Kinh tế Trung Quốc tăng ì ạch bất chấp gói kích thích khổng lồ
Hôm nay (18/10), Trung Quốc công bố mức tăng trưởng chậm nhất trong 1 năm rưỡi, khiến các cơ quan quản lý chịu sức ép phải tiếp nối một loạt chính sách kích thích gần đây để có thể xốc lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa thoát khủng hoảng. (Ảnh: Global Times)
Từ tháng trước, giới chức Trung Quốc công bố một loạt biện pháp để kích thích tiêu dùng chậm chạp và xử lý cuộc khủng hoảng nợ kéo dài trong ngành bất động sản.
Sau một đợt tăng giá mạnh mẽ của thị trường nhờ kỳ vọng vào gói kích thích khổng lồ, tâm lý lạc quan giảm dần khi giới chức nước này không đưa ra con số cụ thể cho gói cứu trợ hoặc đưa ra cam kết chi tiết nào.
Ngày 18/10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết nền kinh tế trong quý III tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 4,7% trong quý II năm nay và là mức chậm nhất kể từ đầu năm 2023, thời điểm Trung Quốc chấm dứt giai đoạn kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt.
NBS cho biết nguyên nhân tăng trưởng chậm trong quý này là do "môi trường bên ngoài phức tạp và nghiêm trọng... cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong nền kinh tế nội địa".
Tuy nhiên, số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tháng 9 tăng vượt dự báo, trở thành tia sáng giữa một loạt chỉ số dưới mức trung bình, bao gồm lạm phát, đầu tư và thương mại.
Trước khi số liệu được công bố, báo chí Trung Quốc đưa tin các ngân hàng hàng đầu của nước này đã cắt giảm lãi suất tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ lần thứ hai trong năm nay, nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay.
Trung Quốc khẳng định "hoàn toàn tự tin" sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm, nhưng các nhà kinh tế học cho rằng cần có nhiều biện pháp kích thích tài khóa trực tiếp hơn để phục hồi hoạt động kinh tế và khôi phục niềm tin của doanh nghiệp.
Những tuần gần đây, Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp để đưa tiền mặt vào nền kinh tế, bao gồm các đợt cắt giảm lãi suất và nới lỏng hạn chế mua nhà.
Ngày 18/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) đưa ra một biện pháp như vậy, với khoản vốn hơn 200 tỷ nhân dân tệ (28,1 tỷ USD) để tăng tính thanh khoản của thị trường.
Thống đốc PBoC Pan Gongsheng hôm nay cho biết, các quan chức đang xem xét cắt giảm thêm tỷ lệ dự phòng bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại trước khi kết thúc năm.
Vấn đề đau đầu mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt là cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, một ngành từ lâu đã đóng vai trò động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nay đang sa lầy trong biển nợ.
Giá nhà mới trong tháng 9 chỉ tăng ở 2 trong số 70 thành phố lớn. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức tại khu vực thành thị của Trung Quốc giảm xuống còn 5,1% trong tháng 9, từ mức 5,3% vào tháng 8.
Ngày 16/10, các quan chức Trung Quốc cho biết sẽ tăng tín dụng dành cho các dự án nhà ở chưa hoàn thành lên hơn 500 tỷ USD. Tuy nhiên, khác với thông tin được đăng tải rầm rộ trong tuần qua, cuộc họp báo ngày 16/10 không gây ấn tượng vì thiếu cam kết tài chính chi tiết.
Các số liệu mới cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP 5% năm nay sẽ "khó đạt được nếu xu hướng này tiếp tục đến cuối năm", Zhang Zhiwei, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định.
"Chúng tôi đang chờ đợi sự rõ ràng hơn trong các biện pháp kích thích tài khóa. Chúng ta có thể phải đợi đến tháng 11 để biết chi tiết, vì kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến tư duy chính sách ở Bắc Kinh", ông Zhang cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận