24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kỳ vọng xuất khẩu phục hồi tăng trưởng

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và cán cân thương mại liên tiếp nghiêng về nhập siêu trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại thì xuất khẩu cả năm 2021 sẽ vẫn đạt con số 313 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2020.

8 tháng, nhập siêu 3,7 tỷ USD

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, TP trên cả nước, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam khiến hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8 tiếp tục chững lại. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 8 tháng năm 2021, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng thời điểm này năm 2020. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 428,8 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 212,5 tỷ USD, tăng 21,2%; nhập khẩu đạt 216,2 tỷ USD, tăng 33,8%.

Đáng chú ý, Việt Nam vẫn duy trì được 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, gồm: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 12,8%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỷ USD, tăng 49,9%; Hàng dệt may đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,7%; Giày dép đạt 12,6 tỷ USD, tăng 16,2%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%.

Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2021 hiện đang nhập siêu 3,7 tỷ USD, con số này đã đảo chiều so với cùng kỳ năm 2020 (xuất siêu xấp xỉ 13,7 tỷ USD). Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới. Nguyên nhân bởi chu kỳ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm, trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Theo tình hình các đơn hàng của các đối tác hiện nay, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản.

Chỉ phục hồi tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát

Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước. Nhiều nhà máy đóng vai trò là mắt xích của chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.

Chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với tình hình xuất khẩu hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đã có những tín hiệu tích cực trên thế giới nhưng dịch bệnh vẫn nghiêm trọng tại các nước và vùng lãnh thổ châu Á như: Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan… Trong nước, dịch bệnh lây lan nhanh tại các tỉnh trọng điểm xuất khẩu của cả nước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu, nhất là khi thời điểm hiện tại rất quan trọng để chuẩn bị các đơn hàng cuối năm.

Không những vậy, việc lao động về quê tránh dịch cũng dẫn đến nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát. Trong khi đó, phía Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu biên giới phía Bắc gây bất lợi cho các mặt hàng nông, thủy sản.

Nhằm hỗ trợ DN trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Cụ thể, hỗ trợ DN khai thác hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi; đồng thời, hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cùng với tăng cường quản lý một số mặt hàng xuất nhập khẩu chiến lược, Cục đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ và các địa phương tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến, đặc biệt tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả