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn kể từ đầu năm 2024
Số liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ và tuyên bố của Chủ tịch Fed sau cuộc họp chính sách vừa qua khiến kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3 giảm mạnh. PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ tăng vọt lên 50,3 điểm, đạt mức cao nhất trong 15 tháng trong khi PMI lĩnh vực dịch vụ và PMI Tổng hợp đều tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng, cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ tiếp tục bùng nổ trong tháng 1. Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng mạnh, Fed giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 1 và hạ kỳ vọng của nhà đầu tư về đợt cắt giảm lãi suất tháng 3.
Việt Nam ghi nhận nhiều dữ liệu khả quan hơn trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu trong T01/24. Hoạt động sản xuất ghi nhận những dấu hiệu tích cực ngay từ tháng đầu năm 2024 khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 điểm sau 5 tháng khi số lượng đơn đặt hàng mới gia tăng. Cùng với sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất, hoạt động thương mại của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong T01/24, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 33,6 tỷ USD (+7% sv tháng trước, +42% svck) trong khi giá trị nhập khẩu đạt 30,7 tỷ USD (+4% sv tháng trước, +33% svck).
Tỷ giá hạ nhiệt sau khi chịu áp lực tăng cao trong những tuần đầu năm mới. DXY phục hồi trở lại vào T01/24 khi dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến làm lu mờ kịch bản Fed hạ lãi suất điều hành tại cuộc họp T03/24. Hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều mất giá so với đô la Mỹ, bao gồm VNĐ (-0,6% sv đầu năm), Nhân dân tệ Trung Quốc (-0,9% sv đầu năm), Peso Philippines (-1,8% sv đầu năm), Rupiah Indonesia (-2,5% sv đầu năm), Ringgit Malaysia (-3,0 % sv đầu năm) và Thai Bath (- 3,8% sv đầu năm). Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng mạnh và duy trì mức chênh lệch giá cao so với giá vàng quốc tế cũng gây áp lực lên tỷ giá VNĐ. Tuy nhiên, VNĐ vẫn nằm trong số những đồng tiền ổn định nhất khu vực nhờ (1) thặng dư thương mại cao (28,3 tỷ USD năm 2023), (2) cán cân thanh toán cao (~5-6% GDP năm 2023), (3) vốn FDI giải ngân mạnh mẽ (23,1 tỷ USD năm 2023, +3,5% svck) và dòng kiều hối ổn định (16 tỷ USD, +32% svck). Sau khi chịu áp lực gia tăng trong ngắn hạn, tỷ giá USD/ VNĐ đã có xu hướng hạ nhiệt nhanh chóng vào tuần cuối cùng của T01/24.
Bình luận