Kỳ vọng nào cho VRE trong mùa dịch?
Trong nửa cuối 2020, Vincom Retail tiếp tục được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản bán lẻ, nhờ sự cộng hưởng từ hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup và kế hoạch mở rộng quỹ đất liên tục.
Trong khi thị trường bất động sản bán lẻ tiếp tục chịu tác động từ dịch COVID-19, Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường này, nhờ mở rộng quỹ đất và hưởng lợi nhờ hệ sinh thái từ Tập đoàn Vingroup.
Bất động sản bán lẻ chưa hết khó
Bất động sản bán lẻ là thị trường chịu tác động nặng nhất từ dịch COVID-19, nhất là khi xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến đang được đẩy nhanh tốc độ.
Theo khảo sát các nhà bán lẻ châu Á - Thái Bình Dương về chiến lược khác nhau cho các ngành hàng, trong thời gian này, khoảng 38% các nhà bán lẻ sẽ tập trung phát triển khả năng bán hàng trực tuyến; một số lượng tương đồng các nhà bán lẻ muốn giảm diện tích cửa hàng.
Các trung tâm mua sắm cũng đã hoạt động trở lại, tuy nhiên thời gian mở cửa còn hạn chế tại một số dự án.
Cả chủ nhà và khách thuê vẫn đang rất thận trọng trong hoạt động kinh doanh, các biện pháp quản lý vệ sinh và an toàn vẫn được áp dụng triệt để dù tình hình kiểm soát dịch bệnh tương đối khả quan.
Dịch bệnh cũng khiến khách thuê nhà phố phải tái cấu trúc kinh doanh. Rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa có kinh doanh giảm sút phải đóng cửa.
Nhà phố tại khu vực trung tâm phụ thuộc lĩnh vực thương mại du lịch bị hoàn trả do chịu ảnh hưởng nặng nền của hạn chế đi lại giữa các quốc gia.
Về giá thuê gộp trung bình tầng trệt giảm 2% theo quý và 3% theo năm xuống mức thấp kỷ lục trong 2 năm qua.
Công suất thuê trung bình giảm 2 điểm % theo quý và 4 điểm % theo năm xuống mức thấp kỷ lục trong 3 năm. Khối để bán lẻ và trung tâm mua sắm ghi nhận sụt giảm mạnh hơn so với trung tâm bách hóa.
Trên thị trường, Vincom Retail cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của dịch bệnh.
Công ty không bàn giao được dự án lớn nào tương đương nhà phố shophouse Cà Mau như đã thực hiện vào kỳ trước, thay vào đó là các shophouse tại các dự án nhỏ ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) và Sóc Trăng.
Đồng thời, phải đóng cửa 23 trung tâm ở Tp. Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội trên tổng số 79 trung tâm cả nước từ ngày 27/3 - 22/4, vì yêu cầu giãn cách xã hội.
Cùng với đó, công ty phải giải ngân gói 675 tỷ đồng cao hơn ước tính để hỗ trợ các khách thuê chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến cho doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 3.315 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu tư mảng cho thuê bất động sản giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 2.765 tỷ đồng; doanh thu từ mảng chuyển nhượng bất động sản giảm 45,2%, đạt 495 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt 835 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá giữa năm về triển vọng thị trường bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE chỉ ra rằng, hầu hết các mảng thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021.
Theo đó, mảng bán lẻ sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song vẫn có nhiều tiềm năng hồi phục.
Hưởng lợi nhờ hệ sinh thái từ Tập đoàn Vingroup
Trong nửa cuối năm 2020, Vincom Retail tiếp tục được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản bán lẻ, đặc biệt nhờ sự cộng hưởng từ hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup và kế hoạch mở rộng quỹ đất liên tục.
Vincom Retail có khả năng tiếp cận đến quỹ đất của Vinhomes với hơn 165 triệu m2 ngay tại trung tâm Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận, trong đó các trung tâm thương mại Vincom nằm trong khu đô thị Vinhomes.
Cùng sự hỗ trợ tài chính và chiến lược từ Vingroup, Vincom Retail có cơ sở để tiếp tục gia tăng quỹ đất ở các khu vực trung tâm.
Đây là lợi thế vượt trội so với các chủ đầu tư trung tâm thương mại nước ngoài do gặp khó khăn trong việc tìm được quỹ đất phù hợp tại Việt Nam cũng như quá trình hoàn thành thủ tục pháp lý phức tạp.
Hiện Vincom Retail quản lý mặt bằng bán lẻ với 79 trung tâm thương mại hoạt động tại 43 tỉnh và thành phố trên toàn quốc với khách thuê là hơn 1.000 thương hiệu trong nước và quốc tế, với tổng diện tích sở hữu sàn bán lẻ đạt khoảng 1,6 triệu m2 (không thay đổi so với cuối 2019).
Dự kiến, Vincom Retail mở trung tâm Vincom Mega Mall Ocean Park vào cuối năm, tăng 4% diện tích, lên gần 1,66 triệu m2 sàn.
Trung bình, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại đạt 85%, giảm 4,2 điểm % so với cùng kỳ quý 2/2020, do ảnh hưởng của VinPro đóng cửa vào tháng 12/2019. Song, đến nay đã lấp đầy được khoảng 50% diện tích này.
Đồng thời, tỷ lệ này tăng 0,1 điểm % so với cùng kỳ nhờ khách hàng thuê mới, gồm nhãn hàng Hailidao ở Vincom Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) và Uniqlo tại Vincom Landmark 81 (Tp. Hồ Chí Minh).
Việc đóng của trung tâm thương mại tại Đà Nẵng ít ảnh hưởng đến công ty vì chỉ đóng góp dưới 2% trong doanh thu cho thuê sàn bán lẻ mỗi năm.
Theo số liệu thống kê, lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại của Vincom Retail trong tháng 6/2020 hồi phục mạnh và đạt 75 - 95% so với trước COVID-19.
Công ty đẩy mạnh số hóa và kết nối với nhà bán lẻ trong các trung tâm thương mại, kết hợp với đẩy mạnh các sự kiện khuyến mãi, marketing, tạo thêm điều kiện để du khách, người dân đến thăm quan mua sắm tại các tại trung tâm thương, từ đó giúp gia tăng doanh thu từ các hợp đồng chia sẻ lợi nhuận (thống kế đóng góp 20% vào doanh thu cho thuê của Vincom Retail).
Bên cạnh đó, bốn mô hình kinh doanh gồm: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+ giúp Vincom Retail đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách đi thuê và có được tệp khách hàng luôn đồng hành cùng công ty.
“Áp lực giá thuê lắng xuống trong quý 2 do các yêu cầu hỗ trợ đều được xử lý ở quý 1. Chiến lược của khách thuê sẽ tập trung nhiều hơn vào khả năng thích ứng. Chủ nhà cần tìm ra những giải pháp nhằm đáp ứng với nguồn cầu thay đổi”, bà Hoàng Diệu Hương, Quản lý cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Việt Nam cho biết.
Bà Trần Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Vincom Retail thông tin, bên cạnh các mô hình bán lẻ trước đây, năm 2020, Vincom Retail sẽ cho thuê và vận hành mô hình kinh doanh mới du lịch bán lẻ, với sản phẩm nổi bật là Grand World Phú Quốc, nhằm khai thác thị trường bán lẻ tại các khu du lịch. Đây sẽ là điểm đến vui chơi mua sắm trải nghiệm lý tưởng, là nơi giao thoa tinh hoa văn hóa của nhiều nước trên thế giới.
Về phía CBRE cũng cho rằng, tuy các kênh bán hàng trực tuyến vẫn chiếm sóng nhưng mô hình cửa hàng truyền thống tạo trải nghiệm cho người tiêu dùng vẫn sẽ là xu hướng chính một khi đại dịch lắng xuống./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận