24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kỳ vọng GDP Việt Nam năm 2021 vượt 500 tỷ USD

Hiện có nhiều ý kiến đa chiều về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021, đặc biệt là câu hỏi lớn: Liệu GDP đến cuối năm 2021 có cán mốc 500 tỷ USD?

Thực tế cho thấy có nhiều cơ sở cho việc đạt được mục tiêu kỳ vọng này, nổi bật là:

Kinh tế được hỗ trợ tăng trưởng

Nền kinh tế có độ mở cao, bối cảnh phục hồi chung của nền kinh tế thế giới sẽ hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam.

Năm 2021, kinh tế thế giới dần phục hồi nhờ nhiều nước đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 và mở cửa trở lại. Nền kinh tế toàn cầu sau khi tăng trưởng âm 3,5% vào năm 2020 thì năm 2021 sẽ tăng trưởng từ 5,6% (theo Ngân hàng Thế giới - WB và Liên minh châu Âu-EU), hay 5,8% (theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD), hoặc 6% (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF).

Thậm chí, tháng 5/2021, Fitch Ratings còn dự báo GDP toàn cầu năm 2021 tăng 6,3%, cao hơn mức dự báo 6,1% đưa ra trong tháng 3/2021. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại toàn cầu dự báo sẽ tăng 8,3% trong năm nay và 6,3% vào năm 2022.

Là một nền kinh tế có độ mở cao hàng đầu thế giới, rõ ràng, khi nền kinh tế và thương mại thế giới nóng trở lại, nhất là các thị trường chính của các nước phát triển có tham gia các hiệp định thương mại (FTA) cùng Việt Nam (như CPTPP, EVFTA, RCEP…) chắc chắn sẽ tạo xung lực tích cực cả về dòng vốn đầu tư, cơ hội mở rộng thị trường và giá cả để kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng mạnh hơn từ nay đến cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo.

Minh chứng cho điều này là trong nửa đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2%; trong đó, xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,6% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước ASEAN.

Động lực tăng trưởng được duy trì

Trong nửa đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và phát triển theo đà tích cực đạt được từ năm 2020, dù làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư vẫn diễn biến phức tạp và đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%; hơn nữa, GDP quý II/2021 tăng 6,61%, tức cao hơn mức tăng 4,48% của quý I/2021. Đặc biệt, cả nước có tổng số 93,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý II/2021, có 68,2% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được điều tra nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định; có 77,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý III/2021 sẽ tốt hơn hoặc ổn định so với quý II/2021.

Động lực thị trường trong nước đang có sự cải thiện khá rõ rệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 11,5%, luân chuyển hàng hóa tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Các dòng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 5/2021, tổng huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lao động đang làm việc trong nền kinh tế cả nước nhìn chung vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Giá cả thị trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát, bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016.

Tín hiệu tốt từ kiểm soát Covid-19

Nhiều động thái mới tích cực trong kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã, đang và sẽ được tiếp tục triển khai.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp về giảm đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ, doanh thu; tăng chi phí sản xuất và lưu thông, cũng như khả năng vay, trả tiền vay ngân hàng, tiền để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị…

Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ.

Mới đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; theo đó: Tập trung chủ động, đột phá kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phương châm “5K + vaccine” và tăng cường ứng dụng công nghệ, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6% GDP cả năm 2021, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm 2021 phải đạt trên 7% GDP. Đây là thách thức không nhỏ. Song, những điều kiện, giải pháp và nỗ lực trên, cùng sự năng động và kinh nghiệm thích ứng tốt của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đã, đang và sẽ tạo xung lực tích cực mới để GDP Việt Nam cán mốc 500 tỷ USD theo cách tính mới của TCTK.

Theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của TCTK, năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.

IMF nhận định, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 1,05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 nghìn USD.

Đại học Fulbright cho rằng, GDP Việt Nam được tính lại có thể cao hơn so với hiện tại khoảng 25-30%. Từ đó, GDP Việt Nam năm 2020 là 340 x 1,25 = 425 tỷ USD, hoặc là 340 x 1,30 = 442 tỷ USD, mức trung bình là 433 tỷ USD.

Theo tỷ số bình quân của thế giới về GDP sức mua/GDP danh nghĩa là 1,56 thì GDP Việt Nam năm 2020 là 340 x 1,56 = 530 tỷ USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả