Kỳ vọng làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc với những dự án tỷ USD
Những năm gần đây, Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư số một ở Việt Nam. Hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ bước vào thời kỳ mới với sự bùng nổ của những dự án hàng tỷ USD…
Sau việc 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào tháng 3 mới đây, đến lượt đoàn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam, trong chuyến công du 3 ngày (từ 22 - 24/6) của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Các doanh nghiệp này thuộc nhiều lĩnh vực như phân phối, tài chính, luật, y tế, công nghệ thông tin, lĩnh vực dịch vụ. Đáng chú ý, cùng tham gia đoàn có chủ tịch của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc gồm Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte.
Kết thúc Diễn đàn, hàng loạt biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các bộ ngành, doanh nghiệp 2 nước được ký kết và công bố. Đây là những nền tảng quan trọng mở ra các cơ hội hợp tác tỷ USD Việt - Hàn trong thời gian tới.
“Chúng tôi có danh sách mấy chục dự án đang chờ, có dự án vài trăm triệu USD, nhưng cũng có dự án cả tỷ USD. Chúng tôi sẽ sớm có những thông tin mới về các dự án này”- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng nói.
Theo thông tin của ông Đỗ Nhất Hoàng, trong khoảng 6-7 năm trở lại đây, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam luôn có sự bứt phá. Với việc rót hơn 80 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam (tính đến hết năm 2022), Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
So với cách đây 10 năm, năm 2013, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam mới đạt 3,8 tỷ USD, nay đã vọt trên 80 tỷ USD, tăng gấp 21 lần. Cuối năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, chính thức mở ra chương mới trong quan hệ song phương.
Nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam như Dự án nhà máy sản xuất gang thép của Tập đoàn Posco đầu tư với vốn đăng ký 1,126 tỷ USD; Dự án xây dựng tổ hợp văn phòng và khách sạn Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam với tổng số vốn đầu tư 1 tỷ USD; Dự án xây dựng cụm tháp đôi khách sạn 5 sao Hà Nội Plaza và khu văn phòng cao cấp với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn Charmvit…
Về lĩnh vực đầu tư, trong những năm đầu, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tư mạnh vào ngành dệt may tại Việt Nam; Cùng với thời gian, vốn đầu tư của Hàn Quốc mở rộng sang các lĩnh vực mới như xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ, văn phòng, khách sạn, bảo hiểm… Gần đây là lĩnh vực công nghệ cao.
"Mối quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã đạt được những bước phát triển đáng kể trong 3 thập niên qua. Chúng tôi dự đoán kim ngạch thương mại song phương sẽ tăng gấp đôi lên 150 tỷ USD vào năm 2030"- Korea JoongAng Daily dẫn lời ông Kim Bong-man - Trưởng ban Các vấn đề quốc tế tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI).
Hiện có 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, hoạt động không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống mà còn hướng tới các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, môi trường, tăng trường xanh, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm đến các mô hình kinh tế tuần hoàn, giao thông xanh, giảm phát thải carbon tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng gì ở Việt Nam?
Theo các chuyên gia, với hơn 100 triệu dân, nguồn lao động của Việt Nam rất dồi dào. Còn về thị trường thì Việt Nam đã tham gia ký kết 18 Hiệp định thương mại tư do (FTA) châu Á, quốc tế... Ngược lại, Việt Nam lại đang thiếu nguồn vốn, công nghệ, ý tưởng kinh doanh và rất cần được bổ sung từ doanh nghiệp Hàn Quốc.
Samsung hiện là nhà đầu nước ngoài lớn nhất, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD. Cuối năm ngoái, đánh dấu chặng đường gần 15 năm đầu tư lớn tại Việt Nam, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D quy mô 220 triệu USD tại Hà Nội. Dự kiến, cuối năm nay, Samsung sẽ đưa vào sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn ở Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.
Lãnh đạo các tập đoàn như LG, Hyosung… đều đã khẳng định sẽ lựa chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất của mình. Hiện tại, LG đã đầu tư tại Việt Nam gần 7,5 tỷ USD, còn Hyosung đầu tư 3,5 tỷ USD. Trong khi đó, Tập đoàn Lotte đang trong giai đoạn hoàn thiện Lotte MALL Hà Nội và xây dựng Khu phức hợp thông minh - Lotte Eco Smart Thủ Thiêm. Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin cho biết, Lotte Eco Smart Thủ Thiêm sẽ đánh dấu “điểm khởi đầu” cho các hoạt động mở rộng đầu tư sắp tới của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn Doosan Enebility cho biết, Doosan đã đầu tư nhà máy 300 triệu tại Việt Nam và đã tham gia vào nhiều dự án năng lượng điện than, điện gió tại Việt Nam. Khẳng định đang sở hữu công nghệ sản xuất turbin hiện đại, đại diện Doosan chia sẻ, sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo Việt Nam.
Chiều 23/6, Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Tập đoàn SEIN I&D của Hàn Quốc đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng “Tổ hợp Techno Park Việt Nam- Hàn Quốc” tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội. Theo đó N&G Group và SEIN I&D cùng hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng, những công trình chuyên biệt cho phát minh - sáng chế - sản xuất - ứng dụng các sản phẩm Micro - chip theo tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu. Thông qua đó sẽ hình thành nên Tổ hợp Techno park Việt Nam – Hàn Quốc với quy mô khoảng 200ha thuộc giai đoạn 2 của KCN hỗ trợ Nam Hà Nội.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, báo cáo từ Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam khá ổn định, pháp luật ngày càng chặt chẽ hơn và có nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi nhà đầu tư có nguồn vốn lớn như sản xuất chip, các loại pin ô tô tối thiểu đầu tư phải hàng tỷ tới hàng chục tỷ USD trở lên, nên phải có chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý trung ương và địa phương. Do vậy, các nhà đầu tư sẽ nhìn vào thị trường và nhìn vào chính sách hỗ trợ, vấn đề pháp lý, chế độ ưu đãi.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, năng lượng, đất đai… cho nhà đầu tư.
“Chúng tôi kiên định quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo…” - ông Đỗ Nhất Hoàng nói. Hiện tại, để thu hút “đại bàng, Việt Nam đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách mới trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng tại một số quốc gia từ đầu năm 2024. “Nhưng cùng với đó, chúng tôi vẫn thực thi các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D, công nghệ cao…” - ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.
Nhà đầu tư Hàn Quốc cần tìm thị trường mới, Việt Nam lại đang coi trọng đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn… mà Hàn Quốc có thế mạnh. Lợi thế của đôi bên là đã có những nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc "cắm rễ lâu năm" bằng động thái liên tục mở rộng đầu tư và đang thành công lớn tại Việt Nam. Nguồn vốn chất lượng là quan trọng, quan trọng hơn là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, có những quy định về chuyển giao công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. (TS Võ Trí Thành)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận