menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Hùng

Kỳ vọng sự trở lại mạnh mẽ và ổn định cho thị trường chứng khoán

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK theo hướng cho phép thành lập quỹ đầu tư chứng khoán mới, tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm nhằm góp phần xây dựng TTCK ổn định, bền vững.

Thị trường chứng khoán (TTCKN) Việt Nam đã trải qua một năm 2022 với nhiều biến động. Chỉ số VN-Index duy trì đà tăng và lập đỉnh lịch sử hồi đầu năm, nhưng sau đó điều chỉnh theo xu hướng giảm. Năm 2023, mặc dù khó khăn thách thức từ các yếu tố vĩ mô trong, ngoài nước còn lớn, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ hồi phục và phát triển ổn định hơn nhờ nhiều trợ lực quan trọng mang tính nền tảng vẫn được duy trì.

Vượt thách thức, biến động khó lường

Sau hai năm Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu năm 2022 chịu tác động rất mạnh từ các yếu tố địa chính trị và kinh tế vĩ mô thế giới. Cụ thể, lạm phát tăng cao khiến các ngân hàng trung ương lớn điều chỉnh tăng lãi suất, căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, chiến lược “zero Covid-19” tại Trung Quốc đã tạo ra khủng hoảng năng lượng, làm giá nguyên – nhiên liệu tăng mạnh, đứt gẫy chuỗi cung ứng – sản xuất.

Những yếu tố này khiến hầu hết TTCK các quốc gia trải qua giai đoạn biến động mạnh trước rủi ro suy giảm kinh tế toàn cầu. Với Việt Nam, TTCK cũng có diễn biến phức tạp và chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế trong năm 2022.

Cụ thể, sau khi tiếp tục giữ đà tăng trưởng của năm 2021 trong quý 1-2022, thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế – chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới.

Cùng khoảng thời gian, đã xuất hiện một số vụ việc và biểu hiện không lành mạnh trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi…và đã được cơ quan thẩm quyền xử lý quyết liệt nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường.

Những vụ việc này, trong ngắn hạn, làm ảnh hưởng mạnh đến TTCK và tâm lý nhà đầu tư. Kết quả, chỉ số VnIndex sau khi lập đỉnh lịch sử mới với 1.528,57 điểm vào ngày 6-1-2022, đã bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh và đạt mức thấp nhất vào ngày 15-11-2022 khi đóng cửa ở mức 911,9 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, VnIndex dừng lại ở 1.007,09 điểm, giảm gần 32% so với cuối năm 2021. Giá trị vốn toàn thị trường ước đạt 5.278.000 tỉ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021 và tương đương 62,2% GDP.

Song hành cùng diễn biến không tích cực của điểm số, thanh khoản trên thị trường cũng giảm đáng kể với giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 20.360 tỉ đồng mỗi phiên trong năm 2022, giảm hơn 23% so với năm 2021.

Điểm tích cực là quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết tiếp tục tăng trưởng. Theo đó, quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) đạt 1.970.000 tỉ đồng tính đến cuối tháng 11-2022, tăng 13,26% với cuối năm 2021.

Về số lượng nhà đầu tư, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán trong năm 2022, con số kỷ lục trong 22 năm hoạt động của TTCK Việt Nam. Con số này thậm chí còn vượt qua tổng số lượng tài khoản mở mới trong 6 năm, từ 2016 đến 2021. Tính đến cuối năm 2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 6,8 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,8% dân số.

Trong năm 2022, sau khi thực hiện bán ròng quý đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có động thái quay lại mua ròng mạnh trong những tháng cuối năm. Tính cả năm, khối ngoại đã mua ròng khoảng 27.000 tỉ đồng, tương đương 1,16 tỉ đô la Mỹ trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Sự quay lại của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy định giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn cho chiến lược đầu tư trung và dài hạn của khối ngoại. Đồng thời phản ánh sự lãnh đạo đúng đắn, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành chính sách của Chính phủ.

Cũng trong năm 2022, thị trường trái phiếu Chính phủ duy trì sự ổn định, tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ. Thị trường chứng khoán phái sinh diễn biến sôi động, tiếp tục trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng đầu tư, giúp nhà đầu tư đa dạng hóa dòng tiền đầu tư. Thanh khoản của thị trường chứng quyền có đảm bảo cũng tăng mạnh với khối lượng giao dịch.

Trước những biến động khó dự báo của thị trường, trong năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời góp phần hỗ trợ thị trường vận hành ổn định, liên tục, an toàn. Cùng với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, trấn an tâm lý nhà đầu tư, cơ quan quản lý đã yêu cầu công bố dữ liệu giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán; yêu cầu giải trình các mã tăng trần/giảm sàn 5 phiên liên tục; điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong phiên đáo hạn phái sinh. Mặt khác, cơ quan quản lý đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt và các sai phạm xảy ra trên thị trường.

Tổng kết lại, dù có nhiều biến động, nhưng TTCK trong nước vẫn giữ được hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt. Huy động vốn trên thị trường vẫn đạt ở mức cao, đa số các doanh nghiệp niêm yết hoạt động ổn định, có lãi. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng.

Chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng thị trường

Trao đổi với phóng viên nhân dịp Xuân Quý Mão, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN, cho biết những áp lực từ lạm phát sẽ tiếp tục khiến mặt bằng lãi suất gia tăng thời gian tới. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị, khó khăn từ chuỗi cung ứng nguyên liệu và năng lượng dự báo sẽ còn có tác động không tích cực tới kinh tế và TTCK toàn cầu nói chung. Điều này khiến Việt chịu những tác động và biến động tương tự.

Nhưng với TTCK Việt Nam, bà Phương cho biết vẫn có những yếu tố tích cực, kỳ vọng sẽ tạo động lực hỗ trợ cho thị trường hồi phục và tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy sức chống chịu tốt và khả quan.

Chính phủ và các cơ quan quản lý thời gian gần đây cũng đã có những chỉ đạo quan trọng để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, có giải pháp để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường bất động sản.

“Đây là những yếu tố nội tại quan trọng sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường trong thời gian tới”, bà Phương nói.

Cũng theo Lãnh đạo UBCKNN, việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát vẫn ở mức kiểm soát có thể giúp Việt Nam là điểm sáng trong khu vực cũng như toàn cầu để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng mua ròng cổ phiếu trong những phiên thị trường giảm mạnh và đã cho thấy sự trở lại mạnh mẽ trong 2 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn đầu năm 2023.

“Điều này cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của TTCK Việt Nam trong tương quan với nhiều quốc gia trong khu vực và chúng ta có thể kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đón nhận dòng chảy tích cực của vốn ngoại trong thời gian tới trước khi các nền tảng tăng trưởng kinh tế vĩ mô được duy trì và kỳ vọng nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong tương lai”, bà Phương phân tích.

Về định hướng năm 2023, bà Phương cho biết cơ quan quản lý sẽ duy trì và tăng tính chủ động để đưa ra các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển ổn định, thông suốt, minh bạch và bền vững hơn. Cụ thể, sẽ tiếp tục củng cố các giải pháp đề ra theo kế hoạch, trong đó ưu tiên các giải pháp để tăng chất lượng phát triển cho thị trường, đặt kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển cho thị trường những năm tiếp theo.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý, tổng rà soát các văn bản pháp lý để kiện toàn hệ thống quy định pháp luật, đảm bảo cho thị trường vận hành ổn định, thông suốt, an toàn, lành mạnh, bền vững. Xây dựng các kế hoạch, giải pháp đồng bộ, cụ thể để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 khi được Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiếp tục cơ cấu lại TTCK dựa trên 4 trụ cột, gồm: tổ chức thị trường; cơ sở hàng hóa; cơ sở nhà đầu tư; và các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để có giải pháp tăng cường chất lượng thông tin tài chính, báo cáo kiểm toán trên thị trường, cũng như tăng cường chất lượng dịch vụ, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty kiểm toán trên thị trường.

UBCKNN cũng tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK, trong đó, cho phép thành lập quỹ đầu tư chứng khoán mới đủ điều kiện theo quy định, tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm, qua đó góp phần xây dựng TTCK ổn định, bền vững, giảm các “dư chấn” không mong muốn trước các tác động vĩ mô và tâm lý lên TTCK.

Về công nghệ, UBCKNN sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa công tác quản lý, giám sát thị trường, cũng như phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị sớm hoàn thiện và đưa hệ thống công nghệ mới vào vận hành, tạo tiền đề cho việc ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới.

Về thanh tra và giám sát, lãnh đạo UBCKNN cho biết sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán. Cơ quan quản lý sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường.

Ngoài ra, có những cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư để ổn định tâm lý thị trường, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên TTCK.

Mặt khác, cơ quan quản lý sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra, nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

“Quyết định nâng hạng phụ thuộc vào các tổ chức xếp hạng quốc tế, tuy nhiên, cơ quan quản lý TTCK đặt quyết tâm cao nhất để triển khai các giải pháp, trong đó đặc biệt cần sự vào cuộc, sự hỗ trợ thiết thực của các bộ, ngành liên quan, nhất là các chính sách liên quan trên thị trường ngoại hối và tỷ lệ sở hữu nhà đầu nước ngoài ”, bà Phương cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,204.97

-0.64 (-0.05%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại