Kinh tế Việt Nam liệu có đuổi kịp Thái Lan và bài học tránh rủi ro?
Các nhà quan sát quốc tế nêu lên những bài học để kinh tế Việt Nam có thể tránh rủi ro trong quá trình phát triển.
Đài BBC mới đây có bài viết nhận định về kinh tế và mức sống của người dân Việt Nam trong tương lai gần.
Theo bài viết, Việt Nam đang muốn tận dụng lợi ích từ các hiệp định, khu vực thương mại tự do để góp phần tạo cú hích cho nền kinh tế. Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) đã hoàn tất. Nhiều nhà phân tích dự đoán EVFTA sẽ góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng mức mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Ở cấp độ khu vực, ASEAN đang cố gắng xúc tiến hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tiến tới ký kết trong năm 2020. Nếu được ký kết, Hiệp định này sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Với Việt Nam, sau 3 thập niên đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Trong ASEAN, dân số Việt Nam đứng thứ 3, nhưng quy mô kinh tế đứng thứ 6.
Theo tính toán của công ty tư vấn McKinsey, trong năm 2018, GDP đầu người của Malaysia cao gần gấp đôi so với Thái Lan và cao gấp 3-5 lần so với thu nhập trung bình của Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Liệu kinh tế Việt Nam có thể bứt phá để mức sống người dân theo kịp các nước trong ASEAN?
TS. Chayodom Sabhasri của Khoa Kinh tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhấn mạnh: "Kinh tế Việt Nam đang thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Gần đây, rõ ràng, đầu tư nước ngoài trực tiếp của phương Tây đã chuyển từ một số thành viên ASEAN sang Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản ở Thái Lan năm 2020 cũng đã chuyển hướng sang Việt Nam. Chắc chắn, Việt Nam sẽ sớm theo kịp các thành viên hàng đầu ASEAN".
TS. Chayodom Sabhasri chỉ ra rằng, Việt Nam có nhân công trẻ, chăm chỉ, có năng lực, trong khi một số thành viên ASEAN đã bước vào giai đoạn dân số già hóa.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Chỉ số Vốn con người (HCI) của Việt Nam hiện xếp thứ 48 trên 157 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai ở ASEAN, chỉ sau Singapore.
Dân số Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 120 triệu vào năm 2050. Hiện nay, 70% dân số có độ tuổi dưới 35, với tuổi thọ trung bình gần 76 tuổi, cao hơn những nước có thu nhập tương đương trong khu vực. Theo WB, tầng lớp trung lưu đang hình thành, hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026.
GS.TS Patarapong Intarakumnerd thuộc Viện nghiên cứu Chính sách Quốc gia (National Graduate Institute for Policy Studies, GRIPS), Tokyo (Nhật Bản) phân tích: "Nếu nhìn mức tăng trưởng của 5 năm vừa qua, Việt Nam tăng nhanh hơn cả Malaysia và Thái Lan. Việt Nam có lợi thế về lao động rẻ hơn nhưng có kỹ năng tốt, thị trường lớn, ổn định chính trị, mạnh về các môn học STEM, hạ tầng cơ sở đang cải thiện".
Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng quan tâm đến Việt Nam.
TS. Patarapong Intarakumnerd nêu rõ: "Các hãng điện tử Nhật Bản như Panasonic đã dự định đưa nhà máy, trung tâm nghiên cứu-phát triển sang Việt Nam. Việt Nam đang trở thành nơi hội tụ của các hãng điện tử và viễn thông như Samsung, Intel, Panasonic…Điều này chứng minh Việt Nam đã nâng mình lên trong chuỗi giá trị toàn cầu".
Ông Patarapong Intarakumnerd cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phát triển "đa dạng". Ông nói: "Việt Nam đang tiến nhanh về công nghệ (điện tử, phần mềm), kỹ thuật bậc trung (xe hơi), và các ngành thâm dụng nhân công (cà phê, thủy hải sản)".
Việt Nam có thể tránh những rủi ro gì?
Trong quá trình phát triển của Thái Lan, có những rủi ro nào mà Việt Nam có thể tránh được?
Trả lời câu hỏi này, TS. Chayodom Sabhasri, nêu ra các yếu tố, trong đó có chi phí lao động tăng theo thời gian và những bất ổn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, những thay đổi công nghệ sẽ giảm bớt lợi thế của chi phí lao động giá rẻ. Thái Lan cũng đã chứng kiến thiệt hại từ hiện tượng "bong bóng tài sản" và tham nhũng.
TS. Patarapong Intarakumnerd nhận xét, Thái Lan đã chứng tỏ một số nhược điểm kìm hãm sự phát triển của nước này.
Ông nói: "Thiếu liên kết giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cấp công nghệ; không đủ sức ép và sự hấp dẫn để các hãng nước ngoài nâng cấp đầu tư công nghệ, chuyển từ lắp ráp lên thiết kế, nghiên cứu và phát triển.
Chính phủ Thái Lan thiếu đầu tư để khuyến khích các công ty nâng cấp công nghệ. Việt Nam cũng đang yếu về mặt này. Thái Lan cũng thiếu quan tâm đến các môn học STEM cho giáo dục dạy nghề mà quá chú trọng đến giáo dục sau đại học".
Tuy nhiên, hai nhà quan sát vẫn nhận định rằng, giới chức và doanh nhân Thái Lan vẫn lo lắng về khả năng Việt Nam có thể sớm bắt kịp và vượt người Thái.
TS. Patarapong Intarakumnerd nhấn mạnh: "Việt Nam đang đuổi nhanh trong các lĩnh vực mà Thái Lan từng làm tốt như điện tử, thủy hải sản, dệt may, nhưng đồng thời, nhà đầu tư Thái Lan cũng thấy có cơ hội tốt để đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, họ đã và đang bỏ tiền nhiều vào nông nghiệp, bán sỉ - lẻ, khách sạn, thiết bị ô tô… ở Việt Nam".
Còn ông Chayodom Sabhasri chia sẻ: "Năm 1998, một năm sau khủng hoảng tài chính châu Á, tôi có bài nói chuyện nhận định rằng, chúng ta cần quan tâm khả năng kinh tế Việt Nam sẽ hơn chúng tôi sau 20 năm nữa. Các yếu tố tích cực chính của Việt Nam là người dân cần cù sự cải thiện trong hệ thống giáo dục và chính phủ ổn định".
TS. Chayodom Sabhasri cũng cho rằng, nhóm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan (CLMVT) nên hợp tác chặt chẽ hơn. Ông cho rằng: "Tiểu vùng CLMVT phải lập đối tác để làm việc với nhau và không nên nhắm tới việc cạnh tranh lẫn nhau".
Sau đợt chống Covid-19 vừa qua, tổ chức quốc tế như WB cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021. Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để giúp kinh tế phục hồi trong trung hạn, như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận