menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phú Đô

Kinh tế Trung Quốc: Liệu đã qua cơn bĩ cực?

Sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, trong khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục nới lỏng thêm tiền tệ cho thấy, điều tồi tệ nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đã trôi qua.

Sản xuất phục hồi mạnh mẽ

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã phục hồi mạnh lên 52 điểm trong tháng 3 từ mức thấp kỷ lục 35,7 điểm của tháng 2, mạnh hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế trong bối cảnh nhiều nhà máy đã quay trở lại hoạt động sau quãng thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn dự kiến sẽ bị thu hẹp chưa từng có trong quý này, một điều mà không ai có thể nghĩ tới trước khi dịch virus bùng phát. Triển vọng kinh tế quý 2 còn phụ thuộc vào mức độ phục hồi của nhu cầu trong nước cũng như sự cải thiện nhu cầu của các thị trường nước ngoài.

“Con số trên 50 không có nghĩa là hoạt động kinh tế đã được nối lại hoàn toàn”, Zhang Liqun - một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin Logistics Trung Quốc cho biết. “Chúng ta cần hiểu đầy đủ về sự khó khăn và phức tạp chưa từng có, và cần hết sức chú ý đến các cú sốc do virus trong sản xuất và nhu cầu”.

Hiện các nhà máy Trung Quốc đang phải đối mặt với việc các đơn đặt hàng xuất khẩu bị hủy bỏ khi đại dịch xảy ra trên toàn thế giới. “Mặc dù chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất phục hồi nhanh chóng trong tháng 3, kết quả khảo sát cho thấy các công ty vẫn phải đối mặt với áp lực hoạt động tương đối lớn”, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố, nhấn thêm rằng nhiều công ty đang báo cáo tình trạng thiếu kinh phí và nhu cầu giảm so với tháng Hai. “Virus lan nhanh trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và thương mại thế giới, mang đến những thách thức mới, nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc”.

Mặc dù vậy đây cũng là một tia hy vọng được nhen lên đối với nhiều quốc gia đang bị hoành hành bởi virus corona. “Sự cải thiện này cũng mang đến một hy vọng rằng tác động của virus có thể chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Điều đó mang lại niềm an ủi cho các quốc gia đang trải qua thời kỳ nhiễm virus mạnh. Tuy nhiên, mặc dù điều kiện được cải thiện, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa trở lại bình thường và phải đối mặt với những thách thức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ cả trong và ngoài nước. Hỗ trợ chính sách có thể sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là các biện pháp tài khóa. Chúng tôi cũng mong đợi chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn”, Chang Shu và David Qu - các nhà kinh tế của Bloomberg Economic nói.

Củng cố thêm triển vọng phục hồi

Triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang được củng cố khi mà các nhà hoạch định sách tăng cường các biện pháp kích thích trong thời gian gần đây. Theo đó chính sách tiền tệ đã được nới lỏng hơn khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 30/3 đã bất ngờ cắt giảm mạnh lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày tới 20 điểm cơ bản từ 2,4% xuống còn 2,2%. Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 11/2019, PBoC thực hiện cắt giảm mức lãi suất này.

Ma Jun - một cố vấn ngân hàng trung ương nói với truyền thông nhà nước rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều cơ hội để điều chỉnh chính sách tiền tệ và quyết định lãi suất của PBoC xét trong bối cảnh các công ty Trung Quốc đang trở lại hoạt động, tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu và sự xấu đi trong môi trường kinh tế đối ngoại.

“Lãi suất công cụ cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất cho vay cơ bản (LPR) cũng đã được cắt giảm trong tháng này. Chúng tôi tin rằng việc cắt giảm này là một tín hiệu để thúc giục tất cả các khoản vay coi LPR là chuẩn mực để PBoC có thể cải thiện hiệu quả của việc truyền tải chính sách tiền tệ”, Xing Zhaopeng - chuyên gia kinh tế thị trường tại ANZ ở Thượng Hải cho biết.

Trong khi theo Reuters, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cũng đưa tin hôm 31/3, trích dẫn cuộc họp nội các do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, rằng PBoC sẽ thực hiện cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng vừa và nhỏ để giúp giảm bớt tác động của sự bùng phát của virus corona trên toàn cầu.

Về tài khóa, chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch tăng thâm hụt ngân sách, phát hành nợ có chủ quyền đặc biệt và cho phép chính quyền địa phương bán thêm trái phiếu cơ sở hạ tầng. “Chúng ta cần tăng cường điều chỉnh các chính sách tài khóa và tiền tệ trước những thách thức mới từ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế và những thay đổi nhanh chóng trong tình hình kinh tế và thương mại thế giới”, Reuters trích dẫn phát biểu của nội các Trung Quốc cho biết.

Nhưng các biện pháp kích thích hiện nay vẫn thua xa những gì mà Trung Quốc đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi nước này dẫn đầu thế giới với mức kích thích khổng lồ 4 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu từ nước ngoài. Bởi vậy, triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không chỉ dựa vào các biện pháp kích thích trong nước mà cả hiệu quả của các chương trình cứu trợ của các quốc gia bên ngoài như gói cứu trợ 2 nghìn tỷ USD mà chính quyền ông Trump vừa công bố, hoặc chương trình mua trái phiếu gần như không giới hạn của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại