24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Tiến Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam có được do đâu?

Nền kinh tế Việt Nam duy trì ổn định và hồi phục tích cực sau đại dịch, tăng trưởng năm 2022 dự kiến vượt mục tiêu và nằm trong top cao hàng đầu thế giới nhờ các biện pháp chính sách linh hoạt, đồng bộ và phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Trong xu thế chung của thế giới là tăng trưởng thấp, lạm phát cao, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đạt tăng trưởng cao và lạm phát được kiểm soát. Trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã kỳ tích về tăng trưởng kinh tế, với GDP 9 tháng tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến năm 2022 đạt tỷ lệ tăng trưởng cao vượt mục tiêu đề ra và cao hàng đầu thế giới.

Kinh tế tăng trưởng đều trên cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73%. Tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm (thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%; xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn tới bên trong. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi, do cạnh tranh gay gắt, giá nguyên vật liệu đầu vào biến động, áp lực lạm phát tăng cao, các nước điều chỉnh chính sách, ngân hàng Trung ương nhiều nước tăng lãi suất, các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp...

Song, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tái cơ cấu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới...

Tập trung vào ổn định giá cả

Theo đánh giá của bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên, dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, nhưng trong quá trình phục hồi, Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ. Đó là kết hợp đồng bộ các chính sách, chuyển dịch trọng tâm chính sách kịp thời, từ đó giúp kiềm chế lạm phát tốt, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bà Era Dabla-Norris đánh giá cao các chính sách tiền tệ, tài khóa của Việt Nam, đồng thời đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4%, đồng thời thấp so với các nước trên thế giới và khu vực.

Kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam có được do đâu?

Bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên.

"Nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa", đại diện IMF nói.

Bà Era Dabla-Norris cho rằng, có bốn lý do chính giúp đạt được những kết quả này. Thứ nhất, hồi đầu năm, sự phục hồi kinh tế đã bắt đầu nhưng vẫn còn chậm một chút. Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phù hợp để giảm bớt tác động của giá nhiên liệu cao, như hình thức cắt giảm thuế môi trường và các giải pháp chiến lược khác. Thứ ba, giá cả các loại dịch vụ hỗ trợ, hoạt động hành chính và hoạt động dịch vụ khác đã được kiểm soát tương đối ổn định. Và cuối cùng, so với các nước khác trong khu vực, sự điều hành tỉ giá hối đoái linh hoạt của Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát.

"Nhờ có sự kết hợp của các yếu tố này nên lạm phát trung bình từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp hơn mức 4% đặt ra. Nhưng chúng ta cần thấy rằng các áp lực lạm phát hiện vẫn rất lớn trong bối cảnh giá cả lương thực và năng lượng trên thế giới có nhiều biến động. Nếu nhìn tổng hòa từ nhiều cạnh, kết quả thời gian qua cho thấy sức mạnh và sự phục hồi của nền kinh tế trong nước", Trưởng đoàn giám sát của IMF nêu rõ.

Thời gian tới, IMF nhận định tình hình thế giới có nhiều bất ổn trong điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên chặt chẽ hơn. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại đáng kể, do đó trọng tâm của chính sách cần tập trung nhiều vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách toàn diện và tổng thể nhất. Trong đó, chính sách tiền tệ nên tập trung vào ổn định giá cả. Đây là nhân tố quan trọng nhất của chính sách và cần được thực hiện một cách nhất quán để đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, trong biến động của tình hình thế giới, việc quản lý và duy trì ổn định dựa trên tỉ giá hối đoái sẽ là vấn đề then chốt mà Việt Nam cần chú trọng, bà Era Dabla-Norris khuyến nghị.

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh

Để đảm bảo cho phục hồi và tăng trưởng nhanh, bền vững, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, cần tập trung vào ba trụ cột nền tảng: Một là, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Hai là, hội nhập kinh tế quốc sâu rộng thông qua các FTAs song phương, đa phương. Ba là, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; phục hồi kinh tế, tăng trưởng nhanh, bền vững và giải quyết vấn đề xã hội.

Ở trụ cột về ổn định kinh tế vĩ mô, dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có giới hạn. Trong trụ cột về hội nhập kinh tế, tình hình thế giới đang biến động phức tạp là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu giao thương quốc tế thời gian tới. Như vậy, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh chính là trụ cột chủ chốt lúc này để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.

Tuy nhiên, trụ cột này đang gặp nhiều khó khăn và lực cản khi thiếu vắng cả về nguồn lực và động lực. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đang tạo thêm nhiều rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công vẫn chậm, chương trình phục hồi kinh tế không đạt tiến độ như kỳ vọng…

"Hiện tại, chính sách tiền tệ đang ưu tiên tối đa cho kiểm soát lạm phát; điều đó tác động nghịch đến tăng trưởng trong ngắn hạn. Dư địa tài khoá thúc đẩy tăng tưởng không còn nhiều", TS. Cung lưu ý thêm.

Từ thực tế này, theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần phải gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hóa giải nỗi lo lắng chính đáng của công chức trong việc sợ làm sai quy định, thủ tục, nhất là các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng đối với người dân và doanh nghiệp...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả